Đã gần 2 năm trôi qua, kể từ tháng 2/2014, những bất ổn tại Ukraine ngày càng sâu sắc, làm cho người dân Ukraine mệt mỏi, còn dư luận thế giới cảm thấy ngán ngẩm khi nói về những gì đang xảy ra tại đất nước này. Tất cả vẫn chỉ là hỗn loạn và bạo lực.
Vì những tham vọng cá nhân cùng với những sai lầm chiến lược mà Tổng thống Viktor Yanukovich và chính quyền của ông ta đã nhanh chóng bị lật đổ sau những cuộc biểu tình của lực lượng chống đối trên đường phố Kiev.
Việc tan rã của chính phủ Yanukovich diễn ra quá nhanh chóng làm cho cả thế giới bất ngờ. Còn nhân dân Ukraine thì sững sờ vì chỉ sau một đêm mà các cơ quan chính phủ trung ương đã trở thành "vườn không nhà trống", theo Reuters ngày 23/2/2014.
Tổng thống Ukraine Poroshenko, ảnh: Politico. |
Tuy nhiên chỉ vài tháng sau, một cuộc bầu cử Tổng thống, tiếp theo là bầu cử Quốc hội đã được tổ chức để giúp cho người dân Ukraine lựa chọn cho mình một vị nguyên thủ quốc gia tài năng và một chính phủ đoàn kết theo ý muốn, mong muốn của họ và của cả những người bạn mới nhưng rất “thân tình”.
Song thời gian trôi qua, thể chế chính trị cũng đã thành hình, nhân sự và cơ chế hoạt động của bộ máy nhà nước đã có đủ và cũng đã vận hành, nhưng người dân Ukraine vẫn như đang trong cơn mơ, chưa thể hiểu được những gì đang xảy ra trên đất nước thân yêu của họ.
Và chắc chắn họ không thể không giật mình thấy niềm tin bị đánh cắp một cách trắng trợn khi chứng kiến sinh mệnh của mình, vận mệnh của quốc gia mình đã được họ tự nguyện trao cho những con người không biết như thế nào là “lợi nhà ích nước”.
Ảo tưởng, tham bát bỏ mâm
Có thể thấy rằng, khi chính phủ Yanukovich sụp đổ cũng là lúc sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine bị phá vỡ. Crimea bị sáp nhập vào Nga sau một cuộc trưng cầu dân ý của người dân bán đảo này.
Cùng lúc đó, chính phủ của những con người được nhân dân Ukraine giao trọng trách nắm giữ chủ quyền quốc gia đã vội vã thực hiện chính sách bài Nga và phân biệt đối xử với người nói tiếng Nga ngay trong cộng đồng dân tộc Ukraine.
Và thế là một khu vực rộng lớn miền Đông tập trung đông công dân Ukraine nói tiếng Nga lên tiếng đòi tự trị, rồi đòi độc lập. Xung đột nổ ra rồi trở thành một cuộc nội chiến.
Ở miền Đông Ukraine là nơi nhiều người gốc Nga sinh sống. Họ không muốn phải bị chia cắt. Họ hy vọng một chính quyền sẽ thể hiện được sức mạnh của chủ quyền quốc gia và với sự giúp đỡ của những người bạn mới sẽ đảm bảo cho sự toàn vẹn lãnh thổ cho Ukraine.
Song với tính hiếu chiến của những kẻ chiếm quyền nhờ bạo loạn từ đường phố, với sự ảo tưởng sức mạnh quốc gia trong suy nghĩ của những “chính trị gia salon”, nên những người được nhân dân Ukraine “chọn mặt gửi vàng” đã không chọn thống nhất đất nước bằng biện pháp hòa giải, hòa hợp dân tộc mà họ quyết định giải quyết vấn đề bằng sức mạnh của vũ lực.
Nhưng tiếc thay, họ không có được sức mạnh của vũ lực và thật sự họ cũng không biết sử dụng vũ lực cho việc giữ vững chủ quyền quốc gia. Còn "những người bạn mới" không nhìn thấy gì có lợi cho mình sau khi Crimea bị sáp nhập vào Nga, nên họ không còn hăng hái giúp cho Ukraine như đã hứa hẹn.
Và thật ra "những người bạn mới" có muốn giúp cũng không biết giúp như thế nào vì không biết tin ai, gửi gắm niềm tin cho ai trong một chính quyền mà các thành phần chỉ biết đấu đá và hạ nhục nhau.
Những vấn đề liên quan đến sự tồn vong của đất nước Ukraine bị đặt sau những quyền lợi cá nhân và lợi ích đảng phái. “Ngày 26/3, phương Tây tuyên bố tạm ngừng cung cấp hỗ trợ tài chính cho Ukraine do lo ngại các khoản tiền này rơi vào chiếc "túi không đáy" vì tham nhũng”, theo Reuters.
