Chuyên gia Nga: Trung Quốc chỉ mua 8/52 chiếc Mi-171E rồi sao chép

12/09/2012 07:47
Trịnh Tuân (Nguồn: vpk.name)
(GDVN) - Chuyên gia lo ngại rằng Trung Quốc sẽ chỉ mua 8 trực thăng Mi-171E thay vì 52 chiếc, và sau đó sẽ bắt đầu sao chép để sản xuất hàng loạt với giá rẻ.
Nga đã ký một hợp đồng cung cấp máy bay trực thăng cho Trung Quốc. Theo thỏa thuận, trong vòng hai năm tới, các công ty Nga sẽ cung cấp cho Trung Quốc 52 máy bay trực thăng đa năng Mi-171E. Tổng chi phí của bản hợp đồng lên tới 600 triệu đôla.
Trực thăng Mi-171E.
Trực thăng Mi-171E.

Tuy nhiên, các chuyên gia Nga đang tỏ ra hết sức lo ngại về thương vụ này và cho rằng mọi việc có thể sẽ không “thuận buồm xuôi gió” như vậy.

Hợp đồng sẽ được thực hiện theo cái cách mà khách hàng có thể phá vỡ thỏa thuận sau khi nhận được các máy bay trực thăng đầu tiên, tiếp đó là sao chép và sản xuất hàng loạt, công việc mà các chuyên gia cho là Trung Quốc đã quá thành thạo.

Vi phạm bản quyền công nghệ?

Theo thỏa thuận, lô 8 chiếc Mi-171E  đầu tiên sẽ cung cấp cho Trung Quốc trước khi kết thúc năm nay. Theo các chuyên gia, rất có thể đây sẽ lô đầu tiên và cũng là lô cuối cùng được bàn giao cho Trung Quốc.

Trung Quốc sẽ sao chép Mi-171E?
Trung Quốc sẽ sao chép Mi-171E?

“Sau khi nhận được một vài mẫu trực thăng, các kỹ sư Trung Quốc sẽ sao chép chúng, tiếp đó sẽ bắt đầu sản xuất hàng loạt với chi phí thấp, và các công ty của Nga sẽ nhận được một khoản bồi thường nhỏ sau khi Trung quốc phá vỡ hợp đồng.” - Tổng giám đốc của Hiệp hội hàng không dân dụng Nga Airport Victor Gorbachev đã bày tỏ sự lo ngại về kịch bản không mấy sáng sủa này.

Các chuyên gia cũng lo ngại rằng khi có được công nghệ trực thăng Nga, ngành công nghiệp Trung Quốc sẽ nhận được nhiều đơn đặt hàng mới từ nước thứ ba, và các công ty Nga sẽ có thêm một đối thủ “đáng ghét” trên thị trường máy bay trực thăng toàn cầu.

Tuy nhiên, không phải tất cả các chuyên gia đều thừa nhận rằng thương vụ trên sẽ dẫn đến các vi phạm bản quyền công nghệ máy bay trực thăng. Theo Tổng biên tập của tạp chí AirTransport Obozren, Aleseya Komarov, lô 8 chiếc Mi-171E đầu tiên là quá nhiều để cần thiết cho việc sao chép. 

Nếu để sao chép, Trung Quốc chỉ cần hai, ba hoặc bốn chiếc là đủ. Sẽ là tốt hơn khi có được giấy phép, như cái cách mà họ (Trung Quốc) đã làm với máy bay Su-27. Có được giấy phép, và sau đó sẽ tự sản xuất" - Ông Komarov.

Trực thăng Mi-171E của Iran.
Trực thăng Mi-171E của Iran.

Những người lạc quan hơn thì cho rằng, Trung Quốc chỉ đơn giản là mua máy bay trực thăng từ người láng giềng phương Bắc để sử dụng trong hàng không dân dụng.

Tuy nhiên, trên thực tế, chính phủ Trung Quốc không chỉ đơn giản là mua máy bay mà còn muốn đạt được mục đích lớn hơn vì họ chưa bao giờ quên lợi ích quốc gia.

