Chuyện về "thanh tra môi trường” ở hồ nước thải Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.

27/06/2017 09:04
Phong Sơn
(GDVN) - Cái lý rất đơn giản: Cá chết, vịt chết, là nước không sạch… Công ty Lọc Hóa dầu Bình Sơn (BSR) dùng những sinh vật thủy sinh để giám sát môi trường nước.

Rất tiếc tấm ảnh chụp con cá hải tượng nặng ngót 20kg này không được rõ lắm… nếu nước trong, đủ sáng, chắc con cá sẽ tỏ rõ vẻ oai vệ của mình.

Đây là một trong ba chú cá "Hải Tượng Long" do ông Nguyễn Văn Ngọc, nguyên Tổng giám đốc Công ty Lọc Hóa dầu Bình Sơn (BSR) mua về, với mục đích là dùng chúng làm "thanh tra môi trường".

Những đàn cá, vít bơi lội tung tăng hồ nước thải của Công ty Lọc Hóa dầu Bình Sơn (BSR) chứng minh nước thải đã qua xử lý đảm bảo an toàn cho người và sinh vật.
Những đàn cá, vít bơi lội tung tăng hồ nước thải của Công ty Lọc Hóa dầu Bình Sơn (BSR) chứng minh nước thải đã qua xử lý đảm bảo an toàn cho người và sinh vật.

Số là nhà máy Lọc dầu Dung Quất mỗi ngày, thải ra môi trường trên dưới 500 mét khối nước. Nước thải đã được xử lý bằng công nghệ hiện đại nhất và đảm bảo tất cả các tiêu chuẩn trước khi đổ ra vịnh Việt Thanh. 

Nước được làm sạch xong, lại đổ vào một hồ có diện tích mặt nước khoảng hơn héc-ta.

Nhưng lãnh đạo nhà máy muốn cho “chắc chắn" là nước sạch, nên mua cá về thả, và nuôi cả vịt nữa. Cái lý rất đơn giản: Cá chết, vịt chết, là nước không sạch…

Đầu tiên là thả cá mè, rô phi, cá trắm…Nhưng bọn cá rô phi đẻ với mức độ quá nhanh, cho nên cần phải “ kế hoạch hóa” dân số của chúng .

"Thanh tra môi trường" nước của Công ty Lọc Hóa dầu Bình Sơn chính là chú cá "Hải Tượng Long".
"Thanh tra môi trường" nước của Công ty Lọc Hóa dầu Bình Sơn chính là chú cá "Hải Tượng Long". 

Tổng giám đốc Nguyễn Văn Ngọc vốn là người rất mê cá, nên đã mua về ba chú "Hải Tượng Long" có nguồn gốc từ sông Amazon. Lúc mua, mỗi chú chỉ nặng chừng hơn 1kg với mức giá 2 triệu đồng.

Loài cá này nổi tiếng hung dữ và ăn thịt động vật, được thả vào hồ sống chung với đàn cá trắm, mè, rô phi… và khoảng 5 năm đầu tiên thì mọi sự thật yên ổn.

Nhưng rồi đàn rô phi giảm sút nhanh chóng và ai cũng biết ba con hải tượng long có “công lớn” trong việc này.

Thả cá thì hay rồi, nhưng để cho vui mắt và “sinh động”  hồ chứa nước thải, anh em lại cho mua vịt về thả…

Hình ảnh cá quẫy tung nước ở hồ, rồi đàn vịt phô lông trắng trên màu xanh ngăn ngắt của nước đã là đề tài cho nhiều nhà báo. Và cũng đã có bức ảnh chụp hồ nước thải được giải thưởng.

Nhưng rồi chả hiểu sao, đàn vịt cứ bị giảm sút dần… Có ngày mất hẳn hai con. Khổ thân anh em tổ bảo vệ, không biết giải thích là vịt đi đâu?

Chết vì bệnh tật thì phải có… xác chứ. Đằng này, cứ như bị mất trộm.

Thế rồi, anh em tổ chức… rình. Và thật bất bất ngờ khi họ tận mắt chứng kiến một chú vịt đang bơi bỗng nhiên bị kéo hút xuống sau một tiếng cá quẫy.

Hóa ra, thủ phạm là ba con cá "Hải Tượng Long". Chúng chén vãn cá ở hồ thì quay sang chén cả… vịt.

Chịu không nổi mấy thằng “cướp” này, anh em cho quây lưới, tóm được một con và đem về thả ở bể cá trước văn phòng công ty. Khi bắt được chúng, mọi người người ngỡ ngàng, bởi khi thả vào từ mấy năm trước, chúng nhỏ bé, nom khá hiền lành, đáng yêu…

Còn bây giờ, đúng là “quái vật”… bởi hàm răng sắc nhọn và nặng ngót hai chục cân. Giống này, nếu đủ thức ăn cho chúng, sẽ còn nặng tới cả hơn trăm kg.

Vậy nên chăng, làm đơn giản thế này: Nước thải từ nhà máy, cho chảy (một phần) vào một cái hồ… và thả cá, nuôi vịt ở đó. Cá sống, vịt béo… thì ăn chặt là nước sạch.

Còn nếu cá mà chết, vịt chết, thì có nghĩa là nước bẩn. Có vậy thôi, khỏi phải giám sát lằng nhằng, khỏi phải thuê mấy ông thanh tra môi trường.

Phong Sơn