Chủ quyền và liên minh

22/12/2015 08:52
Ngọc Việt
(GDVN) - Một quốc gia khi tham gia liên minh hay gia nhập một tổ chức nào đó thì luôn bị chi phối bởi nguyên tắc bất di bất dịch là đôi bên phải đều tìm thấy cái lợi.

Trong những ngày cuối năm 2015, Thủ tướng Anh David Cameron tất bật với hành trình ngoại giao con thoi trong việc gặp gỡ các lãnh đạo EU để bàn về việc Vương quốc Anh nên ra đi hay ở lại trong ngôi nhà chung Cộng đồng Châu Âu (EU), trước khi ở nước Anh diễn ra cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề này vào năm 2017.

Có nhiều chủ đề được đưa ra bàn thảo xoay quanh vấn đề cực kỳ quan trọng này. Thủ tướng Cameron đã có những đề xuất mà nước Anh cần được xem xét để ở lại EU, còn các lãnh đạo EU cũng có những quan điểm của mình liên quan đến vai trò và vị thế của nước Anh trong tổ chức này.

Thủ tướng Anh David Cameron, ảnh: Express.co.uk.
Thủ tướng Anh David Cameron, ảnh: Express.co.uk.

Cùng lúc đó tại nước Anh cũng diễn ra những tranh cãi hết sức gay gắt về trách nhiệm nước Anh phải gánh vác và quyền lợi mà nước Anh phải được hưởng khi tiếp tục ở lại Liên minh Châu Âu.

Theo BBC ngày 18/12, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk và các nhà lãnh đạo EU khác đã bày tỏ mong muốn của họ là có thể đáp ứng nhu cầu của nước Anh, nhưng chỉ khi các nguyên tắc cốt lõi của EU được tôn trọng và phải không làm suy yếu liên minh.

Vậy đâu là điểm mấu chốt cho việc giải quyết vấn đề?

Quyền lợi người dân phải là trọng tâm của mọi chính sách

Phải khẳng định rằng, một quốc gia khi tham gia liên minh hay gia nhập một tổ chức nào đó thì luôn bị chi phối bởi nguyên tắc bất di bất dịch là đôi bên phải đều tìm thấy cái lợi của mình nằm trong phía bên kia và phải được phía bên kia đảm bảo, bảo vệ cho mình cái lợi ích ấy. Khi nguyên tắc này bị vi phạm thì lập tức sự hợp tác giữa hai bên sẽ chấm dứt.

Qua đó thấy rằng, nước Anh không thể không cần EU trong giai đoạn hiện nay khi mọi vấn đề xảy ra trong khu vực và trên thế giới liên quan tới vận mệnh của đất nước, luôn vượt quá khả năng của một quốc gia, mặt khác, khi hợp tác giải quyết vấn đề thì thiệt hại nếu có, đối với quốc gia sẽ giảm thiểu và nguồn lợi nếu có, đối với quốc gia sẽ tăng lên rất nhiều.

Vậy thì chắc chắn người dân Anh hiểu điều đó, có gì đâu mà Thủ tướng Cameron phải căng thẳng? Nhưng thực tế không đơn giản như vậy. Với phong cách và quan niệm của người Anh thì việc ông Cameron mất đi vai trò và vị thế của một lãnh đạo tầm cỡ thế giới khi nước Anh rời bỏ EU là có thể trở thành hiện thực, chứ không chỉ còn tồn tại ở dạng nguy cơ nữa.

Theo BBC ngày 10/11, khi gặp các lãnh đạo EU bàn về việc nước Anh ở lại trong liên minh, Thủ tướng Cameron có nhiều đề xuất, trong đó có hai vấn đề liên quan trực tiếp đến cuộc sống của người dân nước Anh, đó là: khẳng định vai trò của đồng bảng Anh trong hệ thống tài chính của liên minh và trách nhiệm trong việc phân bổ “quota” dân nhập cư.

Người Anh vốn rất bảo thủ, luôn xem mình tách biệt với lục địa già. Khi tham gia EU, quan điểm ấy vẫn có ảnh hưởng và tác động đến chính sách của chính phủ, mà việc người dân nước này chọn đồng bảng Anh làm phương tiện thanh toán là một minh chứng cho quan điểm ấy. 