Lợi ích quốc gia dân tộc cứ mất dần, vấn đề hòa giải dân tộc thay vì là việc nội bộ của đất nước thì nay phải nhờ đến sự phân xử quốc tế với những hệ lụy khôn lường. Ngồi đặt lên bàn cân những lợi ích chiến lược của bốn bên, hai phía mới thấy xót xa, vì dù kết quả đàm phán như thế nào thì người dân, đất nước Ukraine luôn là bên thua thiệt nhất.
Vì Ukraine muốn gia nhập NATO, muốn tham gia vào EU nên chính phủ thân Nga của Yanukovich bị lật đổ, nhưng một chính phủ hậu Yanukovich còn khiến cho mong muốn ấy ngày càng xa khỏi tầm với của Ukraine. Đơn giản là Ukraine không còn bất cứ thứ gì, điều gì làm hành trang để tham gia những định chế ấy.
Trò hề chính trị đã diễn ra ngay tại Quốc hội Ukraine khi Thủ tướng bị nghị sĩ nhấc bổng, lôi khỏi bục phát biểu. Ảnh: Ria Novosti. |
NATO và EU không còn thấy điều gì có lợi mà chỉ cảm nhận sẽ thêm gánh nặng nếu đón nhận Ukraine. Địa chính trị, địa chiến lược không còn mà đến điều nhỏ nhất, căn bản nhất là niềm tin chiến lược cho sự hợp tác cũng đã bị những người đại diện cho chủ quyền quốc gia Ukraine đánh mất trong quan hệ với các nước phương Tây – họ không biết tin vào ai và tin vào cái gì?
Tạo mâu thuẫn để khẳng định quyền lực
Việc tước bỏ quyền lợi của những người nói tiếng Nga, loại bỏ tiếng Nga khỏi ngôn ngữ quốc gia để tránh ảnh hưởng của nước Nga đã là ngòi nổ cho cuộc xung đột vũ trang rồi biến thành nội chiến, cướp đi sinh mạng của hàng ngàn người dân vô tội.
Chính quyền Kiev đã phá vỡ mối đoàn kết trong cộng đồng dân tộc Ukraine và dùng vũ lực để giải quyết xung đột, để khẳng định sức mạnh quốc gia mà họ quên rằng cộng đồng dân tộc là một trong những yếu tố quan trọng nhất tạo nên sức mạnh quốc gia.
Nhằm nhanh chóng thanh tẩy di sản của Yanukovich, chính quyền mới của Ukraine liên tục thông qua những đạo luật nhắm hạn chế, thậm chí tược bỏ quyền được làm việc của những công chức dưới chế độ Yanukovich, và thế là họ tạo thêm một mâu thuẫn xã hội, mà điều này là một trong những điều tối kỵ của một chính quyền được hình thành sau một cuộc bạo loạn lật đổ.
“Chủ tịch Quốc hội Ukraine Turchinov đã ký dự luật về 'Thanh lọc chính quyền – Lustration' được Quốc hội thông qua ngày 16/9, sau đó được Tổng thống Poroshenko ký văn bản hiệu lực vào ngày 16-10.
Theo luật, phạm vi quy phạm của “Đạo luật Lustration” là thanh lọc tất cả các đối tượng là cán bộ công chức, nhân viên của các cơ quan chính quyền địa phương. Trong đó, bao gồm tất cả quan chức cấp cao từng đảm trách những chức vụ khác nhau trong thời gian cầm quyền của Tổng thống Viktor Yanukovych”, theo TASS 12/12/2014.
Niềm tự hào và lòng tự trọng dân tộc hình như không có trong những con người khát khao thể hiện quyền lực ở Ukraine khi họ cho rằng, không tìm đâu ra trong cộng đồng dân tộc Ukraine những người có tài năng và tâm huyết phụng sự tổ quốc.
Họ sỉ nhục người dân và đất nước Ukraine bằng việc "thăng quan tiến chức” cho những con người ở phương xa tới mà họ cho là có khả năng siêu việt, có thể cứu đất nước Ukraine ra khỏi khó khăn, bế tắc trong một sớm một chiều.
Bài học Gruzia năm 2008 - với việc mất đứt Nam Ossetia và Abkhazia – không được chính quyền mới ở Ukraine xem là lời cảnh báo, mà họ còn rước “người hùng trong cuộc chiến" ấy - Mikheil Saakashivili về và trao cho ông ta một trọng trách trong việc giữ gìn ổn định cho đất nước. Tổ quốc Ukraine ở đâu trong trái tim con người ấy – thật là một sự khôi hài.
Người dân Ukraine phải đổ xương máu để giữ gìn cho một chính thể quốc gia không biết đến sự thiêng liêng của hai từ Tổ quốc và sự thân thương của hai tiếng Đồng bào. Con em họ phải ngã xuống nơi chiến trường trong thiếu thốn và đói khát.
