Độc giả bàn luận xung quanh câu chuyện thu phí và vấn nạn ùn tắc giao thông:

"Chống ùn tắc ở Hà Nội bằng cách đi... đường sông"

22/04/2012 06:47
Độc giả Trần Quang Mạnh (Hà Nội)
(GDVN) - "Rất ít thành phố có sông chảy vòng quanh thành phố đẹp và dọc các trục đường chính như Hà Nội nên việc tận dụng đường thủy để giảm ùn tắc chắc chắn sẽ có hiệu quả nhất định...", độc giả Quang Mạnh nhìn nhận.
Xung quanh câu chuyện về giải quyết vấn nạn ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM và phương án đề xuất thu các loại phí bảo trì giao thông đường bộ sẽ có hiệu lực từ tháng 6/2012, đã có rất nhiều ý kiến gửi về tòa soạn báo Giáo dục Việt Nam.
Để rộng đường dư luận, Báo Giáo dục Việt Nam xin tiếp tục đăng tải bài viết của độc giả Trần Quang Mạnh (Cầu Giấy, Hà Nội) với nội dung hiến kế nhằm chống ùn tắc giao thông gửi đến Bộ trưởng Đinh La Thăng. Mời bạn đọc cùng theo dõi: Trong những ngày qua, từ câu chuyện về đề án thu các loại phí giao thông được Bộ trưởng Đinh La Thăng đề xuất lên Chính phủ tôi thấy đã có rất nhiều những ý kiến, sáng kiến, kế sách hay của bạn đọc cả nước được đăng tải trên báo chí với mong muốn cùng nhau giải quyết vấn nạn ùn tắc giao thông, đang là căn bệnh "trầm kha" hiện nay ở các đô thị lớn. Là một người sống ở Hà Nội cũng khá lâu, thường xuyên di chuyển trên các tuyến đường nên tôi cũng xin có một vài đóng góp nhỏ để mong muốn cùng toàn xã hội chung sức giải quyết vấn nạn ùn tắc giao thông.
Bạn đọc cho rằng nên cải tạo lại mặt nước các con sông và phát triển mạng lưới đường thủy ở Hà Nội sẽ mang lại hiệu quả trong việc chống ùn tắc giao thông (Ảnh minh họa/Internet).
Bạn đọc cho rằng nên cải tạo lại mặt nước các con sông và phát triển mạng lưới đường thủy ở Hà Nội sẽ mang lại hiệu quả trong việc chống ùn tắc giao thông (Ảnh minh họa/Internet).