Tuy nhiên, nay người dân Anh muốn đồng tiền của họ phải là phương tiện thanh toán song hành cùng đồng euro trong cộng đồng Châu Âu. Điều đó làm cho nền kinh tế nước Anh sẽ linh hoạt hơn, nước Anh trở thành đầu tàu kinh tế của liên minh Châu Âu, đời sống của người dân xứ sở xương mù từ đó sẽ dễ thở hơn.

Nếu không đạt được điều ấy, người Anh sẽ chọn sự độc lập.

Thủ tướng Anh Cameron và lãnh đạo các nước đức, Pháp và Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk. Ảnh: AP
Thủ tướng Anh Cameron và lãnh đạo các nước đức, Pháp và Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk. Ảnh: AP

Hiện nay Cộng đồng Châu Âu đang rất mệt mỏi và chia rẽ đối với vấn đề “quota” dân nhập cư phân cho các nước thành viên. Đây là một vấn đề không quốc gia nào muốn tiếp nhận, vì nó ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân bản địa do phải chia sẻ công việc cho dân nhập cư, giảm ngân sách dành cho phúc lợi để chuyển cho việc trợ giúp dân nhập cư. 

Bên cạnh đó, tiếp nhận dân nhập cư sẽ tạo ra bất ổn xã hội, sẽ làm gia tăng nguy cơ khủng bố tại đất nước mình. Và người Anh không thể nào quên những hậu quả thảm khốc tại London khi hứng chịu tấn công của khủng bố. 

Vì vậy, với người dân Anh thay vì đón nhận gánh nặng này, họ có thể sẽ chọn rời bỏ EU để tránh hậu họa, hoặc sẽ phải có cơ chế phù hợp với nước Anh để làm giảm sự ảnh hưởng tiêu cực của nhập cư đối với người dân đất nước này.

Là một thành viên quan trọng của EU, nhưng có lẽ kể từ thời cố Thủ tướng Magaret Thatcher đến nay, ông Cameron mới là Thủ tướng Anh thật sự hướng về Châu Âu, coi trọng mối quan hệ với EU.

Những chính phủ tiền nhiệm, đặc biệt là các chính phủ của Công Đảng hầu như chỉ hướng về người bạn Mỹ ở phía bên kia bờ Đại Tây Dương, và không thể khó nhận ra điều ấy khi cựu Thủ tướng Tony Blair luôn được xem là cặp bài trùng với cựu Tổng thống G.Bush của nước Mỹ. 

Khi tranh cử, ông Cameron đã hứa hẹn đảm bảo quyền lợi cho người dân Anh, điều đó giúp cho ông và đảng Bảo Thủ chiến thắng. Bây giờ là lúc ông thực hiện lời hứa ấy. Nếu chính phủ của Thủ tướng Cameron không thuyết phục được các lãnh đạo EU nhượng bộ theo ý nguyện của người dân Anh thì việc nước Anh ra khỏi liên minh này là điều khó tránh khỏi.

Vì vậy, để tránh xảy ra việc không mong muốn ấy, chính phủ Anh phải xem quyền lợi thiết thực của người dân Anh luôn là trọng tâm của mọi chính sách của mình. Nếu không, mọi việc sẽ không thuận theo ý muốn của chính phủ và khi đó vị thế của Thủ tướng Cameron và đảng Bảo Thủ cũng khó giữ vững được.

Chủ quyền quốc gia không thể nhạt nhòa trong cơ chế liên minh

Người Anh vốn rất bàng quan với những đổi thay trên thế giới theo phong cách “phớt ăng-lê”, thậm chí tại ngay chính tại nước Anh cũng vậy. Tuy nhiên, nếu đụng chạm đến quyền lợi sát sườn của họ thì họ trở nên hết sức thực dụng.

Có lẽ dư luận còn nhớ cuộc đổ bộ của quân đội đồng minh xuống bờ biển Normandie của nước Pháp, sự kiện quan trọng nhất mở màn cho chiến dịch tấn công tiêu diệt chủ nghĩa phát xít trong thế kỷ 20. Trong cuộc đổ bộ đó, nước Anh đi tiên phong, nước Mỹ yểm trợ.

