Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Không để oan sai, lọt tội

22/01/2013 15:17
Hoàng Dũng/VOV1
Chấm dứt việc trả hồ sơ bổ sung, cho bị cáo hưởng án treo và áp dụng hình phạt cải tạo không đúng quy định của pháp luật...
Tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các loại án; kiên quyết phấn đấu không để xảy ra trường hợp kết án oan người không phạm tội và bỏ lọt tội phạm; chấm dứt việc trả hồ sơ bổ sung, việc cho bị cáo hưởng án treo và áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ không đúng quy định của pháp luật, nhất là các bị cáo bị xét xử về tham nhũng là một trong những nội dung chỉ đạo của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2012 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2013 của ngành Tòa án nhân dân.

Năm 2012, tình hình thế giới tiếp tục có những diễn biến phức tạp, kinh tế trong nước còn gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt trong bối cảnh chúng ta tiến hành sửa đổi Hiến pháp 1992 và đẩy mạnh công cuộc chỉnh đốn và xây dựng Đảng, các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước tăng cường các hoạt động chống phá, tội phạm và các tranh chấp dân sự, thương mại gia tăng do đó nhiệm vụ của ngành Tòa án hết sức nặng nề.

Chủ tịch nước phát biểu tại hội nghị tổng kết ngành tòa án
Chủ tịch nước phát biểu tại hội nghị tổng kết ngành tòa án


 Trước tình hình đó, năm 2012, ngành Tòa án đã quyết tâm nâng cao chất lượng xét xử các vụ án, phối hợp chặt chẽ với các ban ngành nhằm tạo sự chuyển biến tích cực góp phần vào đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội của đất nước.

Trong điều kiện thiếu cán bộ, cơ sở vật chất và phương tiện làm việc hạn chế, số lượng các loại vụ án phải giải quyết rất lớn với trên 360.000 vụ án, nhưng năm 2012, ngành Tòa án đã giải quyết được hơn 332.000 vụ, đạt 92%; nhiều vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng đã được các tòa án khẩn trương nghiên cứu để đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh.

 Chất lượng công tác xét xử được nâng lên; hình phạt mà tòa án áp dụng đối với các bị cáo về cơ bản đảm bảo đúng pháp luật, tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội; các đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm được quan tâm tập trung giải quyết để nâng cao chất lượng và không quá thời hạn theo quy định của pháp luật. Những sai sót, khuyết điểm trong công tác chuyên môn từng bước được khắc phục.

 Bên cạnh đó ngành Tòa án cũng tham gia tích cực vào việc nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và tham gia hoàn thiện hệ thống pháp luật; triển khai có hiệu quả nhiều nhiệm vụ liên quan tới cải cách tư pháp, từng bước kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ tòa án các cấp. Quan hệ hợp tác giữa ngành Tòa án Việt Nam với tòa án các nước trong khu vực và thế giới, đặc biệt là với ngành Tòa án Lào và Campuchia tiếp tục được tăng cường mở rộng.

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang biểu dương những kết quả mà ngành Tòa án nhân dân đã đạt được trong năm 2012, nhất là đã góp phần kiềm chế sự gia tăng tội phạm, đảm bảo công bằng, dân chủ, nghiêm minh, cùng với các cấp, các ngành giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và cuộc sống bình yên của nhân dân.

Đẩy mạnh giải quyết án tham nhũng

Tuy nhiên, Chủ tịch nước cũng chỉ rõ những hạn chế đó là tỷ lệ các bản án, quyết định của Tòa án bị hủy vẫn chưa giảm mạnh, tiến độ và chất lượng giải quyết nhiều vụ án, nhất là các vụ án về kinh tế, tham nhũng lớn, trọng điểm còn chưa kịp thời, nghiêm minh; tranh tụng tại phiên tòa còn hạn chế.

