Chuyện dòng họ nuôi Rồng: Cái chết của Rồng con và bí ẩn hang Rồng

16/06/2012 06:18
Hoàng Lâm
(GDVN) - Những tưởng cuộc sống hòa thuận giữa gia đình dòng họ Bùi và chú Rồng con sẽ được yên bình cho đến ngày xảy ra biến cố lớn…
Rồng trả ơn 
Hướng ánh mắt về phía những ngọn núi xa xa có dòng suối Kem, nơi người đàn ông họ Bùi đã nhặt được quả trứng Rồng, ông Bùi Văn Ểu tiếp tục câu chuyện: “Cuộc sống của Rồng và nhà họ Bùi khá yên ả trong một thời gian dài. Tuy nhiên, đến khi chính chủ nhân hay là “cha” của chú Rồng bắt đầu đổ đốn rơi vào nghiện ngập. Những chuyện đen tối nhất với gia đình họ Bùi lúc đó bắt đầu đến dồn dập”.
Ông Ểu kể, từ khi người cha của Rồng con rơi vào nghiện ngập thì gia đình ngày càng khánh kiệt vì bao nhiêu tiền, người họ Bùi kia đổ vào hút sách hết. Cần tiền để hút thuốc phiện, ông này đã đi buôn thuốc phiện tận Mộc Châu - Sơn La. 
Nhiều lần buôn thuốc phiện trót lọt, người đàn ông họ Bùi càng ngày càng lấn sâu hơn vào còn đường nghiện ngập. Trong một lần bị quan binh của nhà Lang truy quét, người đàn ông họ Bùi đã bị bắt trên đường vận chuyển thuốc phiện. Sau khi bị bắt, cha của Rồng con đã bị nhốt vào cũi ở trên núi không được thả về.
Một phần của suối Kem - suối Cái của xứ Mường Bi
Một phần của suối Kem - suối Cái của xứ Mường Bi
Lúc đó, Rồng con ở nhà đợi mãi không thấy cha thì bất ngờ hay tin cha đã bị bắt liền nói với người vợ người đàn ông họ Bùi, hãy đưa Rồng ra con suối Kem để đi cứu cha đang bị giam cầm. 
Bà mẹ cùng gia đình lúc đó cũng rất lo lắng về tính mạng của người đàn ông họ Bùi không biết phải làm sao nên đành mang Rồng con ra thả ở suối Kem.
Ngược theo dòng suối Kem lớn nhất của xứ Mường Bi, Rồng con cứ ngược dòng nước mà bơi đến  tận nơi bố mình bị nhốt trên núi cao. Thấy bố bị giam cầm, Rồng con nổi giận và tìm cách cứu cha. 
Theo lời ông Ểu được các cụ truyền lại thì tương truyền, khi phát hiện ra chỗ của cha, Rồng con bắt đầu gầm rú, làm mưa to, gió lớn khắp cả vùng Mường Bi khiến quan binh khiếp sợ mất hết cả hồn vía giẫm lên nhau mà chạy. 
Chỉ chờ có vậy, Rồng con cắn nát cũi đánh tháo cho cha. Lúc này, cả Rồng con và người đàn ông họ Bùi mừng mừng tủi tủi rơi nước mắt. 
Tuy nhiên, sau khi giải cứu được người cha nghiệp ngập, cả người cha và Rồng con không hề hay biết rằng đó cũng là lần cuối cùng Rồng con được đi cùng người cha của mình.
Ông Bùi Văn Ểu trầm tư khi kể chuyện về dòng họ nuôi Rồng ở Mường Bi
Ông Bùi Văn Ểu trầm tư khi kể chuyện về dòng họ nuôi Rồng ở Mường Bi
Cùng cha trở về trong niềm hân hoan theo đường Định Giáo (Hòa Bình), để tiện cho việc di chuyển, người đàn ông họ Bùi bỏ Rồng con vào túi để xách về. Thấy bố vất vả, Rồng con nói: “Bố thả con xuống suối để con tự bơi. Khi con về đến cuối suối thì bố ra đón con”.
Chiều theo lời của Rồng con, người cha đi về trước và chờ ở suối cả buổi nhưng không thấy Rồng con đâu. Tưởng Rồng con vẫn đang trên đường bơi tới, người cha đợi tới khi mặt trời lặn dần nhưng vẫn chưa thấy Rồng con. Linh cảm thấy chuyện chẳng lành, người cha lại ngược dòng suối Kem đi tìm kiếm. Lên đến đỉnh thác Kem, người cha họ Bùi chết đứng khi thấy xác Rồng con đã ngửa bụng chết từ bao giờ.
Ánh mắt vẫn nhìn về phía xa xăm, ông Bùi Văn Ểu kể với giọng buồn buồn như thấu hiểu cảm giác đau buồn của người cha Rồng con năm xưa, ông nói: “Rồng con chết vì chủ nhân đeo cho nó một chiếc khuyên tai vàng để dễ nhận diện. Nhưng trên đường đi về trên suối Kem, Rồng con gặp những con Rồng khác và chết vì chính chiếc khuyên tai vàng đó. Nguyên nhân có lẽ là do đeo khuyên tai vàng nên những con rồng lạ đã cắn chết Rồng con”.
Hang rồng kỳ bí và những dấu tích còn lại
Đau đớn trước cái chết bất ngờ của Rồng con khi cha con chỉ vừa mới hội ngộ, người đàn ông họ Bùi năm đó rầu rĩ đến tận những ngày cuối đời. Mang xác của Rồng con trở về nhà, người đàn ông họ Bùi quyết định làm một chiếc quan tài đặc biệt cho đứa con đặc biệt của mình.