Tuy nhiên, nước Anh chỉ thể hiện thái độ hăng hái đó sau khi nước Anh bị không lực của Hitler đánh cho tan tác và London có nguy cơ bị san phẳng. Lúc đó, Thủ tướng Winston Churchill mới quyết định tham chiến, mặc dù trước đó cả Châu Âu ngập lửa chiến tranh.

Bây giờ, khi bị chi phối bởi cơ chế của EU, “chất Anh” bị làm nhạt đi trong các mội quan hệ song phương, sự độc lập của Anh bị hạn chế và đương nhiên quyền lợi của nước Anh bị ảnh hưởng, sức mạnh của nước Anh bị sút giảm.

Thủ tướng Anh phải bảo vệ quyền lợi của người dân Anh trong EU. Ảnh: PA
Thủ tướng Anh phải bảo vệ quyền lợi của người dân Anh trong EU. Ảnh: PA

Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) thì năng lực cạnh tranh quốc gia của Vương quốc Anh năm 2013 -2104 chỉ xếp hạng 10 với chỉ số 5.37, giảm 2 bậc so với năm 2011-2012 và kém xa Đức (hạng 4). Rõ ràng với người Anh như vậy là khó chấp nhận. 

Vì vậy, vẫn theo BBC ngày 10/11, khi gặp các lãnh đạo EU, Thủ tướng Cameron có đề xuất thêm hai vấn đề liên quan đến việc khẳng định sức mạnh của nước Anh, đó là xem xét lại cơ chế mở của liên minh để nâng cao khả năng cạnh tranh của thành viên và vấn đề chủ quyền quốc gia trong cơ chế liên minh.

Rõ ràng việc nước Anh cần tới EU là điều mà ai cũng thấy, nhưng người Anh sẽ không chấp nhận đánh đổi bằng mọi giá cho sự hợp tác ấy, một phần vì họ có giải pháp khác, một phần nữa là họ nhìn thấy ngay EU không dễ dàng bỏ họ được. 

Khi đồng bảng Anh được lựa chọn là phương tiện thanh toán đã thể hiện sự độc lập của nó với eurozone. Điều đó cho thấy nếu nước Anh rời khỏi EU thì kinh tế nước Anh có một rào cản khá tốt tác trước động tiêu cực của định chế này. Sự rối loạn thị trường tài chính sẽ không thể diễn ra, sức sống của nền kinh tế Anh vẫn mạnh mẽ, đời sống của người dân Anh vẫn được đảm bảo.

Dù là một thành viên hàng đầu trong EU, nhưng gần đây nước Anh đã có quan hệ với những định chế kinh tế - tài chính, nằm ngoài tác động bởi cơ chế liên minh của EU.

Anh có thể “bỏ quên” IMF – định chế tài chính mà Châu Âu nắm quyền chi phối, nhưng chính phủ Anh lại tham gia AIIB – Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Châu Á – một định chế tài chính mới thành lập, nhưng hứa hẹn có nhiều nguồn lợi.

Như vậy, nước Anh đã có những  yếu tố và những sự chuẩn bị nhằm tránh tác động trái chiều từ việc rời bỏ EU, nếu người dân Anh lựa chọn như vậy. Do đó, những đề xuất của Thủ tướng Anh với các lãnh đạo hàng đầu Châu Âu vừa là để thương lượng, vừa như một sự thách thức thể hiện sức mạnh quốc gia.

Việc nước Anh có thể rời bỏ Liên minh Châu Âu là một vấn đề rất hệ trọng với cả nước Anh và EU. Điều đó chỉ không xảy ra khi những quyền lợi của người dân Anh phải được xem là trong tâm của mọi chính sách của chính phủ Anh và phải được Liên minh Châu Âu chấp thuận. 

Điều đó cũng sẽ không xảy ra khi sức mạnh của nước Anh phải được đảm bảo và tạo điều kiện phát huy khi những chính sách của chính phủ Anh về sửa đổi cơ chế để khẳng định chủ quyền quốc gia của mình phải được Liên minh Châu Âu chấp thuận.

Cơ chế của nước Anh khi tham gia EU, có thể được xem là một hình mẫu cho những quốc gia sẽ tham gia liên minh, hay hợp tác với những quốc gia khác hay tổ chức nào đó trong tương lai. Chủ quyền quốc gia và lợi ích của người dân phải luôn là nền tảng cho mọi sự đổi – trao.

Ngọc Việt