Chuyện trớ trêu ở Thủ đô: Khi chính quyền “nhìn gà hóa… cuốc”

27/11/2015 16:02
Duy Phong
(GDVN) - Chuyện không tưởng nhưng lại có thật ngay giữa Trung tâm Thủ đô khi chính quyền “cố tình không biết chủ đất” rồi lập phương án, chi tiền với cái tên... lạ!

Ngày 04/9/2008, UBND TP. Hà Nội ban hành Quyết định số 573/QĐ-UBND về việc thu hồi 12.347m2 đất tại phường Nam Đồng, Trung Tự (quận Đống Đa) để giao cho UBND quận Đống Đa thực hiện dự án “Cống hóa mương và xây dựng tuyến đường từ Cống Chèm đến Sông Lừ”.

Có tên trong Giấy chứng nhận từ năm 2009 nhưng đến năm 2011, UBND quận Đống Đa lại ban hành quyết định thu hồi với cái tên "lạ".
Có tên trong Giấy chứng nhận từ năm 2009 nhưng đến năm 2011, UBND quận Đống Đa lại ban hành quyết định thu hồi với cái tên "lạ".

Đến ngày 01/12/2011, ông Trần Việt Trung, Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa (TP. Hà Nội) ký Quyết định số 6189/QĐ-UBND  về việc thu hồi 19,7m2 đất của gia đình ông Đỗ Đức Sơn, tại địa chỉ số 71, ngách 195, ngõ Xã Đàn 2, phường Nam Đồng, quận Đống Đa, TP. Hà Nội (nay là 163 phố Xã Đàn) để giao cho Ban quản lý Dự án quận Đống Đa thực hiện Dự án “Cống hóa mương và xây dựng tuyến đường từ Cống Chẹm đến Sông Lừ”.

Không phải chủ sử dụng đất nhưng một người mang tên Đỗ Đức Sơn vẫn có tên trong phương án bồi thường, hỗ trợ
Không phải chủ sử dụng đất nhưng một người mang tên Đỗ Đức Sơn vẫn có tên trong phương án bồi thường, hỗ trợ

Quyết định nêu rõ: Thu hồi 19,7m2 đất do hộ gia đình ông Đỗ Đức Sơn đang quản lý sử dụng tại địa chỉ số 71, ngách 195, ngõ Xã Đàn 2, phường Nam Đồng, quận Đống Đa. Vị trí, diện tích, ranh giới thu hồi đất được xã định bởi các điểm (A, C) thuộc thửa đất số 6 do Công ty TNHH Nhà nước MTV Địa chính Hà Nội lập ngày 01/12/2010 có xác nhận của UBND phường Nam Đồng, Ban Quản lý dự án quận Đống Đa và chủ sử dụng đất.

Sau khi có quyết định thu hồi đất hộ ông Đỗ Đức Sơn, UBND quận Đống Đa ban hành loạt thủ tục như: Phương án bồi thường, hỗ trợ thiệt hại, Thông báo hợp khối… tất cả đều mang tên chủ sử dụng đất là ông Đỗ Đức Sơn.

 Tuy nhiên, thực tế, đất và căn nhà có địa chỉ trên lại thuộc một gia đình khác, không phải của ông Đỗ Đức Sơn.

Tại Giấy chứng nhận Quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất số do Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Lê Quý Đôn ký cấp ngày 24/2/2004, phần thay đổi và tên chủ mới ghi rõ: ông Nguyễn Văn Bảo (chồng) bà Lê Thị Thanh Hằng (vợ) nhận chuyển nhượng theo Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất số 591.2009/CNQSDĐ lập tại Văn phòng công chứng Lạc Việt (TP. Hà Nội) ngày 08/6/2009.

Tiếp đó, đến ngày 04/8/2009, chính Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa Trần Việt Trung ký cấp Giấy chứng nhận số nhà mang tên hộ gia đình bà Lê Thị Thanh Hằng được mang số nhà mới là 163 phố Xã Đàn, kể từ ngày ký thay thế số nhà cũ là 71, ngách số 71, ngách 195, ngõ Xã Đàn 2.

Tại văn bản số 3816/VPĐKĐĐ-ĐKBĐ ngày 15/4/2011 của Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội (thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) xác nhận: Ngày 09/6/2009, ông Nguyễn Văn Bảo và vợ là bà Lê Thị Thanh Hằng nhận chuyển nhượng theo Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất số 591.2009/CNQSDĐ lập tại Văn phòng công chứng Lạc Việt, TP. Hà Nội ngày 08/6/ 2009. Ngày 22/2/2011, xóa thế chấp quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở theo Thông báo giải chấp số 057/TD-2011 ngày 21/2/2011 của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương – Chi nhánh Hoàn Kiếm.

Như vậy, từ cấp phường, quận đến Thành phố đều biết rõ và xác nhận đất và nhà ở số nhà 163 phố Xã Đàn thuộc quyền sử dụng và sở hữu của gia đình bà Lê Thị Thanh Hằng từ ngày 09/6/2009. Tuy nhiên, đến ngày 01/12/2011, UBND quận Đống Đa lại ra quyết định thu hồi thửa đất của đình ông… Đỗ Đức Sơn tại chính mảnh đất này.

Điều kỳ lạ hơn là trước khi có quyết định thu hồi, UBND quận còn tiến hành đo hồ sơ kỹ thuật thửa đất và có xác nhận của các cấp chính quyền và… chủ sử dụng đất. Sau khi có quyết định, UBND quận tiếp tục lập phương án bồi thường, hỗ trợ, hợp khối… nhưng đều mang tên chủ sử dụng là Đỗ Đức Sơn.

Trong khi đó, chủ sử dụng thực sự mảnh đất là gia đình bà Lê Thị Thanh Hằng lại không hề hay biết, không được chính quyền thông báo, không ký tá bất cứ giấy tờ nào liên quan đến việc thu hồi thừa đất...

Không phải ngẫu nhiên, UBND quận Đống Đa, với hệ thống phòng ban, cán bộ “dày đặc”, kinh nghiệm “dày dạn” lại có thể dễ dàng “nhầm lẫn” dẫn đến sự việc “vô lý” như trên được. Mục đích của việc nhầm lẫn này là gì? Những cán bộ nào của quận Đống Đa phải chịu trách nhiệm về việc này?

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.

Duy Phong