Chống buôn bán người qua môi giới hôn nhân

30/07/2017 09:00
Quỳnh Giang
(GDVN) - Phụ nữ Việt Nam kết hôn với người nước ngoài đang là một thực tế xã hội, là nhu cầu của một bộ phận nhân dân và được pháp luật công nhận, bảo vệ.

Tuy nhiên, mặt trái của quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài ngày càng gia tăng, tiềm ẩn không ít những mặt tiêu cực, trong đó nguy hại nhất là nhiều đối tượng lợi dụng hoạt động hôn nhân có yếu tố nước ngoài để thực hiện các hành vi mua bán người.

Ở nước ta, tình trạng phụ nữ lấy chồng nước ngoài chủ yếu tập trung ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, một số tỉnh biên giới phía Bắc trong đó nhiều trường hợp thông qua môi giới bất hợp pháp nên gặp phải nhiều rủi ro, trong hôn nhân có khi bị lừa bán.

Từ năm 2003, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã chỉ đạo thành lập Trung tâm hỗ trợ kết hôn tại một số tỉnh, thành phố, sau đó đổi tên thành Trung tâm Tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài.

Tính đến tháng 6/2017, cả nước có 17 trung tâm do hội phụ nữ các tỉnh, thành phố thành lập, trong đó các tỉnh, thành phía Nam có 11 trung tâm. Bộ máy của các trung tâm có 3 người gồm: 1 giám đốc, 1 phó giám đốc và 01 cán bộ hoặc tư vấn viên (riêng trung tâm của Thành phố Hồ Chí Minh có 8 người); trong đó Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh phân công 1 lãnh đạo phụ trách trực tiếp, kinh phí hoạt động chủ yếu từ nguồn ngân sách nhà nước cấp.

Hoạt động của  Trung  tâm Tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Đến nay, các  trung  tâm  đã tư vấn cho hơn 15 ngàn trường hợp liên quan đến hôn nhân có yếu tố nước ngoài; trong đó có 2.113 trường hợp hoàn thành thủ tục đăng ký kết hôn, 210 trường hợp hoàn tất thủ tục ly hôn.

Đa số phụ nữ đến trung tâm để tư vấn và đăng ký kết hôn có độ tuổi từ 18 đến 30; phần lớn ở khu vực nông thôn, lao động phổ phông, không có việc làm ổn định.

Các hoạt động tiền hôn nhân giúp các cô dâu Việt nâng cao nhận thức khi lấy chồng nước ngoài, phòng chống tội phạm buôn bán người thông qua hôn nhân (Ảnh: phunuvietnam)
Các hoạt động tiền hôn nhân giúp các cô dâu Việt nâng cao nhận thức khi lấy chồng nước ngoài, phòng chống tội phạm buôn bán người thông qua hôn nhân (Ảnh: phunuvietnam)

Các trường hợp tư vấn nhiều nhất vẫn là kết hôn với nam giới các quốc gia, vùng lãnh thổ như: Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc. Những năm gần đây, số phụ nữ kết hôn với công dân Canada, Hà Lan, Indonesia, Mỹ, Úc có chiều hướng tăng.

Thông qua các buổi tư vấn, giúp chị em thấy được những khó khăn, rủi ro có thể gặp khi đi làm dâu ở nước ngoài để chuẩn bị tâm lý…; do đó đã có nhiều trường hợp xin rút hồ sơ sau khi được tư vấn.

Theo khảo sát, từ tháng 02/2014 đến nay các trung tâm đã giới thiệu 1.023 phụ nữ Việt Nam kết hôn với người Hàn Quốc (sau kết hôn, các gia đình có cuộc sống hạnh phúc, chỉ có 3/1.023 trường hợp ly hôn).

Các Trung tâm Tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài đã phối hợp với các ngành chức năng tuyên  truyền,  phổ  biến các văn bản pháp luật về hôn nhân gia đình; về truyền thống, chuẩn mực, phẩm chất đạo đức của người phụ nữ Việt  Nam; các kiến thức về bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia  đình và phòng, chống mua bán người cho hội viên, phụ nữ.

Kết quả, từ năm 2011 đến nay, đã phối hợp tổ chức trên 1.000 buổi tuyên truyền cho hơn 41.000 phụ nữ; in và cung cấp hơn 3.000 cuốn tài liệu, 60.000 tờ rơi, 15.000 tờ gấp về phòng chống mua bán phụ nữ, trẻ em cho các chi/tổ hội làm tài liệu tuyên truyền.

Các trung tâm đã giúp nhiều phụ tránh bị lừa hoặc rơi vào cạm bẫy của bọn buôn người, môi giới hôn nhân bất hợp pháp, góp phần lành mạnh hóa việc phụ nữ Việt Nam kết hôn với người nước ngoài.

Thực hiện chương trình hợp tác với Tổ chức Di dân Hàn Quốc, Trung tâm tại Thành phố Hồ Chí Minh đã mở 15 khóa đào tạo tiếng Hàn và tư vấn về văn hoá, phong tục, tập quán Hàn Quốc cho gần 2.300 cô dâu Việt Nam đã đăng ký kết hôn với nam công dân Hàn Quốc.

Thông qua các khóa đào tạo giúp cho cô dâu Việt Nam biết các quy định về nhập cư, thủ tục khi nhập cảnh, các địa chỉ, số điện thoại cần thiết để được hỗ trợ; tham gia “bảo hộ quyền công dân” và các kiến thức, kỹ năng sống, cách ứng xử trong vai trò làm dâu, làm vợ, làm mẹ phù hợp với phong tục, tập quán của đất nước Hàn Quốc.

