Con đường dẫn đến leo thang căng thẳng Mỹ-Iran

28/06/2019 06:21
Thanh Bình
(GDVN) - Liên tiếp gia tăng động thái căng thẳng, cả “đấu khẩu” lẫn triển khai biện pháp liên quan tới lực lượng quân sự, có thể nói Mỹ và Iran đã cận kề chiến tranh.

Trước luồng dư luận về một cuộc xung đột tiềm tàng với Iran, Tổng thống Donald Trump tỏ ra muốn tìm cách thoái lui.

Có lẽ Tổng thống Donald Trump đã hình dung ra một tương lai mà trong đó Mỹ vô tình rơi vào một cuộc xung đột quân sự và ông không thích những gì đã nhìn thấy.

Mặc dù cảnh báo Iran đã mắc sai lầm lớn nhưng Tổng thống Donald Trump vẫn ngỏ ý không muốn xảy ra xung đột với Iran (Ảnh: Reuters).
Mặc dù cảnh báo Iran đã mắc sai lầm lớn nhưng Tổng thống Donald Trump vẫn ngỏ ý không muốn xảy ra xung đột với Iran (Ảnh: Reuters).

Thời gian qua, cộng đồng quốc tế đã hết sức lo ngại trước những diễn biến liên tiếp gây căng thẳng ở Vùng Vịnh giữa Mỹ và Iran.

Ngày 20/6/2019, Mỹ cáo buộc Lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) bắn hạ máy bay do thám chiến lược không người lái Global-Hawk BAMS-D của Mỹ trên vùng trời eo biển Hormuz trong khi Iran cáo buộc máy bay Mỹ đã vi phạm không phận Iran, gây hấn và việc bắn hạ thể hiện chính sách của Tehran.

Gần đây nhất, ngày 24/6/2019, Tổng thống Donald Trump thông báo đã ký một sắc lệnh hành pháp nhằm áp các lệnh trừng phạt mạnh tay mới, trong đó nhắm mục tiêu tới lãnh tụ Khamenei, nhân vật có quyền lực tuyệt đối trong chiến lược chính trị và ngoại giao của Iran.

Bộ Ngoại giao Iran tuyên bố rằng con đường ngoại giao giữa Washington và Tehran đã vĩnh viễn đóng lại sau khi Mỹ ban hành lệnh trừng phạt Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei và các nhân vật thân cận với ông. 

Bài viết sẽ tập trung phân tích những yếu tố dẫn đến căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Iran trong thời gian qua.

Tháng 5/2018, khi Tổng thống Donald Trump quyết định rút Mỹ khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran có tên gọi chính thức là kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), nhiều người nói rằng ông Donald Trump đã mạo hiểm kích hoạt một chuỗi vụ việc có thể dẫn đến chiến tranh.

Quan hệ Mỹ - Iran không thể tan băng nhanh chỉ sau 1 cú điện thoại
Quan hệ Mỹ - Iran không thể tan băng nhanh chỉ sau 1 cú điện thoại

Thỏa thuận này không hoàn hảo, ngay cả những người ủng hộ JCPOA cũng thừa nhận điều này, nhưng nếu Mỹ rút lui và JCPOA đổ vỡ thì Iran có thể nối lại chương trình làm giàu hạt nhân.

Giờ đây, vòng xoáy leo thang không tránh khỏi dường như đang diễn ra.

Là một phần trong chiến dịch gây sức ép tối đa, Mỹ đã xác định Lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) là tổ chức khủng bố, chấm dứt quy chế miễn trừ vốn cho phép một số ít các nước được mua dầu mỏ của Iran bất chấp các biện pháp trừng phạt của Mỹ.

Đồng thời, Mỹ liên tiếp tuyên bố các biện pháp trừng phạt bổ sung nhằm làm tê liệt nền kinh tế Iran.

Thậm chí, Mỹ đã điều cả một nhóm tác chiến tàu sân bay và máy bay ném bom B52 tới khu vực để gửi một thông điệp rõ ràng và không thể nhầm lẫn tới chính quyền Iran rằng không nên thách thức Mỹ.

Iran đáp trả bằng cách không chấp nhận yêu sách của Mỹ và bằng chiến dịch gây sức ép của riêng mình.

Ngày 08/5/2019, Tổng thống Iran, Hassan Rouhani tuyên bố Iran sẽ ngừng tuân thủ một phần thỏa thuận hạt nhân và sẽ rút hoàn toàn khỏi thỏa thuận này nếu châu Âu trong vòng 60 ngày không tìm ra được cách thức mang lại lợi ích kinh tế cho Tehran.

