Chuyên gia Nhật kêu gọi tăng cường khả năng vô hiệu hóa tàu ngầm TQ

29/03/2013 09:30
Đông Bình
(GDVN) - Nhật Bản đang tăng cường khả năng săn ngầm ba chiều cả trên không, trên mặt biển và trong lòng biển nhằm phong tỏa Hải quân Trung Quốc.
Máy bay tuần tra săn ngầm P-1 do Nhật Bản tự chế tạo, có tính năng vượt xa máy bay săn ngầm P-3C do Mỹ chế tạo
Máy bay tuần tra săn ngầm P-1 do Nhật Bản tự chế tạo, có tính năng vượt xa máy bay săn ngầm P-3C do Mỹ chế tạo

Tờ “Hoàn Cầu” Trung Quốc vừa có bài viết cho rằng, trong những ngày qua, một số phát triển trang bị về mặt săn ngầm hải quân của Nhật Bản như tăng biên chế 6 tàu ngầm, biên chế máy bay tuần tra săn ngầm P-1 và tàu sân bay trực thăng 22DDH sắp chế tạo xong đã thu hút rộng rãi sự quan tâm của dư luận.

Theo bài báo thì “Trung Quốc có số lượng tàu ngầm tương đối lớn, vì vậy Nhật luôn có tâm lý đề phòng”, nên Nhật Bản luôn tìm cách tăng cường khả năng săn ngầm. Nói chung, khả năng tác chiến săn ngầm của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đứng thứ hai trên thế giới, chỉ đứng sau Mỹ, đứng đầu ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Hải quân Nhật Bản đã tạo dựng được một hệ thống tác chiến săn ngầm tương đối mạnh có sự kết hợp trên không, trên mặt nước, dưới lòng biển, tầm xa, tầm trung và tầm gần.

Ở trên không, máy bay tuần tra săn ngầm cất cánh từ bờ biển sẽ làm nhiệm vụ tác chiến săn ngầm tầm xa, còn máy bay trực thăng trang bị trên tàu chiến sẽ tiến hành tác chiến săn ngầm theo biên đội.

Trên mặt biển, hạm đội “10.10” có đội hình mới sẽ tiến hành tác chiến săn ngầm liên hợp; ở dưới lòng biển, biên đội tàu ngầm AIP tiên tiến có khả năng tấn công săn ngầm tầm trung, từ đó giúp cho khả năng săn ngầm của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản tạo được một mạng lưới ba chiều.

Sử dụng tàu ngầm để săn ngầm càng thiết thực

Theo tờ “Yomiuri Shimbun” Nhật Bản, để tăng cường phòng thủ các hòn đảo tây nam, trong đó có đảo Senkaku, Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản có kế hoạch tăng số lượng tàu ngầm từ 16 chiếc hiện nay lên 22 chiếc vào năm 2021, đồng thời đào tạo 400 hạ sĩ quan tàu ngầm.

Tàu ngầm Mochishio lớp Oyashio của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản.
Tàu ngầm Mochishio lớp Oyashio của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản.

Được biết, đào tạo 1 hạ sĩ quan tàu ngầm đủ tiêu chuẩn cần tới 5 năm, vì vậy Bộ Quốc phòng Nhật Bản có kế hoạch đẩy nhanh tiến hành công tác huấn luyện nhân viên mới. Năm 2012 đã tuyển được 100 học viên mới, năm 2013 sẽ tăng thêm 170 học viên nữa. Họ đều sẽ được đào tạo để chuẩn bị cho trang bị tàu ngầm mới, xây dựng khả năng tác chiến khi biên chế tàu ngầm mới.

Theo bài viết, số lượng tàu ngầm của Nhật Bản tuy không nhiều lắm, nhưng so với Hải quân các nước trên thế giới, tỷ lệ đổi mới tàu ngầm hiện có của Nhật Bản là cao nhất, tỷ lệ tự chế tạo cao nhất, trình độ tự động hóa khoa học kỹ thuật cũng cao nhất, khả năng chạy êm cao nhất, tỷ lệ hoàn hảo cao nhất. Đồng thời, Nhật Bản cũng sở hữu công nghệ và khả năng chế tạo tàu ngầm sớm nhất trong các nước Đông Á.

Nhưng, nói chung, do sự ràng buộc của Hiến pháp Hòa bình, Nhật Bản thực ra luôn duy trì số lượng tàu ngầm tương đối hạn chế. Hiện nay, Nhật Bản đang ra sức mở rộng lực lượng tàu ngầm, nhằm ứng phó với một cuộc xung đột trên biển tiềm tàng với các nước láng giềng trong tương lai.

Khi lấy tàu ngầm làm lực lượng chiến đấu chính, trừ những tàu phải sửa chữa và chuẩn bị biên chế, Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản sẽ có ít nhất khoảng 20 tàu ngầm có thể lập tức hoàn thành nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, thực hiện nhiệm vụ tác chiến bất cứ lúc nào.

Lần này, để ứng phó với tranh chấp biển Hoa Đông giữa Nhật-Trung, Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản muốn tăng thêm số lượng tàu ngầm từ 16 chiếc lên tới 22 chiếc, cộng với 2 tàu huấn luyện, tính tổng số lượng là 24 chiếc. Nhìn vào xu thế phát triển tàu ngầm của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản, tàu ngầm thông thường đang được cải tiến to hơn, sử dụng công nghệ AIP.