Người cha đã lặn lội tìm chặt một cây Tụi Khụi (một loại cây ở Hòa Bình gọi theo tiếng Mường) to lớn và khoét làm quan tài, dùng dây Tọ Tẹ làm dây nịt quanh quan tài cho chắc. Xác của Rồng con sau đó được mai táng cẩn thận ngay bên dòng suối Kem, tại chính nơi năm xưa người đàn ông họ Bùi đã bắt được quả trứng Rồng.
“Sau khi chôn cất Rồng con cẩn thận, người cha của Rồng con về nhà lập ban thờ như người thân trong gia đình đã mất. Người ta còn kể rằng, khu ruộng mà gia đình họ Bùi được ông Lang Cun chia ngày đó được linh hồn của Rồng con canh giữ hàng ngày”, rít một hơi thuốc lào ông Ểu kể tiếp. 
Không tin vào việc ma mị, kỳ bí, năm đó đám quan binh nhà Lang Cun đi tuần có dùng cuốc bổ bung bét bờ khu ruộng nhà người đàn ông họ Bùi lên để chứng minh rằng, chẳng có Rồng con nào ở đó bảo vệ hết. 
Tuy nhiên, theo như lời của cụ thân sinh ra ông Ểu truyền lại cho ông thì ngay sau đó, trời đang nắng chang chang bỗng mây đen ở đâu kéo đến, sấm chớp ầm ầm làm cả vùng khiếp sợ. Và chính người vừa cuốc bờ bị sét đánh chết ngay tại chỗ.
Sau đó, có một hiện tượng kì lạ khác mà chính mắt ông Ểu từng nhìn thấy không ít lần: Cứ năm nào sau khi cày bừa xong để cấy lúa vụ mới, ở chính thửa ruộng mà có vệt bò như vết rắn lớn trườn y như rằng năm đó, nhà họ Bùi kia được mùa. 
Thửa ruộng thi thoảng vẫn xuất hiện vết rắn lớn được cho là của Rồng con năm xưa
Thửa ruộng thi thoảng vẫn xuất hiện vết rắn lớn được cho là của Rồng con năm xưa
“Quả đúng có vệt rắn lớn bò trên những thửa ruộng đó. Sau khi giải phóng, thửa ruộng này được chia cho  vài người. Thửa ruộng có vệt rắn lớn bò là của gia đình ông Minh. Còn người thờ rắn lại là ông Mổng. Chính mắt tôi đã từng nhìn thấy những vệt loằng ngoằng như của một con rắn lớn trườn ở trên ruộng. Thậm chí, cả làng mất mùa nhưng duy chỉ có những thửa ruộng của họ Bùi đó xanh tốt thôi” – Ông Ểu khẳng định. 
Để minh chứng thêm cho sự tồn tại của huyền thoại về Rồng con năm nào, ánh mắt ông Ểu sáng hẳn lên vì chính ông là người đã từng nhìn thấy… hang Rồng và sợ mất vía đến tận ngày hôm nay:
“Ngày tôi còn thanh niên, hay lên con suối Kem tắm lắm. Ở đó vẫn còn cái gò mà ngày xưa các cụ nói rằng đó là nơi chôn xác của Rồng con. Đoạn suối Rồng con chết đó, tôi cũng tắm rất nhiều lần. Có lần, theo lời thách đố của bạn bè tôi đã lặn xuống tới hơn chục mét nước của suối Kem. Trong màu nước đục ngầu khi mở mắt dưới nước, tôi nhìn thấy rất nhiều cửa hang, nhưng trong đó có một miệng hang rất to như là hang của một con vật rất lớn. Vừa sợ mất vía vừa hết không khí do không có thiết bị hỗ trợ, tôi không thể lặn thêm được nên đành ngoi lên mặt nước. Lúc đó, do sức ép của nước quá lớn làm hai lỗ tai tôi bắn máu tươi ra. Đến tận bây giờ, tôi vẫn mắc bệnh ù tai vì sự mạo hiểm tìm kiếm hang Rồng ở suối Kem”.
Khẳng định thêm về tính xác thực của câu chuyện về dòng họ nuôi Rồng, ông Ểu cho biết, cho đến tận bây giờ, tại nơi được cho là nấm mồ của chú Rồng con chỉ mọc đúng hai loại cây Tụi Khụi và Tọ Tẹ dùng làm quan tài cho Rồng con. 
Nhiều lần đã có người thử trồng cây khác nhưng sau đó đều chết hoặc… biến mất. Cũng chính vì sự kì lạ này mà những người dân ở xóm Lầm, xã Phong Phú, Tân Lạc, Hòa Bình đến nay vẫn tin vào tính xác thực của câu chuyện về Rồng con năm xưa không chỉ là truyền thuyết dân gian.
Đặc biệt, hang Rồng ở suối Kem như lời ông Ểu kể đến nay vẫn chưa có ai dám xuống lần nữa. Sở dĩ không ai dám lặn xuống vì mức nước rất sâu có thể ép chảy máu tai người lặn. Chính vì vậy, những miệng hang lớn nằm dưới lòng suối Kem là tổ của loài vật to lớn nào vẫn là một bí ẩn chưa có lời giải đáp thỏa đáng…
Hoàng Lâm