Chuyện lạ ở Nghệ An: Trường chuẩn Quốc gia phải ra học trường tạm bợ

14/09/2014 06:43
Xuân Hòa
(GDVN) - Để nhường trường cho trường Phổ thông Dân tộc Nội trú gần 400 học sinh trường Tiểu học Châu Hạnh 2 đã phải ra học ở trường tranh tre tạm bợ.

Chưa có cơ sở vật chất vẫn thành lập trường

Trường Tiểu học Châu Hạnh 2 nằm ở khối Hòa Hải, thị trấn Tân Lạc, huyện Qùy Châu, tỉnh Nghệ An. Trường là nơi học tập và giảng dạy của 385 học sinh cùng 30 giáo viên. Trường có 18 lớp học trong điều kiện tốt nên khiến phụ huynh và giáo viên tại đây rất an tâm.

Điều đáng mừng hơn khi trường được ngành giáo dục địa phương quan tâm đầu tư xây dựng ngày càng khang trang. Các dãy nhà học được kiên cố hóa dần bằng các dãy nhà tầng. Không những vậy phụ huynh các học sinh luôn an tâm khi để con mình học tại đây trong một khung viên trường sạch sẽ. Với sự đầu tư có chất lượng đó nên trường Tiểu học Châu Hạnh 2 đã được công nhận đạt chuẩn Quốc gia.

Để cho Trường PTDTNT trung học cơ sở Quỳ Châu hoạt động các giáo viên và học sinh trường Tiểu học Châu Hạnh 2 đã bị đẩy ra nơi học tập tranh tre tạm bợ như thế này
Để cho Trường PTDTNT trung học cơ sở Quỳ Châu hoạt động các giáo viên và học sinh trường Tiểu học Châu Hạnh 2 đã bị đẩy ra nơi học tập tranh tre tạm bợ như thế này

Nhưng niềm vui lớn chẳng tày gang khi đầu năm 2012 thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc tạo điều kiện học tập cho con, em học sinh người dân tộc thiểu số. Để thực hiện tốt chủ trương đó UBND tỉnh Nghệ An đã ra quyết định thành lập một số trường Phổ thông Dân tộc nội trú (DTNT) trên địa bàn tỉnh. Trong số đó có Trường PTDTNT trung học cơ sở huyện Quỳ Châu cũng quyết định được thành lập.

Nhưng trái ngoáy cái là Trường PTDTNT trung học cơ sở huyện Quỳ Châu được quyết định thành lập nhưng cơ sở vật chất để cho trường hoạt động lại vẫn đang nằm trên giấy. Để có nơi cho Trường PTDTNT trung học cơ sở huyện Quỳ Châu hoạt động, UBND huyện Quỳ Châu lại có cách làm chẳng giống nơi nào bao giờ. Đó là UBND huyện Quỳ Châu và ngành giáo dục Nghệ An đã cho các học sinh, giáo viên trường Tiểu học Châu Hạnh 2 “ra rìa” đề nhường lại trường với cơ sở vật chất khang trang cho Trường PTDTNT trung học cơ sở huyện Quỳ Châu hoạt động.

Từ trường đạt chuẩn Quốc gia bị đẩy ra học trường tranh tre nứa lá

Để các em học sinh và giáo viên trường Tiểu học Châu Hạnh 2 vẫn có nơi học tập nên UBND huyện Quỳ Châu và ngành giáo dục Nghệ An đã chuyển trường này về bản Kẻ Nính, xã Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu. Khi quyết định chuyển địa điểm trường tiểu học Châu Hạnh 2 về đây UBND huyện Quỳ Châu và ngành giáo dục Nghệ An cũng đã quan tâm lên kế hoạch xây dựng 10 phòng học kiên cố. Nhưng việc quan tâm này tiếp tục nằm trên bàn giấy bởi kế hoạch đã 2 năm vẫn chưa thực hiện được do thiếu kinh phí. Vậy học sinh và giáo viên trường Tiểu học Châu Hạnh 2 phải học tập, giảng dạy như thế nào?

Từ một trường đạt chuẩn Quốc gia với cơ sở khang trang kiên cố thì giờ đây giáo viên và học sinh trường Tiểu học Châu Hạnh 2 phải ra học tập, giảng dạy ở những phòng học tạm bợ như thế này
Từ một trường đạt chuẩn Quốc gia với cơ sở khang trang kiên cố thì giờ đây giáo viên và học sinh trường Tiểu học Châu Hạnh 2 phải ra học tập, giảng dạy ở những phòng học tạm bợ như thế này

Để có chỗ cho giáo viên, học sinh trường Tiểu học Châu Hạnh 2 có nơi giảng dạy, học tập các phụ huynh đã cùng với lãnh đạo trường và UBND xã Châu Hạnh góp tranh tre, gỗ tạp dựng tạm mấy phòng học. Nhưng do được dựng tạm nên các phòng học thủng vách khắp nơi những khi trời nắng thì bị nắng chiếu vào. Khổ nhất là trời mưa nước nhỏ xuống khắp các phòng học. Trải qua 2 năm mưa, nắng càng làm cho các phòng học này ngày xuống cấp nghiêm trọng.

