Chuẩn bị áp dụng mức viện phí mới, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế

21/05/2017 07:00
Diệu Linh
(GDVN) - Từ ngày 1/6, các cơ sở y tế sẽ chính thức áp dụng mức viện phí mới bao gồm hơn 1.900 dịch vụ y tế.

Ngày 19/5/2017, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị triển khai Thông tư 02/2017/TT-BYT quy định mức giá tối đa khung giá dịch vụ khám, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế với 1.912 dịch vụ kỹ thuật.

Tham dự hội nghị có Phó Giáo sư-Tiến sĩ Phạm Lê Tuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế chủ trì hội nghị.

Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo một số Vu, Cục, Văn phòng, đơn vị trực thuộc Bộ Y tế và các đơn vị liên quan.

Phó Giáo sư-Tiến sĩ Phạm Lê Tuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại hội nghị. ảnh: moh.gov.vn
Phó Giáo sư-Tiến sĩ Phạm Lê Tuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại hội nghị. ảnh: moh.gov.vn

Phát biểu tại hội nghị, Phó Giáo sư Phạm Lê Tuấn cho biết, Thông tư 02/2017/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 1/6/2017 áp dụng cho đối tượng không tham gia Bảo hiểm Y tế và người có thẻ Bảo hiểm Y tế nhưng không sử dụng.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa tất cả bệnh viện trên toàn quốc thực hiện ngay thời điểm 1/6/2107.

Bộ Y tế sẽ quy định thời gian thực hiện với các bệnh viện trực thuộc Bộ và bệnh viện thuộc bộ, ngành từ hạng 1 trở lên.

Tại các địa phương sẽ do Hội đồng Nhân dân địa phương quy định, kể cả bệnh viện bộ ngành từ hạng 2 trở xuống.

Hội đồng Nhân dân các địa phương có thể quy định giá mới bằng hoặc thấp hơn mức giá tối đa.

Theo lộ trình, có 30 tỉnh thực hiện vào tháng 8/2017, 15 tỉnh thực hiện vào tháng 10/2017 và 18 tỉnh thực hiện vào tháng 12/2017.

Thành phố Hồ Chí Minh sẽ thực hiện vào tháng 10/2017 và Hà Nội thực hiện vào tháng 8/2017.

Theo đó, từ ngày 1/6, các cơ sở y tế sẽ chính thức áp dụng mức viện phí mới bao gồm hơn 1.900 dịch vụ y tế.

Đối tượng áp dụng trong lần điều chỉnh này là những người dân chưa tham gia Bảo hiểm Y tế và những người có thẻ Bảo hiểm Y tế nhưng đi khám, chữa bệnh, sử dụng các dịch vụ khám, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ Bảo hiểm Y tế…

Mức giá tối đa khung giá dịch vụ khám, chữa bệnh trong thông tư bao gồm: Mức giá kiểm tra sức khoẻ; dịch vụ ngày giường điều trị; dịch vụ kỹ thuật, xét nghiệm.

Mức giá tối đa sau khi được điều chỉnh sẽ tương đương với giá mà quỹ Bảo hiểm Y tế đang chi trả cho nhóm có Bảo hiểm Y tế theo các hạng bệnh viện hiện nay.

Thông tư này cũng bổ sung giá của 35 dịch vụ chưa được Bảo hiểm Y tế chi trả như: Dịch vụ thẩm mỹ, thay răng giả, trợ thính, điều trị lác, cận thị và tật khúc xạ...

Cụ thể, từ 1/6, tiền khám tối đa (bao gồm chi phí trực tiếp và tiền lương) ở bệnh viện hạng đặc biệt và hạng 1 là: 39.000 đồng/lượt; hạng 2: 35.000 đồng/lượt, hạng 3: 31.000 đồng/lượt và với bệnh viện hạng 4/phòng khám đa khoa khu vực, trạm y tế xã: 29.000 đồng/lượt.

Ngoài ra một số thủ thuật, phẫu thuật cũng được điều chỉnh tăng giá khoảng 20-30% so với mức giá hiện hành. Giá ngày giường được tính mỗi người trên một giường.

Bệnh nhân nằm ghép hai người một giường được tính giá tối đa 50%, nằm ghép từ 3 trở lên trả tối đa 30% giá.

Trường hợp nằm trên băng ca, giường gấp tạm thời áp dụng mức giá ngày giường như nằm ghép 2 bệnh nhân.

Tăng viện phí với hơn 1900 dịch vụ y tế nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. ảnh minh họa: TTXVN.
Tăng viện phí với hơn 1900 dịch vụ y tế nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. ảnh minh họa: TTXVN.

Theo lãnh đạo Bộ Y tế, việc điều chỉnh giá lần này để tạo sự bình đẳng giữa người có thẻ bảo hiểm y tế và người không có thẻ, nhằm khuyến khích người dân tham gia bảo hiểm y tế.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn đề nghị các tỉnh/thành phố phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế để điều chỉnh giá dịch vụ theo lộ trình thích hợp; đồng thời đề nghị các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tiếp tục đẩy mạnh các chương trình nâng cao chất lượng, hướng tới sự hài lòng của người bệnh cho cả người có thẻ và không có thẻ Bảo hiểm Y tế.

Trong quá trình triển khai thực hiện Thông tư, nếu có vướng mắc cần phản ánh kịp thời để Bộ Y tế có hướng dẫn giải quyết.

Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn Bộ Y tế cũng mong muốn thông qua hội nghị này, các cơ quan thông tấn, báo chí trung ương và địa phương định hướng dư luận, truyền thông để nhân dân hiểu, đồng thuận với các chính sách của ngành y tế để ngành y tế phục vụ người dân ngày càng tốt hơn.

Diệu Linh