Nhiều hàng binh Ukraine không phải vì thiếu sự dũng cảm mà vì họ bị bỏ rơi hàng tháng trời trong sự bao vây, đối mặt với hiểm nguy, trong hoàn cảnh khó khăn, đói rét. Nhưng họ hy sinh để bảo vệ cho cái gì, cho điều gì thì chính họ cũng không thể tưởng tượng ra được.
Đến bao giờ người dân Ukraine mới lại được sống cuộc đời yên ổn? Ảnh: Washington Post. |
Trong quan hệ quốc tế, vì muốn nhanh nhanh có được tấm giấy thông hành vào NATO và EU, chính quyền Ukraine thời hậu Yanukovich, đã không ngừng thách thức người láng giềng Nga để lấy lòng những người “anh em xa” đầy hào phóng.
Họ quên rằng "Putin có đủ nguồn lực để ném Ukraine vào vòng xoáy bất ổn bất cứ lúc nào", theo Newsweek, ngày 4/9. Tuy nhiên, khát vọng đã trở thành thất vọng, còn cuộc sống của người dân Ukraine khi bị người “láng giềng gần” ghẻ lạnh thì khốn khổ đến mức nào.
Có thể thấy rằng, chính quyền mới ở Ukraine được thành lập giữa lúc xã hội Ukraine chia rẽ và bất ổn, nay họ tạo thêm sự cộng hưởng, làm cho những mâu thuẫn ấy ngày càng sâu sắc hơn, tạo nên một xã hội hết sức rối ren mà chẳng biết họ làm thế nhằm mục đích gì, phải chăng họ không còn cách nào khác để khẳng định quyền lực của mình?
“Quên dân, bỏ nước”và những bất ổn không hồi kết
Lúc này nói về Ukraine là người ta nghĩ ngay tới những bản thống kê số lượng người chết và bị thương vì đạn pháo và những trò lố bịch tại nghị trường. Có thể thấy rằng, sự ngột ngạt trong lòng xã hội Ukraine đã không còn âm ỉ mà nó đã đạt đến mức cao trào. Tuy nhiên, mâu thuẫn xã hội hiện nay tại Ukraine chưa thể xảy ra một sự đổi thay tiếp tục.
“Khát vọng NATO – EU” của Ukraine đã bị đóng lại trong khoảng thời gian không thể định trước khi gần đây NATO đã mời gọi Montenegro gia nhập tổ chức này. Mà có lẽ người dân Ukraine cũng không còn quan tâm tới điều xa xỉ ấy nữa, mà khí đốt của Nga giúp cho họ sưởi ấm trong mùa Đông giá buốt mới là điều họ chờ đợi lúc này.
Tuy nhiên, hình như chính quyền Ukraine không xem việc lo cho cuộc sống của người dân là ưu tiên trong chương trình hành động, khi họ thách thức Nga trong việc trả nợ và còn đòi hỏi nhiều thứ khác nữa. Và thế là người dân Ukraine lại phải tiếp tục chịu đựng những khó khăn và bất ổn trong sự bế tắc, quẫn cùng.
Vì người nắm quyền và chính thể hiện nay do người dân Ukraine lựa chọn thông qua những cuộc bầu cử tự do nên họ không thể làm khác được. Đã có những cuộc biểu tình chống đối thể hiện sự phẫn nộ của người dân đối với chính quyền nhưng thời thế bây giờ đã khác vì chính phủ đang tồn tại là hợp hiến, hợp pháp và được lựa chọn bằng ý nguyện của người dân.
Bạo loạn lật đổ lúc này cũng là không thể, một phần vì người dân đã quá mệt mỏi, một phần vì họ cũng chẳng quan tâm đến sự tồn tại của chính quyền vì sự quẫn bách của cuộc sống hàng ngày. Và thế là những người đại diện cho ý chí của dân tộc, ý nguyện của người dân Ukraine mặc sức làm những điều gì mà họ thích, trong đó có cả những trò hề mà dư luận đã bêu lên.
Có thể thấy rằng, những bất ổn tại Ukraine chưa thể có hồi kết khi chính quyền mới chưa thật sự vì người dân, vì đất nước. Sức mạnh nội lực đã bị suy yếu khi sự đoàn kết dân tột đã bị làm cho phân rã, trong khi đó việc tranh thủ sự trợ giúp của quốc tế đã không được chính quyền tranh thủ, tận dụng.
Đất nước Ukraine làm sao hy vọng có hòa bình khi nguyên thủ quốc gia kêu gọi cộng đồng hỗ trợ vũ khí để giải quyết xung đột quốc gia? Đất nước Ukraine làm sao có được độc lập khi điểm quan trọng nhất chương trình hành động của chính phủ là xin tài trợ, hỗ trợ quốc tế?
Có lẽ trong tận cùng của sự thất vọng, người dân Ukraine mới nhận ra rằng họ đã sai lầm khi “giao trứng cho ác” và chưa biết khi nào họ mới có thể được hưởng một cuộc sống thanh bình – chân gía trị của dân chủ, tự do.