Cụ bà 82 tuổi bị ung thư vẫn leo núi đi làm từ thiện

31/10/2011 00:00
Tiểu Phương
(GDVN) - Cụ bà ấy đã 82 tuổi. Dù đã gần đất xa trời nhưng bà vẫn lặn lội, miệt mài đến mọi miền đất nước để nâng niu, che chở cho những cảnh đời éo le, bất hạnh.
“Tôi đã dành riêng một khoản tiền gửi ngân hàng và chuẩn bị sẵn chúc thư. Tôi đã dặn dò kỹ con cháu: Sau khi tôi ra đi, không được tổ chức đình đám, không lên chùa, không thầy cúng, 49 ngày cũng không cần cầu siêu. Mọi thứ phải làm thật đơn giản, để dành số tiền tiết kiệm đó góp sức thay tôi đi làm từ thiện, giúp những người dân nghèo” - Đó là mong ước lớn nhất của bà Chi (cư ngụ tại số 1, ngõ 85, Nguyễn Phúc Lai, Hà Nội) sau hơn 30 năm rong ruổi tới các vùng sâu, vùng xa hết lòng giúp đỡ những người lang thang cơ nhỡ, không nơi nương tựa.
Bà Chi vẫn từng ngày rong ruổi tới các vùng sâu, vùng xa hết lòng giúp đỡ những người lang thang cơ nhỡ, không nơi nương tựa.
Bà Chi vẫn từng ngày rong ruổi tới các vùng sâu, vùng xa hết lòng giúp đỡ những người lang thang cơ nhỡ, không nơi nương tựa.
“Mất một bên ngực phải nhưng tôi còn trái tim”

Được những đứa trẻ con trong cô nhi viện gọi trìu mến với cái tên: “Bà Chi”, hình ảnh người phụ nữ nhỏ thó, khuôn mặt phúc hậu, hiền lành, hàm răng chỉ còn lưa thưa vài cái đã trở nên quá quen thuộc với những ai thường xuyên đi làm từ thiện.

Kể từ ngày bà bị ung thư, mổ cắt toàn bộ ngực bên tay phải, sức khỏe giảm sút, con cái bà đã không ít lần ngăn cản không cho bà đi. Bà con hàng xóm lắc đầu bởi việc bà làm chỉ như “muối bỏ bể”. Nhưng bà luôn tâm niệm: “Khả năng mình làm được tới đâu thì cứ cố gắng hết sức để tới khi nhắm mắt không còn gì phải nuối tiếc vì những việc mình muốn mà chưa thể làm”.

Là một người theo đạo Phật nhưng giờ đây bà Chi không còn lui tới chùa để hương khói, cúng viếng, bà cho rằng: Chỉ mỗi hương khói không thôi thì không thể giúp những số phận nghèo, cơ nhỡ, đang từng ngày khát miếng cơm, manh áo ngoài kia.

Bà thường giấu con, tích góp những khoản tiền lương tiết kiệm ít ỏi, cộng với tiền người thân biếu tặng trong các dịp lễ tết, đình đám để đi làm từ thiện.

Cứ nghe phong phanh nơi đâu có gia đình khó khăn, trẻ con không có áo mặc, người già neo đơn là bà đi, dù đó là một ngôi miếu hoang, một bãi rác, miền xuôi hay miền ngược và có khi cách xa Hà Nội tới hàng nghìn km.

Cứ nghe phong phanh nơi đâu có gia đình khó khăn, trẻ con không có áo mặc, người già neo đơn là bà đi...
Cứ nghe phong phanh nơi đâu có gia đình khó khăn, trẻ con không có áo mặc, người già neo đơn là bà đi...

Bà còn nhớ như in cái cảm giác của mình khi tận mắt chứng kiến 8 bệnh nhân mắc “bệnh lạ” ở Mường Chiềng (Hòa Bình).