Tàu ngầm thông thường AIP lớp Soryu của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản
Tàu ngầm thông thường AIP lớp Soryu của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản

Từ lớp Harushio đến lớp Soryu, trọng tải của tàu ngầm Nhật Bản ngày càng lớn, độ sâu lặn không ngừng lập kỷ lục mới, khả năng chạy liên tục cũng tăng lên ổn định, khả năng tác chiến thực tế không ngừng được nâng cao.

Lần này, Nhật Bản mở rộng quy mô tàu ngầm nhằm tăng cường ưu thế trong lĩnh vực tàu ngầm thông thường, lấy mô hình “kết hợp số và chất lượng”, nâng cao khả năng răn đe tổng thể cho Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản.

Trong đó, chủ lực của tàu ngầm Hải quân Nhật Bản là lớp Oyashio – đây là lớp tàu ngầm kiểu tấn công thông thường đa chức năng, thuộc một trong những tàu ngầm thông thường có lượng giãn nước lớn nhất thế giới hiện nay.

Tàu ngầm lớp Oyashio vừa thích hợp cho tiến hành tuần tra, cảnh giới ở vùng biển gần của một quốc gia nhiều đảo như Nhật Bản, vừa thích hợp với tác chiến biển xa. Nó có thể tiến hành nhiều nhiệm vụ như trinh sát, chống hạm, săn ngầm và rải ngư lôi.

Nhật Bản luôn nỗ lực tăng cường khả năng dò tìm tàu ngầm, tàu ngầm lớp Oyashio trang bị sonar tiên tiến quốc tế, có khả năng dò rất mạnh. Ngoài ra, loại tàu ngầm này còn trang bị hệ thống tác chiến tàu ngầm tổng hợp ZYQ-3, hệ thống này có khả năng đồng thời dẫn đường cho 6 quả ngư lôi tấn công các mục tiêu nổi và chìm.

Trong khi đó, tàu ngầm lớp Soryu bắt đầu được biên chế từ năm 2009 có lượng giãn nước đạt 4.100 tấn, có thể là tàu ngầm thông thường lớn nhất thế giới hiện nay. Loại tàu ngầm này đã được trang bị hệ thống AIP, có thể lặn lâu tới gần 1 tháng.

Tàu ngầm tấn công thông thường Harushio, Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản.
Tàu ngầm tấn công thông thường Harushio, Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản.

Về vũ khí, hai loại tàu ngầm trên đều trang bị 6 ống phóng ngư lôi cỡ 533 mm và hệ thống sonar tiên tiến, vì vậy có khả năng săn ngầm dưới lòng biển và tác chiến chống hạm rất mạnh, đồng thời có khả năng phóng tên lửa chống hạm Harpoon.

Về tác chiến săn ngầm, tàu ngầm là vũ khí phòng thủ săn ngầm tốt nhất, đồng thời cũng là vũ khí tấn công dưới nước tốt nhất. Tàu ngầm thông thường có tính năng tiên tiến của Nhật Bản không chỉ có thể “mai phục” lâu dài ở các vùng biển nhạy cảm, cùng với việc che giấu bản thân, nó còn theo dõi hoạt động của tàu nổi và tàu ngầm của nước khác, có thể thực hiện các nhiệm vụ như thu thập tin tức tình báo.

Rõ ràng, Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản hy vọng thông qua phương pháp mở rộng số lượng tàu ngầm để tăng cường khả năng theo dõi, kiểm soát các vùng biển xung quanh, đặc biệt là vùng biển có tranh chấp chủ quyền với TQ. Hiện nay, biển Hoa Đông thực sự trở thành điểm nóng, tàu ngầm Trung Quốc đương nhiên trở thành “mục tiêu trọng điểm” mà Nhật Bản quan tâm nhằm vào.

Chuyên gia quân sự Nhật Bản từng nói thẳng rằng: “Tàu ngầm mới và khả năng tác chiến săn ngầm là khả năng tác chiến phi đối xứng quan trọng giúp cho Nhật Bản tăng cường ưu thế tác chiến trên biển. Trước khả năng tác chiến săn ngầm mạnh của Nhật Bản, tàu ngầm của Hải quân Trung Quốc sẽ khó làm nên trò trống gì”.

Hải quân Nhật Bản sử dụng tàu ngầm để đối phó với tàu ngầm Trung Quốc, không chỉ làm cho hành động bí mật hơn, mà còn làm cho tàu ngầm Trung Quốc trở nên bị động hơn, vì Nhật Bản chiếm ưu thế về công nghệ tàu ngầm.

Nếu Hải quân Trung Quốc không thể xây dựng được một lực lượng tuần tra săn ngầm hiệu quả trong thời gian ngắn để đối phó, thì tàu ngầm Nhật Bản sẽ tiến hành phong tỏa chặt chẽ đối với chuỗi đảo thứ nhất, dưới sự hỗ trợ của tàu chiến mặt nước và máy bay tuần tra săn ngầm.

Trong khi đó, tàu ngầm của Hải quân Trung Quốc bất kể là tàu ngầm hạt nhân hay tàu ngầm thông thường đều sẽ khó vượt qua được lá chắn này.

Tàu ngầm lớp Yushio Nhật Bản
Tàu ngầm lớp Yushio Nhật Bản


Đông Bình