Khi đi vào hoạt động các Trung tâm Tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tại các địa phương phía Nam đã thể hiện sự chủ động, trách nhiệm của tổ chức Hội trong việc ngăn chặn các hoạt động môi giới kết hôn bất hợp pháp; bước đầu đáp ứng được yêu cầu của một bộ phận phụ nữ có nhu cầu kết hôn với người nước ngoài.

Mặc dù đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ, nhưng trong quá trình hoạt động, các Trung tâm vẫn gặp một số khó khăn, vướng mắc như: Còn lúng túng về phương thức hoạt động, chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu của phụ nữ, của xã hội; công tác tuyên truyền giới thiệu,  quảng  bá về hoạt động của Trung tâm chưa thường xuyên nên chưa thu hút được nhiều đối tượng tham gia.

Các trung tâm khó khăn về nguồn lực: Đội ngũ cán bộ kiêm nhiệm, thường xuyên thay đổi; kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm còn hạn chế; cơ sở vật chất nhiều nơi chưa đảm bảo; thiếu kinh phí hoạt động. Việc nắm thông tin về nhân thân của nữ công dân Việt Nam, nam công dân nước ngoài và theo dõi sau kết hôn còn khó khăn.

Ngoài ra, hôn nhân quốc tế là một vấn đề nhạy cảm, do đó các trung tâm phải hoạt động hết sức thận trọng, tránh gây phản cảm trong dư luận

Thời gian tới, để nâng cao hiệu quả hoạt động của các Trung tâm Tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài, góp phần hỗ trợ chị em kết hôn với người nước ngoài và phòng, chống mua bán người thông qua môi giới hôn nhân có yếu tố nước ngoài, Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp sẽ tập trung thực hiện một số giải pháp  như:

Chống buôn bán người qua môi giới hôn nhân ảnh 2Việt Nam vẫn là điểm nóng của tình trạng mua bán người và di cư bất hợp pháp.

Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức về pháp luật, văn hoá xã hội và trình độ ngoại ngữ cho đội ngũ cán bộ tại các trung tâm;

Nghiên cứu giải thể những trung tâm hoạt động không hiệu quả và chuyển hoạt động tư vấn, hỗ trợ hôn nhân có yếu tố nước ngoài về Ban Chính sách luật pháp của Hội phụ nữ các tỉnh.

Chủ động đề xuất, huy động kinh phí từ các nguồn: Ngân sách nhà nước, tài trợ từ các tổ chức, cá nhân và  trả thù lao tư vấn để duy trì hoạt động của trung tâm.

Sắp xếp, bố trí cán bộ hợp lý, có chế độ cho cán bộ hợp đồng; mở rộng hoạt động giới thiệu kết hôn theo “quy trình giới thiệu hôn nhân quốc tế” của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam hợp tác với Trung tâm Phụ nữ Việt Nam ở Hàn Quốc thực hiện.

Lồng ghép nội dung hoạt động của trung tâm với các chương trình, đề án, dự án của Hội về phòng, chống mua bán người; hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững; tăng cường hỗ trợ vốn, dạy nghề và giới thiệu việc làm góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trong lao động nữ ở nông thôn.

Tăng cường công tác tuyên truyền làm thay đổi nhận thức và tư tưởng “sính ngoại” của các bậc phụ huynh và nữ thanh niên nông thôn; tích cực phối hợp với các ngành liên quan biên soạn tài liệu và đa dạng hóa hình thức truyền thông phù hợp với từng đối tượng, lấy người thật việc thật để tuyên truyền.

Nhiều hoạt động tuyên truyền chính sách, pháp luật về phòng, chống mua bán người được Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức cho chị em phụ nữ (Ảnh: Báo lào cai)
Nhiều hoạt động tuyên truyền chính sách, pháp luật về phòng, chống mua bán người được Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức cho chị em phụ nữ (Ảnh: Báo lào cai)

Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Bộ Tư pháp sớm tổ chức hội nghị sơ kết hoạt động tư vấn, hỗ trợ hôn nhân có yếu tố nước ngoài của các trung tâm để đánh giá rút kinh nghiệm và giúp Hội Liên hiệp phụ nữ các địa phương tháo gỡ khó khăn trong thực  hiện.

Bộ Tư pháp sớm rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp  luật liên quan đến hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài; nghiên cứu quy định chặt chẽ “ghi chú kết hôn” nhằm ngăn chặn môi giới hôn nhân bất hợp pháp.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nghiên cứu, tham mưu các chính sách giải quyết việc làm cho lao động nông thôn nhằm hạn chế việc di cư tìm  việc làm và kế hôn với người nước ngoài vì lý do kinh tế.

Đặc biệt, Bộ Công an tăng cường công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự; xử lý triệt để các hành vi môi giới hôn nhân bất hợp pháp; nâng cao hiệu quả điều tra, xử lý các  đường dây tội phạm mua bán người, nhất  là mua bán người thông qua hôn nhân có yếu tố nước ngoài; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố cần quan tâm, tạo  điều  kiện,  hỗ trợ kinh phí cho hoạt động của trung tâm.

Bộ Ngoại giao tăng cường hợp tác với các cơ quan, tổ chức, đại diện ngoại giao các nước tại Việt Nam; chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại các nước thực hiện các vấn đề hỗ trợ hôn nhân có yếu tố nước ngoài, bảo hộ cô dâu Việt Nam  sinh sống tại nước ngoài

Quỳnh Giang