Nhìn lũ trẻ từ má, miệng, mũi, cổ vai, lưng tới quanh hốc mắt đều khô da sắc tố, ngứa ngáy, đau đớn, thậm chí, họ còn quỳ xuống cầu xin được cứu vớt, bà đã không cầm được nước mắt.

Bà đã trực tiếp giúi vào tay mỗi gia đình một triệu đồng tiền mặt để thuốc thang, trị bệnh và tuyên truyền rộng khắp để mọi người cùng chung tay giúp đỡ.

Có lần khi đặt chân tới vùng sâu, vùng xa của Hòa Bình, nhìn đứa trẻ cầm bánh mì không biết ăn, cho tiền không biết tờ giấy ấy là cái gì, bà Chi đã ôm chúng hồi lâu mà rưng rức xúc động.

Hay trong chuyến đi thiện nguyện về Ba Vì cách đây 5 năm trước, chứng kiến cảnh bữa cơm còn không có cả rau ăn, bà đã đóng góp 3 tạ gạo, cung cấp mì tôm, xà phòng và nhiều vật dụng thiết yếu khác cho những trẻ em bại liệt và người già không nơi nương tựa nơi đây.

“Cùng một kiếp người mà sao họ khổ quá! Bọn trẻ con tội nghiệp tới mức bỉm, tã lót cũng không có mà thay, cái gì cũng thiếu thốn” – bà Chi buồn bã chia sẻ.  

Trong câu chuyện bà kể cho chúng tôi, những từ cảm thán như: “thương lắm, tội lắm” cứ trở đi trở lại.

Bà kể: Có những số phận bị HIV, toàn thân lở loét, hàng xóm xa lánh, ghẻ lạnh nhưng bà đã đến động viên và kêu gọi mọi người đùm bọc, yêu thương.

Có những đứa trẻ mới 13 tuổi còn đang ở tuổi ăn, tuổi học, cả 2 bố mẹ đã chết vì ung thư, bà đã tới an ủi, đóng góp tiền bạc với hi vọng đứa bé được chăm sóc chu đáo.

Bà tâm sự: “Những lúc người ta đang khổ, mình giúp người ta là tốt nhất. Tuổi già, tôi có thể bớt ăn, bớt tiêu để dành dụm tiền cho họ. Thậm chí, khi có việc lên vùng biên giới, tôi cũng tranh thủ mua 10 chăn nỉ về cho trẻ em.

Ở các cô nhi viện, mỗi lần tôi tới, lũ trẻ lại ùa ra. Khi tôi hỏi: ai đây, bọn chúng đồng thanh hô to: Bà Chi. Đi tới đâu, tôi cũng được quý, trước khi về, họ cứ quyến luyến: “lần sau lại tới nhé”. Tôi thấy chẳng có niềm vui nào lớn hơn thế." 

Từ cơ duyên đến luật nhân quả

Vì là người theo đạo Phật nên trước đây, bà Chi vẫn thường xuyên lên chùa chiền hương khói nhưng một lần tình cờ, trong lúc đi thu tiền nước tại nhà ông cụ Tuyển, ngồi nghe cụ khuyên: “Hãy đi làm từ thiện”, bà đã tìm thấy con đường đi của mình. “Như một cơ duyên, cụ Tuyển đã dắt tôi đi theo hướng chân thiện ấy. Rất bình thường thôi nhưng lại cần lắm một cái tâm”.

Cái tâm ấy được bắt nguồn và hun đúc từ tấm bé. Bà Chi kể: “Khi còn bé, nhìn các bác sĩ mổ xẻ các con vật để làm thí nghiệm mà không gây mê, tôi đã ngầm trách: các bác sĩ cũng nhẫn tâm quá, vô tình quá. Bởi lẽ con vật cũng biết đau đớn và chúng cũng có một cộng đồng riêng, khi một con vật chết đi sẽ là niềm tang thương, nỗi đau cho những con vật khác”.