 Việc xem xét, giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, nhất là trong lĩnh vực dân sự, tuy đã được quan tâm nhưng vẫn còn chậm, tồn đọng nhiều; chưa khắc phục được tình trạng cán bộ “thiếu về số lượng, yếu về trình độ, năng lực nghiệp vụ”; vẫn còn một số cán bộ suy thoái về đạo đức, lối sống hoặc vi phạm pháp luật bị xử lý, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với cơ quan Tòa án; dư luận xã hội còn nhiều nghi ngờ về tính khách quan, nghiêm minh của hoạt động xét xử.

 Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức của Ngành chưa đáp ứng được yêu cầu. Công tác cải cách hành chính tư pháp đã được quan tâm nhưng vẫn chưa tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ. Đây là những yếu kém, bất cập của ngành Tòa án cần thảo luận nghiêm túc để rút kinh nghiệm, tìm giải pháp khắc phục

Chủ tịch nước nhấn mạnh: Bên cạnh các biện pháp về công tác tổ chức, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, ngành tòa án cần thường xuyên kiểm tra việc tổ chức công tác xét xử ở Tòa án các cấp, làm tốt công tác giám đốc việc xét xử của Tòa án cấp trên đối với Tòa án cấp dưới để kịp thời phát hiện, khắc phục, rút kinh nghiệm về những sai sót nghiệp vụ trong hoạt động xét xử.

 Tòa án Nhân dân Tối cao phải làm tốt việc tổng kết kinh nghiệm xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của thực tiễn xét xử các loại vụ án. Đặc biệt, ngành Tòa án cần tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các loại án; kiên quyết phấn đấu không để xảy ra trường hợp kết án oan người không phạm tội và bỏ lọt tội phạm; chấm dứt việc trả hồ sơ bổ sung, việc cho bị cáo hưởng án treo và áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ không đúng quy định của pháp luật, nhất là các bị cáo bị xét xử về tham nhũng.

 Nâng tỷ lệ hòa giải thành các vụ việc dân sự và đối thoại trong giải quyết các vụ án hành chính; đảm bảo việc giải quyết, xét xử và ra bản án đúng pháp luật; khắc phục tình trạng bản án, quyết định tuyên không rõ ràng gây khó khăn cho công tác thi hành án. Giảm tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan. Khắc phục triệt để tình trạng để kéo dài thời hạn giải quyết các vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm tại Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao, tình trạng đã trả lời không có căn cứ kháng nghị nhưng sau đó lại phải kháng nghị để giải quyết vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm; nâng cao tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; Bảo đảm ra quyết định thi hành án hình sự đúng thời hạn, việc hoãn, tạm đình chỉ thi hành án, giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù phải đúng pháp luật.

Chủ tịch nước cũng đề nghị ngành Tòa án thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật hiện hành về tố tụng, nâng cao bản lĩnh Thẩm phán; đẩy mạnh và nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa để các phán quyết của Tòa án có sức thuyết phục cao. Đồng thời, ngành Tòa án cần làm tốt công tác cán bộ nhất là đội ngũ thẩm phán cấp huyện, tương lai là Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực. Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách tư pháp; thường xuyên thực hiện việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XI của Đảng “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

 Đẩy mạnh phong trào thi đua “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư” với phương châm “gần dân, hiểu dân, giúp dân và học dân” và Cuộc vận động “Nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống của đội ngũ Thẩm phán, cán bộ, công chức ngành Tòa án nhân dân”; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là Thẩm phán phù hợp với đặc thù công tác của Tòa án. Thực hiện tốt điều này sẽ góp phần nâng cao chất lượng xét xử của ngành tòa án, cố niềm tin của nhân dân và góp phần tích cực vào công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của đất nước.

Nhân dịp này, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho đồng chí Từ Văn Nhũ, nguyên Phó Chánh án TANDTC và Huân chương Độc lập hạng Ba cho đồng chí Trần Văn Tú, Phó Chánh án TANDTC vì đã có những công lao, thành tích, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc và sự phát triển của ngành Tòa án nhân dân./.
Hoàng Dũng/VOV1