Cử nhân bị “ngâm” hồ sơ vì trường không nắm rõ thông tin đào tạo

26/08/2015 07:01
XUÂN QUANG
(GDVN) - Cử nhân N.T.H nhiều lần bị từ chối hồ sơ tuyển sinh do Học viện Khoa học xã hội không nắm rõ thông tin đào tạo….

Cử nhân bị từ chối hồ sơ

Trong thư gửi Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, bạn đọc N.T.H (trú tại Hà Đông, Hà Nội; tốt nghiệp trường Đại học dân lập Đông Đô, khóa học 1997-2001, chuyên ngành Luật Kinh tế) phản ánh về việc Học viện Khoa học xã hội (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) thiếu công bằng trong tuyển sinh đào tạo sau đại học.

Chị H. cho biết, từ năm 2012 tới nay, bản thân đã nhiều lần nộp hồ thi tuyển hệ sau đại học, nhưng không được phía Học viện Khoa học xã hội chấp thuận.

Phía Học viện cho rằng, trước đó trường Đại học dân lập Đông Đô có liên quan tới sai phạm trong công tác tuyển sinh, đào tạo, nên hồ sơ thí sinh cần xem xét lại… 

“Cán bộ phòng giáo vụ thông tin rằng, quy chế tuyển sinh Bộ Giáo dục và Đào tạo không cho phép Học viện Khoa học xã hội tuyển sinh đối với thí sinh tốt nghiệp trường Đại học Đông Đô (chuyên ngành Luật kinh tế) vì trường này có sai phạm trong quá trình tuyển sinh, đào tạo", chị H. cho biết.

Ông Hồ Sỹ Sơn-Phó Giám đốc Học viện Khoa học xã hội (ảnh: XUÂN QUANG)
Ông Hồ Sỹ Sơn-Phó Giám đốc Học viện Khoa học xã hội (ảnh: XUÂN QUANG)

Tuy nhiên theo chị H., việc Học viện Khoa học xã hội từ chối hồ sơ thí sinh tốt nghiệp Đại học Dân lập Đông Đô là điều bất hợp lý, chưa rõ ràng.

“Nếu Đại học dân lập Đông Đô có sai phạm trong tuyển sinh, đào tạo chuyên ngành này, thì phía cơ quan chức năng phải có phương án xử lý rồi chứ?

Nhưng từ khi theo học đến khi tốt nghiệp, tôi chưa thấy có quyết định nào liên quan đến việc đình chỉ tuyển đào tạo, tuyển sinh ngành cử nhân Luật Kinh tế. 

Không lẽ bây giờ tôi đã tốt nghiệp, nhưng bằng đã cấp không có giá trị pháp lý?

Rất mong cơ quan có thẩm quyền giúp tôi giải đáp những thắc mắc, cũng như lấy được sự công bằng, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho cá nhân tôi nói riêng và cho những người học tại trường Đông Đô nói chung", chị H. đề nghị.

Không có văn bản nhưng vẫn phải thi hành?

Trước sự việc có liên quan, hôm 20/8, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, lãnh đạo Học viện Khoa học xã hội cho rằng, đơn vị đang xác minh tính pháp lý hồ sơ đăng ký dự thi sau đại học của thí sinh này.

“Tôi được biết, trong một thời gian dài, ngành Luật Kinh tế - Đại học dân lập Đông Đô, nơi thí sinh H. theo học có trục trặc về tính pháp lý trong quá trình tuyển sinh, đào tạo chuyên ngành này.

Do đó, việc trường Đại học dân lập Đông Đô có được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép đào tạo chuyên ngành nói trên hay không (trong khoảng thời gian 1997-2001), đến nay vẫn chưa có câu trả lời cụ thể?”, ông Hồ Sỹ Sơn-Phó Giám đốc Học viện Khoa học xã hội cho biết.

Ông Sơn khẳng định, đơn vị tôn trọng, đảm bảo quyền lợi thí sinh sau khi thực hiện xác minh thông tin phản ánh.

"Chúng tôi cần thời gian để xác minh lại thông tin. Nếu trường Đại học dân lập Đông Đô đào tạo, cấp bằng khi chưa được phép thì chính đơn vị tiếp nhận hồ sơ như chúng tôi cũng là người có lỗi.

Đó là nguyên nhân đến nay phía Học Viện vẫn còn do dự. Khi có kết quả xác minh, chúng tôi sẽ trả lời các anh sau", ông Sơn cho biết.

Ông Nguyễn Thanh Tĩnh – Phó Hiệu trưởng trường Đại học dân lập Đông Đô (ảnh: XUÂN QUANG).
Ông Nguyễn Thanh Tĩnh – Phó Hiệu trưởng trường Đại học dân lập Đông Đô (ảnh: XUÂN QUANG).

Trong khi đó, lãnh đạo trường Đại học Dân lập Đông khẳng định việc đào tạo chuyên ngành Luật Kinh tế đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo chấp thuận trong danh sách các ngành nghề được phép đào tạo từ khi thành lập trường và tuyển sinh ( từ năm 1995 tới nay).

“Từ trước tới nay, không có quyết định nào cấm các trường ngoài công lập đào tạo ngành Luật Kinh tế, mà Bộ chỉ có quy định miệng với nội dung không nên để các trường ngoài công lập đào tạo chuyên ngành này. 

Do không có quy định cụ thể bằng văn bản, chúng tôi tiếp tục đào tạo ngành Luật Kinh tế.

Vì vậy, việc Học viện Khoa học xã hội không chấp thuận hồ sơ của thí sinh đã tốt nghiệp ngành này tại trường Đại học dân lập Đông Đô là điều vô lý”, ông Nguyễn Thanh Tĩnh-Phó Hiệu trưởng trường Đại học dân lập Đông Đô khẳng đinh.

Theo xác minh của phóng viên, ngày 5/6/1998, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn yêu cầu và hướng dẫn "cho phép một số trường được đào tạo tiếp (sau khi có thị bằng miệng đề nghị trường ngoài công lập không được đào tạo ngành Luật - PV) số sinh viên đã tuyển vào học ngành Luật và cấp bằng cử nhân Luật kinh tế cho những người đủ điều kiện tốt nghiệp”. 

Số sinh viên ngành Luật thuộc diện này bao gồm: Trường Đại học dân lập Phương Đông, khóa 1; Trường ĐHDL Đông Đô, khóa 1; Trường ĐHDL Văn Lang, khóa 1 và 2".

Như vậy, việc đơn vị tiếp nhận hồ sơ (Học viên Khoa học xã hội) không nắm rõ thông tin tuyển sinh, đào tạo, “ngâm” hồ sơ, khiến quyền lợi thí sinh bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

XUÂN QUANG