Bà Chi thường giấu con, tích góp những khoản tiền lương tiết kiệm ít ỏi, cộng với tiền người thân biếu tặng trong các dịp lễ tết, đình đám để đi làm từ thiện
Bà Chi thường giấu con, tích góp những khoản tiền lương tiết kiệm ít ỏi, cộng với tiền người thân biếu tặng trong các dịp lễ tết, đình đám để đi làm từ thiện


Lớn lên một chút, khi nhìn thấy cảnh một người con trai van vỉ, giằng co với bà chủ nợ chỉ vì 10 đồng, bà Chi đã không ngần ngại rút tiền trả thay cho con người tội nghiệp ấy.

Cũng bởi bắt nguồn từ cái tâm, thương cảm những cảnh đời kém may mắn, từ năm 50 tuổi, bà đã khoác túi lên đường đi làm từ thiện. Bà kể: Đã có lúc tôi phải chen lấn, xô đẩy, lách qua hàng rào sắt ở bến xe Hà Đông chỉ để mua được một cái vé xe lên vùng cao.

“Lúc nào xe khách đọc tên, khách lên xe theo số thứ tự thì vui mừng lắm, nếu không, tôi già yếu không chen chân nổi, chỉ toàn lên cuối, có lúc hết chỗ lại phải vạ vật và cũng không ít lần, phải dầm mưa, leo dốc, đi bộ vất vả, về nhà tôi đã phải nằm bệt cả một ngày trời.

Mặc dù vậy, tôi cũng có niềm vui của người đi làm từ thiện. Tôi nghiệm ra một điều rằng: Tôi còn sống tới giờ phút này là do phúc đức, gieo quả ngọt hái quả ngọt, chứ không phải cái gì khác” - bà Chi giãi bày.

Từ năm 1997, bà Chi bị ung thư và phải mổ cắt toàn bộ ngực bên phải. Bác sĩ lúc đó chẩn đoán rằng: Bà chỉ còn sống khoảng 2 năm.

Sau đó những người cùng mổ với bà đều lần lượt qua đời. Chỉ riêng bà, sau 15 năm vẫn sống sót và mạnh khỏe.

“Như một phép màu diệu kỳ vậy, tôi cũng đã không uống thuốc chống ung thư từ nhiều năm nay, vậy mà ông trời vẫn phù hộ cho tôi khỏe để từng ngày lên đường đi làm từ thiện. Trong thiên chúa giáo có viết: Chính công đức này, tự các con đã cứu lấy các con. Vì vậy, hãy sống sao cho tình người. Tôi nghiệm thấy: Điều này rất đúng và tôi cực kỳ tin vào luật nhân quả”.

“Còn sức ngày nào tôi còn muốn làm từ thiện ngày ấy”

Dù năm nay đã bước sang tuổi 82 nhưng bà Chi vẫn ham đi lắm. Dù mưa hay nắng, những người dân ở cái ngõ 85 ấy vẫn thấy bà chuẩn bị tư trang, đồ đạc sẵn sàng tay xách nách mang lên đường.

“Đừng bao giờ ai đó nói với tôi rằng: Vì mưa, vì bão nên chuyến đi từ thiện phải hủy. Dù khó khăn tới chừng nào đi chăng nữa thì vẫn phải đi, vì ở nơi đó, họ đang từng ngày, từng giờ, từng phút, từng giây mong mỏi những manh áo, miếng cơm mà mình mang tới”.

“Đừng để cái tâm của mình làm chủ mình mà mình hãy làm chủ cái tâm. Nếu lười đi là không chiến thắng chính mình rồi” - Bà Chi luôn tự nhủ.

Ngày hôm qua, nếu tôi đến muộn một chút có lẽ cũng đã không gặp được bà. Bà đã chuẩn bị xong xuôi đồ đạc để chuẩn bị cho chuyến đi thiện nguyện xa xôi và dài hạn. 

