Cụm tàu sân bay Liêu Ninh kéo xuống Biển Đông do "nhạy cảm chính trị"

27/11/2013 07:04
Hồng Thủy
(GDVN) - Chuyên gia quân sự Macau Antony Wong Dong nhận định, Trung Quốc lựa chọn Biển Đông đế phái "cụm tàu sân bay Liêu Ninh" tới diễn tập là vì sự "nhạy cảm chính trị" và đặc điểm nước sâu của Biển Đông là "lý tưởng" cho các tàu chiến lớn hoạt động.
Tàu sân bay Liêu Ninh, Trung Quốc đã rời cảng Thanh Đảo sáng 26/11 và đang trên đường kéo xuống Biển Đông.
Tàu sân bay Liêu Ninh, Trung Quốc đã rời cảng Thanh Đảo sáng 26/11 và đang trên đường kéo xuống Biển Đông.
Trong lúc dư luận quốc tế đang đặc biệt quan tâm theo dõi những diễn biến xung quanh cái gọi là khu nhận diện phòng không Trung Quốc vừa tuyên bố áp đặt ở Hoa Đông từ thứ Bảy vừa qua, Bắc Kinh lại có động thái mới bất ngờ phái tàu sân bay Liêu Ninh, 2 khu trục hạm và 2 tàu hộ vệ xuống Biển Đông diễn tập. Tàu Liêu Ninh được hộ tống bởi 2 tàu khu trục Thẩm Dương và Thạch Gia Trang cùng 2 tàu hộ vệ Yên Đài và Duy Phường đã rời cảng Thanh Đảo sáng hôm qua 26/11 và tiến xuống Biển Đông. Liêu Ninh đã tiến hành hơn 100 cuộc diễn tập và tập trận kể từ khi nó được đưa vào biên chế, nhưng hầu hết đều chỉ diễn ra tại Hoàng Hải, gần căn cứ Thanh Đảo. Đây cũng là lần đầu tiên tàu Liêu Ninh ra khơi với 1 cụm tàu chiến yểm trợ. Chuyên gia quân sự Macau Antony Wong Dong nhận định, Trung Quốc lựa chọn Biển Đông đế phái "cụm tàu sân bay Liêu Ninh" tới diễn tập là vì sự "nhạy cảm chính trị" và đặc điểm nước sâu của Biển Đông là "lý tưởng" cho các tàu chiến lớn hoạt động.
Tàu Liêu Ninh đã thực hiện hơn 100 bài tập, diễn tập ở Hoàng Hải, trong đó tập trung vào nội dung cất hạ cánh chiến đấu cơ trên tàu sân bay.
Tàu Liêu Ninh đã thực hiện hơn 100 bài tập, diễn tập ở Hoàng Hải, trong đó tập trung vào nội dung cất hạ cánh chiến đấu cơ trên tàu sân bay.
"Căn cứ hải quân lớn nhất của quân đội Trung Quốc là ở Tam Á, đảo Hải Nam tương tự như Trân Châu Cảng của Mỹ ở Hawaii. Căn cứ Tam Á có thể cung cấp các hỗ trợ toàn diện cho tàu Liêu Ninh trong các cuộc tập trận sắp tới", Antony Wong Dong nói với Bưu điện Hoa Nam. Từ Philippines, học giả Rommel Banlaoi - Giám đốc điều hành Viện nghiên cứu Bạo lực và khủng bố nhận xét với Reuters, tàu Liêu Ninh vẫn còn phải nhiều năm nữa mới có thể tạo ra mối đe dọa thực sự. "Trung Quốc vẫn đang phát triển mô hình riêng của mình và công nghệ của họ còn thua xa Mỹ", ông nhận xét, "Cá nhân tôi không quá quan tâm tới một tàu sân bay chạy bằng diesel cũ trong một bài tập quân sự." "Rõ ràng là các nhà chức trách Trung Quốc đã áp dụng một loạt các thủ đoạn để tăng cường yêu sách (phi lý, phi pháp) của họ về chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông", Joseph Cheng, một giáo sư khoa học chính trị đại học Hồng Kông nhận xét. Tuy nhiên ông Joseph Cheng lý luận rằng sở dĩ Bắc Kinh làm như vậy là vì "phản ứng" với các động thái của Nhật Bản và các quốc gia Đông Nam Á tăng cường yêu sách chủ quyền của mình (ở Hoa Đông và Biển Đông)?!

Hồng Thủy