Phải chuyển từ ngôi trường khang trang đạt chuẩn Quốc gia ra nơi học tập tồi tàn bằng tranh tre tạm bợ Cô Sầm Thị Viên - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Châu Hạnh 2 tâm sự: “Việc đang ở nơi học tập khang trang mà phải chuyển vào đây thực sự chúng tôi gặp không ít khó khăn. Giờ chúng tôi cũng chỉ biết động viên các giáo viên và học sinh khắc phục khó khăn giảng dạy và học tập cho tốt thôi. Cũng mong chính quyền địa phương và các ngành chức năng quan tâm sớm có giải pháp khắc phục vấn đề này xây dựng cơ sỏ kiên cố cho trường chứ không thế này khổ lắm”.

Trường Tiểu học Châu Hạnh 2 với cơ sở kiên cố đã được chuyển cho Trường PTDTNT trung học cơ sở Quỳ Châu bởi trường DNTN này được thành lập nhưng lại chưa có cơ sở vật chất
Trường Tiểu học Châu Hạnh 2 với cơ sở kiên cố đã được chuyển cho Trường PTDTNT trung học cơ sở Quỳ Châu bởi trường DNTN này được thành lập nhưng lại chưa có cơ sở vật chất

“Mong các cấp chính quyền quan tâm sớm xây phòng ốc khang trang để cô trò chúng tôi yên tâm dạy và học. Chứ đang ở nơi cơ sở vật chất đầy đủ phải ra học nơi tạm bợ, thiếu thốn nhiều thứ thế này ảnh hưởng không ít đến việc dạy và học của giáo viên, học sinh của trường các anh ạ”, Cô Lương Thị Hồng giáo viên chủ nhiệm lớp 3A tâm sự:

Anh N.V.N. đại diện phụ huynh học sinh trường Tiểu học Châu Hạnh 2 cũng bức xúc cho biết: “Năm học mới đã bắt đầu mà con, em chúng tôi chẳng có nơi học cho nên. Các phụ huynh, giáo viên của trường, chính quyền xã đã phải góp mọi thứ dựng tạm mấy phòng học này. Nhưng giờ xuống cấp hết rồi chắc không chịu nổi khi mùa mưa bão sắp tới. Sao tự dưng con, em chúng tôi đang học nơi khang trang như vậy lại cho các cháu ra học nơi như thế này chứ. Làm việc kiểu gì mà lạ lùng quá đi”.

Trong khi năm học mới đã bắt đầu và mùa mưa bão lại sắp đến học sinh và giáo viên vẫn phải tiếp tục học tập, giảng dạy ở những phòng học tập tạm bợ và mơ về ngôi trường xưa. Còn các phòng học kiên cố theo như kế hoạch xây dựng thì vẫn đang là giấc mơ bởi nó mới chỉ là những tờ giấy.

Việc xây dựng 10 phòng học kiên cố cho trường Tiểu học Châu Hạnh 2 để thay thế nơi học tạm bợ đã kéo dài 2 năm trên giấy tờ bởi điệp khúc thiếu kinh phí
Việc xây dựng 10 phòng học kiên cố cho trường Tiểu học Châu Hạnh 2 để thay thế nơi học tạm bợ đã kéo dài 2 năm trên giấy tờ bởi điệp khúc thiếu kinh phí

Qua làm việc với thầy Bùi Hoàng Báu - Phó phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Qùy Châu thì ông Báu cho biết, việc phải để giáo viên và học sinh tại điểm chính trường tiểu học Châu Hạnh 2 giảng dạy và học tập trong những phòng học tạm bợ như vậy lãnh đạo phòng giáo dục cũng hết sức đau lòng, cảm thông.

Việc vẫn phải để các giáo viên, học sinh giảng dạy, học tập trong điều kiện thiếu thốn như vậy theo ông Báu là do đời sống người dân ở đây còn quá nhiều khó khăn, thiếu thốn nên việc vận động kinh phí xã hội hóa giáo dục vô cùng gian nan. Trong khi đó tiền để thực hiện kế hoạch xây dựng 10 phòng học kiên cố thì trên lại chưa “rót” về. Đề án đầu năm học 2013 – 2014 đã xây dựng 10 phòng học kiên cố nay chưa làm được là do thiếu kinh phí bởi những lý do đã nêu trên.

Trao đổi vấn đề này với ông Lang Văn Chiến – Bí thư Huyện ủy Quỳ Châu, ông này cho biết: “ Việc gần trung tâm huyện mà ngôi trường tranh tre vách nứa tạm bợ như thế huyện cũng đau đầu, lo lắng lắm, nhất là vào mùa mưa bão sắp tới. Mong cô trò trường tiểu học Châu Hạnh 2 cảm thông, chia sẻ những khó khăn trước mắt, yên tâm giảng, huyện sẽ cố gắng hết sức có thể”.

Như vậy các giáo viên, học sinh trường Tiểu học Châu Hạnh 2 lại phải tiếp tục cố gắng khắc phục giảng dạy và học tập. Bởi huyện và ngành giáo dục địa phương cũng đã hết sức quan tâm nhưng do chỉ thiếu kinh phí thôi. Khi nào có kinh phí thì kế hoạch xây phòng học kiên cố sẽ được thực hiện. Nhưng chờ thêm bao nhiêu thời gian nữa thì vẫn chưa rõ bởi điệp khúc “thiếu kinh phí” vẫn chưa có hồi kết.

Xuân Hòa