“Tôi không dám nói với con cháu về những khoản tiền làm từ thiện của mình. Tôi sợ chúng nó sẽ lo lắng vì tôi đã cắt xén ăn tiêu hàng ngày, bồi dưỡng sức khỏe để đem đi biếu tặng cho người khác. Có lần tôi ủng hộ các cháu nghèo 6 triệu đồng nhưng tôi chỉ nói: Người ngoài họ gửi, nhờ mang đi giúp, chứ không tiết lộ đó là tiền của mình” - Bà Chi nói, chỉ sợ con gái mình đang ngồi gần đó nghe thấy.

Nhìn dáng bà tất bật sửa soạn áo ấm cho bọn trẻ em khuyết tật, chuẩn bị hành trang cho chuyến đi sắp tới, tôi hiểu rằng: Không gì có thể cản bước chân bà, dù tuổi già, sức yếu.

Bị ung thư, cắt toàn bộ phần ngực bên phải, tuổi cao, sức yếu nhưng bà Chi vẫn không quản ngại: Còn sức ngày nào, tôi còn muốn cứu giúp đồng bào tôi ngày ấy.
Bị ung thư, cắt toàn bộ phần ngực bên phải, tuổi cao, sức yếu nhưng bà Chi vẫn không quản ngại: Còn sức ngày nào, tôi còn muốn cứu giúp đồng bào tôi ngày ấy.

Bà cũng nghiêm cấm tôi không được viết báo, không được đưa hình ảnh bà lên các trang  mạng, bởi với bà, làm từ thiện là vì cái tâm thúc giục, chứ không phải vì đồng tiền hay bất cứ lý do nào khác. Bà cũng không muốn đánh bóng tên tuổi, không muốn nổi tiếng hay thành một giai thoại hoặc đơn giản là những lời khen nức nở của mọi người. 

“Bà chỉ nói chuyện với cháu với hi vọng truyền cho cháu một chút lòng trắc ẩn khi cuộc sống xô bồ, các bạn trẻ đang dần trở nên vô cảm. Bà chỉ mong: Với những thân phận bà kể, cháu sẽ được tiếp thêm sức mạnh và có khát khao được lên đường, được cống hiến, được đến với những bản làng xa xôi, nơi đó có những em bé rét co ro trong tấm áo mỏng hoặc vẫn cởi truồng ra gió”. 

Tôi đã nghĩ có thể bà Chi sẽ giận tôi khi đọc được những dòng chữ này nhưng tự bản thân mình, tôi thấy rằng: Nếu tôi không viết, tôi sẽ có lỗi với nhiều người. Bởi một tấm gương như bà với hành trình hơn 30 năm làm từ thiện không mệt mỏi cần được nêu cao, lan rộng và tỏa sáng, đánh thức những con tim còn đang ngủ quên, ngủ vùi trong xa hoa, giàu có mà thờ ơ với những kiếp người nghèo.

“Sống đến ngần này tuổi rồi, tôi cũng chẳng mong gì hơn, thôi thì khi nào còn sức thì tôi còn tham gia làm việc từ thiện” - Tới lúc tạm biệt ra về, câu nói ấy của bà dường như vẫn còn văng vẳng đâu đây nhắc nhở tôi về một người suốt đời trăn trở với sứ mệnh đi làm từ thiện!


Dự kiến cứ 2 - 3 tuần, Báo Giáo dục Việt Nam sẽ tổ chức một chuyến đi thăm và tặng quà tới các em học sinh vùng cao. Báo rất mong  tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của quý bạn đọc trong thời gian tới.

Mọi sự ủng hộ xin gửi về:

- Báo điện tử Giáo dục Việt Nam

- Địa chỉ: số 147 Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội

- Tel: 04.6261.0666 – 04.6261.0888

- Tài khoản số: 1507201058249 tại Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, chi nhánh Cầu Giấy

- Email: toasoan@giaoduc.net.vn


Tiểu Phương