Trước hết, khi theo dõi các ý kiến của nhiều độc giả, tôi thấy không ít người có đề cập đến việc ở các thành phố lớn, đặc biệt là thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh cần nhanh chóng phát triển các loại hình giao thông công cộng trong đó tàu điện ngầm là phương tiện đem lại hiệu quả rất cao.
Thực tế ở nhiều nước phát triển thì tàu điện ngầm đã không còn là một loại hình phương tiện công cộng quá xa lạ và hiệu quả mang lại đối với việc giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông là rất khả quan. Tuy nhiên, theo tôi thấy, dù nhiều nước đã phát triển loại hình này cả thế kỷ nay rồi nhưng Việt Nam ta dù muốn hay không cũng khó có thể làm được. Bởi ngoài câu chuyện muôn thuở là thiếu nguồn vốn đầu tư khổng lồ để xây dựng ra thì còn có hai nguyên nhân mà tôi nghĩ chúng ta nên xem xét khi thực hiện loại hình phương tiện này. Thứ nhất, đó là các móng nhà cao tầng của chúng ta hiện nay còn quá yếu, thêm vào đó, các nhà cao tầng, nhà chọc trời hiện nay ở các thành phố lớn của chúng ta được xây dựng một cách dàn trải chứ chưa có qui hoạch tập trung, vì thế ai dám đảm bảo chắc chắn rằng việc thi công tàu điện ngầm sẽ không gây ra hiện tượng nứt, gãy nền móng yếu của các công trình tòa nhà này. Thêm vào đó, như chúng ta đã biết, tính chất đất của hai thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là đất mềm do các con sông bồi đắp lên đồng bằng châu thổ qua hàng ngàn, trăm năm. Cho nên, việc xây dựng hệ thống tàu điện ngầm chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ đến cấu trúc hạ tầng của các thành phố này. Đó là chưa kể nó sẽ còn ảnh hưởng đến các mạch nước ngầm, những di tích ở trong lòng đất.... Từ thực tế đã có quãng thời gian khá dài ở Hà Nội, tôi xin mạn phép đưa một giải pháp mà tôi nghĩ có có lẽ sẽ khá hiệu quả đối với chống ùn tắc giao thông nhưng chưa thấy ai nghĩ đến đó là phát triển đường thủy. Tại sao tôi lại nói vậy, bởi lẽ như chúng ta đã thấy, rất ít các thành phố trên thế giới có các dòng sông chảy vòng quanh thành phố đẹp như ở Hà Nội và thêm vào đó lại toàn dọc theo những trục đường chính. Như sông Tô Lịch của chúng ta dọc theo trục đường Bưởi - Láng... kéo dài qua nhiều quận, huyện Cầu Giấy, Ba Đình, Thanh Xuân, Đống Đa, Thanh Trì rồi sông Kim Ngưu, sông Lữ, sông Sét và lớn nhất là sông Hồng. Tôi nghĩ rằng việc tận dụng các công trình thiên nhiên này chắc chắn sẽ mang lại những hữu ích thiết thực trong việc giảm vấn nạn ùn tắc giao thông hơn là đi thực hiện những công trình tốn kém mà còn có những tác động, hệ lụy về sau. Thêm vào đó, việc phát triển đường thủy từ các con sông này này sẽ tạo ra một nét đặc sắc riêng cho giao thông Hà Nội mà khó nước nào trên thế giới có được. Không chỉ giúp giảm ùn tắc chắc chắn nó sẽ giúp thu hút thêm một lượng khách du lịch đáng kể đến với thủ đô. Và việc cần làm ngay bây giờ là cải tạo lại chất lượng nước ở các con sông này để làm sao đáp ứng được cho yêu cầu phục vụ giao thông.

Ảnh minh họa (nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (nguồn: Internet)


Ngoài đề xuất trên, tôi thấy rằng, muốn giải quyết bài toán ùn tắc giao thông đối với hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thì chúng ta cần phải chấp nhận một giải pháp hy sinh, đó là mua lại các nhà cao tầng của các nhà đầu tư bất động sản ở các khu vực ngoại thành để đưa dân ở trung tâm ra đó sinh sống. Chúng ta nên mạnh tay chi trong việc sẵn sàng cấp nhà không lấy một đồng nào của dân hoặc qui đổi từ diện tích họ đang sử dụng sang nhà, có hỗ trợ thêm.  Trong việc di dời dân này, các cơ quan chức năng cũng cần phải có sự công khai, minh bạch, rõ ràng, không nhân nhượng với bất cứ một ai, dù là ở địa vị nào, để mọi người dân thấy được sự quyết liệt và đồng lòng thực hiện theo. Đồng thời, tôi đề nghị các cơ quan chức năng của Trung ương, các thành phố lớn cần đẩy nhanh tiến độ, hỗ trợ vốn, bố trí đất sạch để nhanh chóng tiến hành di dời các trường Đại học, cao đẳng, các bệnh viện, nhà máy, xí nghiệp ra ngoài thành phố. Đất có được từ việc tiến hành di dời này sẽ được bỏ ra để phục vụ phát triển các công trình giao thông, công trình công cộng thay vì rất nhiều những ý kiến cho rằng sẽ bán lại để xây ra cao tầng, trung tâm thương mại... Đây là một vài ý kiến đóng góp nhỏ của tôi với mong muốn sẽ giảm thiểu được vấn nạn ùn tắc giao thông ở các đô thị lớn hiện nay xin được gửi tới các cơ quan chức năng xem xét. Tôi nghĩ rằng, sẽ chẳng có việc gì khó khi mà tất cả chúng ta cùng đồng tâm, đồng lòng, quyết chí để thực hiện và vấn nạn ùn tắc giao thông ở các đô thị lớn hiện nay cũng như vậy. Xin trân trọng cảm ơn tất cả các bạn đọc và tòa soạn.
Mọi ý kiến đóng góp của độc giả xin gửi về địa chỉ:toasoan@giaoduc.net.vn.
Độc giả Trần Quang Mạnh (Hà Nội)