Thậm chí nếu Trung Quốc không có được tất cả các máy bay trực thăng trong hợp đồng, thì với số máy bay đầu tiên này đủ để họ kiếm ra nhiều tiền trên thị trường nước ngoài.

Chẳng hạn, Trung Quốc có thể cung cấp các máy bay nhận được cho các nước châu Phi nhằm mục đích vận chuyển và hỗ trợ nhân đạo. Nếu điều này xảy ra – các hãng hàng không của Nga nhiều khả năng sẽ mất thị trường tiềm năng này.

Trung Quốc và “thành tích” sao chép máy bay Nga

Nga đang phải đối mặt với nhiều thách thức mới, cả về kinh tế và công nghệ khi họ không thể ngăn chặn nạn sao chép công nghệ của Trung Quốc.

Tiêm kích J-11 của Trung Quốc.
Tiêm kích J-11 của Trung Quốc.

Từ nhiều năm về trước, Trung Quốc đã sản xuất trái phép bản sao máy bay Su-27 của Nga với tên gọi J-11.

Không dừng lại ở đó, sau khi mua thêm được một số lượng các chiến đấu cơ Su-30MK2 biến thể hai chỗ ngồi, Trung Quốc tiếp tục thiết kế cho Hải quân của mình một bản sao máy bay tiêm kích bom hai chỗ ngồi J-16.

Hơn thế nữa, một dự án chế tạo máy bay J-17 cùng với một biến thể trang bị trên tàu sân bay J-15 cũng được họ sao chép từ tiêm kích trên hạm Su-33 của Nga.

Máy bay J-15 (trên) và J-16 (dưới) của Trung Quốc.
Máy bay J-15 (trên) và J-16 (dưới) của Trung Quốc.


Tuy nhiên, Trung Quốc luôn khẳng định rằng các máy bay này đều do họ tự thiết kế ra và chỉ mang một số đặc điểm giống với các máy bay chiến đấu Nga.

Mi-171: một trong những trực thăng vận tải tốt nhất của Nga

Mi-171E (hay Mi-8AMT) là một biến thể hiện đại hóa sâu sắc của trực thăng Mi-8 dùng cho xuất khẩu. Máy bay trực thăng Mi-171 có thể đạt tốc độ lên đến 250 km mỗi giờ với tầm hoạt động 1.065 km.

Trực thăng có khả năng vận chuyển 4 tấn hàng hóa, hoặc 37 hành khách. Mi-171 đã giành được sự quan tâm đặc biệt của các khách hàng Azerbaijan, Cộng hòa Séc, Kazakhstan, Argentina, Peru và một số nước châu Phi.

Trực thăng Mi-171 được xem là máy bay rất hiệu quả và kinh tế, sử dụng đơn giản, tính năng kỹ thuật ưu việt, bay cao, giá thành hợp lý hơn so với các loại máy bay trực thăng tương tự của phương Tây.

Biến thể trực thăng Mi-8 dành cho quân đội Nga được gọi là Mi-8AMTSh Terminator được thiết kế để tiêu diệt các mục tiêu thiết giáp trên mặt đất, đổ quân và sơ tán.  Mi-8AMTSh đã được đưa vào trang bị trong quân đội Nga trong năm 2009.

Đối với nền công nghiệp sản xuất máy bay trực thăng Nga thì 5 năm đầu của thế kỷ 21 được đánh dấu bằng việc ra mắt máy bay trực thăng loại mới Mi-171.

Theo đánh giá của các chuyên gia quân sự, không chỉ có trong trang bị của quân đội Nga, trên thế giới hiện có hơn 400 Mi-171 đang được sử dụng.

Riêng tại Trung Quốc, trong biên chế không quân của nước này đang có khoảng 168 chiếc trực thăng Mi-17. 24 chiếc Mi-17 đầu tiên được Trung Quốc nhập khẩu năm 1990.

Trịnh Tuân (Nguồn: vpk.name)