04 ngày sau, 04 tàu chở dầu của Saudi Arabia ở ngoài khơi Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) bị phá hoại bằng thuốc nổ và 02 ngày sau đó, các máy bay không người lái đã đâm vào các cơ sở dầu mỏ của Saudi Arabia gây nổ và khiến một tuyến đường ống ngưng hoạt động.

Mới đây, ngày 14/6/2019, Mỹ đã cáo buộc Iran tấn công hai tàu chở dầu nước ngoài tại vịnh Oman. Đồng thời, công bố kế hoạch gửi thêm 1.000 quân tới Trung Đông và điều tàu khu trục USS Mason tới Vùng Vịnh.

Xác máy bay do thám không người lái Mỹ bị Iran bắn hạ. (Ảnh: Express).
Xác máy bay do thám không người lái Mỹ bị Iran bắn hạ. (Ảnh: Express).

Chưa ai khẳng định Iran đứng sau những vụ việc này nhưng IRGC trong quá khứ từng sử dụng những hình thức tấn công tương tự vốn mang tính bất đối xứng và không truy xét được.

Điều này khiến giới quân sự và tình báo Mỹ cảnh báo những đòn trả đũa trên có thể có bàn tay của Tehran.

Chính quyền Tổng thống Donald Trump cho đến nay đã đáp trả cách hành xử của Iran bằng cách để lộ thông tin tình báo cho rằng Iran đang gây tổn hại đến lợi ích của Mỹ.

Liên tiếp gia tăng những động thái gây căng thẳng, cả “đấu khẩu” lẫn triển khai các biện pháp liên quan tới lực lượng quân sự, có thể nói Mỹ và Iran đã cận kề chiến tranh hơn bao giờ hết.

Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump đã chỉ thị hủy kế hoạch tấn công 3 mục tiêu của Iran chỉ 10 phút trước khi máy bay Mỹ tấn công với lý do tránh gây thương vong cho khoảng 150 người và Washington “không vội tấn công” Tehran.

Trước luồng dư luận về một cuộc xung đột tiềm tàng với Iran, Tổng thống Donald Trump tỏ ra muốn tìm cách thoái lui.

Có lẽ Tổng thống Donald Trump đã hình dung ra một tương lai mà trong đó Mỹ vô tình rơi vào một cuộc xung đột quân sự và ông không thích những gì đã nhìn thấy.

Donald Trump có thể không muốn chiến tranh xảy ra, nhưng quanh ông không còn các cố vấn có thể giúp ông né tránh điều đó.

Hai cố vấn chính sách đối ngoại thân cận nhất của Donald Trump là Ngoại trưởng Mike Pompeo-một người kiên quyết ủng hộ chính sách chống lại Iran và Cố vấn an ninh quốc gia, John Bolton - nhân vật bấy lâu nay luôn ủng hộ các cuộc chiến mà rõ ràng Donald Trump muốn nó không xảy ra.

Việc đàm phán một thỏa thuận hạt nhân mới như mong muốn của Tổng thống Donald Trump sẽ là một cách giúp hai bên tránh đụng độ.

Tuy nhiên, khả năng là Iran sẽ không tham gia đối thoại với một chính quyền mà họ không tin tưởng và thậm chí sẽ ít có khả năng chấp nhận một thỏa thuận có ảnh hưởng sâu rộng mà Donald Trump nói là cần thiết: một thỏa thuận chấm dứt mọi hoạt động làm giàu hạt nhân, có hiệu lực vĩnh viễn, cho phép tiến hành các cuộc thanh sát mang tính thâm nhập hơn so với thỏa thuận cũ. 

Tài liệu tham khảo:

1. https://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/binh-luan-quoc-te/bon-dieu-tong-thong-trump-can-tinh-toan-de-tranh-chien-tranh-voi-iran-543679.html

2. https://www.foreignaffairs.com/articles/iran/2019-06-04/what-war-iran-would-look

3. https://www.reuters.com/article/us-mideast-iran-usa/trump-puts-sanctions-on-iranian-supreme-leader-other-top-officials-idUSKCN1TP13D

4. https://www.straitstimes.com/world/middle-east/iran-says-us-sanctions-on-khamenei-mean-end-of-diplomacy

Thanh Bình