Bộ trưởng Vũ Đức Đam:

"Chưa tính toán được thiệt hại từ sự cố mất điện 21 tỉnh phía Nam"

26/05/2013 13:59
Ngọc Quang
(GDVN) - Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết: “Đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có tính toán cụ thể về mức độ thiệt hại kinh tế – xã hội tại 21 tỉnh phía Nam sau sự cố mất điện”.

Dư luận gần đây đặc biệt quan tâm tới sự cố mất điện đồng loạt tại 21 tỉnh phía Nam. Ngành điện đã có giải thích về sự cố này, tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng giải thích này chưa thực sự thuyết phục. Chính phủ và Bộ Công thương nhận định gì về sự cố này và đưa ra giải pháp gì để ngăn chặn, không để xảy ra hiện tượng tương tự?

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ được tổ chức vào cuối giờ sáng nay, ông Vũ Đức Đam – Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết: “Ngay sau khi sự cố xảy ra, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công thương điều hành khắc phục sự cố, đồng thời kiểm tra và có báo cáo cụ thể. Đến phiên họp sáng nay thì đây cũng là một trong những nội dung mà Chính phủ đề cập đến. Phải khẳng định đây là một sự cố lớn chưa từng có, cho nên Thủ tướng Chính phủ xem xét và nghe ý kiến của Bộ Công thương, yêu cầu bộ này phải xem xét nghiêm túc lại mọi mặt để tìm được nguyên nhân, rồi từ nguyên nhân mới xem xét trách nhiệm cụ thể một cách hết sức nghiêm túc, theo đúng quy định. Đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có tính toán cụ thể về mức độ thiệt hại kinh tế – xã hội tại 21 tỉnh phía Nam sau sự cố mất điện”.

Ông Vũ Đức Đam - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ. Ảnh: Ngọc Quang
Ông Vũ Đức Đam - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ. Ảnh: Ngọc Quang

Bộ trưởng Vũ Đức Đam chia sẻ, đã có luật bảo vệ các công trình điện, trong đó có công trình an toàn lưới điện cao áp. Vậy thì phải xem xét là quy định đã đủ chưa, nếu chưa đủ thì phải bổ sung.

“Trong trường hợp này thì quy định có rồi, vậy thì trách nhiệm của ngành, trách nhiệm của những cấp có liên quan đến việc thường xuyên kiểm tra việc thực hiệm đảm bảo an toàn hành lang lưới điện đã tốt chưa? Chính phủ chỉ đạo Bộ Công thương: Thứ nhất, phải xem xét vấn đề này hết sức nghiêm túc. Thứ hai là yêu cầu ngành điện xem xét toàn diện các vấn đề để đảm bảo không xảy ra các sự cố như vậy lặp lại, không xảy ra các sự cố có tính nghiêm trọng tương tự”, Bộ trưởng Đam nói.

Bộ trưởng Vũ Đức Đam cũng cho biết, theo báo cáo sơ bộ của Bộ Công thương thì ngoài nguyên nhân là do “sự cố” thì còn có một nguyên nhân khác là “sự cố kỹ thuật” là do đất nước của chúng ta dài và hiện nay số mạch điện vào đường dây 500kV còn ít.

“Nói một cách nôm na là chúng ta có mạng lưới điện chằng chịt lớn, nhưng đầu vào với đường dây 500kV còn ít, mà đúng ra chúng ta đã phải có nhiều hơn các đầu vào, có nghĩa là tới đây chúng ta phải đầu tư thêm cho đường dây 500kV dẫn vào lưới điện, cũng như phải đầu tư thêm các nguồn phát điện được phân bổ hợp lý. Tôi xin thông tin với nhân dân là Chính phủ đã có tính toán hợp lý và đã có chỉ đạo Bộ Công thương sớm tìm kiếm các nguồn vốn để đầu tư nhanh, bởi vì không chỉ là vấn đề an toàn kinh tế – xã hội, mà nếu thiếu điện thì công nghiệp không thể phát triển được. Điện được ví như là ‘thức ăn’ của ngành điện”, Bộ trưởng Đam cho hay.

Trong nội dung thông tin sáng nay, Bộ trưởng Vũ Đức Đam nhắc lại, Chính phủ kiên trì lộ trình điều hành giá điện, từng bước tiến tới giá thị trường. “Ngoài việc đảm bảo yêu cầu về giá cả cho nhân dân, cho công nhân, còn một yêu cầu rất quan trọng nữa là phải có mặt bằng giá hợp lý để thị trường không bị méo mó”.

Cũng tại cuộc họp báo sáng nay, ông Lê Dương Quang – Thứ trưởng Bộ Công thương, cho biết, sự cố mất điện trên diện rộng không chỉ xảy ra với Việt Nam mà cũng đã xảy ra với cả những quốc gia phát triển hơn nhiều so với nước ta.

“Sau khi khắc phục sự cố, Bộ Công thương đã làm việc với Tập đoàn điện lực Việt Nam và có báo cáo Chính phủ. Chính phủ yêu cầu chúng tôi phải xem xét đánh giá toàn diện, kể cả nguyên nhân và biện pháp khắc phục, những biện pháp khác trong thời gian tới như thế nào. Quá trình xử lý tương đối tốt, sự cố xảy ra vào khoảng 14h thì sau 5 tiếng đồng hồ TPHCM đã được cấp điện trở lại và sau 8 tiếng đồng hồ thì toàn bộ các tỉnh còn lại đã có điện. Đây là một sự cố hy hữu và là do sự sơ xuất, quy định đảm bảo an toàn đường điện quốc gia thì đã được ban hành tới các địa phương và mong rằng các địa phương sẽ cùng nỗ lực để đảm bảo an toàn cho mạng lưới điện”.

Chưa có số liệu báo cáo cụ thể về thiệt hại từ sự cố mất điện 21 tỉnh phía Nam. Ảnh minh họa, nguồn internet.
Chưa có số liệu báo cáo cụ thể về thiệt hại từ sự cố mất điện 21 tỉnh phía Nam. Ảnh minh họa, nguồn internet.

Ông Lê Dương Quang cũng thông tin thêm, do nhu cầu sử dụng điện của các tỉnh phía Nam rất lớn, cho nên thời gian tới Bộ Công thương sẽ đẩy mạnh việc tìm kiếm các nguồn vốn đầu tư để tăng thêm khả năng cung cấp điện cho khu vực này.

Bên cạnh đó, vị Thứ trưởng Bộ Công thương cũng thẳng thắn chỉ ra khó khăn trong việc xây dựng những công trình thuộc đường dây 500kV. “Một số địa phương không nhiệt tình trong việc dành đất cho các công trình này, tất nhiên chúng tôi hiểu là các địa phương có khó khăn riêng trong việc giải phóng mặt bằng, tuy nhiên các công trình này đã được phê duyệt rồi và mong rằng trong thời gian tới các địa phương sẽ nỗ lực hơn nữa để các công trình triển khai thuận lợi, phục vụ nhu cầu sử dụng điện của nhân dân, doanh nghiệp tốt hơn”.

Ngọc Quang