"Cuộc chiến" của bà Aung San Suu Kyi mới chỉ bắt đầu

12/02/2016 09:36
Hồng Thủy
(GDVN) - Quân đội Myanmar khó chấp nhận sự tồn tại của một tổ chức vũ trang nào khác có quy mô lớn, đối trọng với họ.

Nikkei Asian Review ngày 11/2 bình luận, lãnh tụ đảng Liên đoàn Quốc gia vì dân chủ Myanmar (NLD) bà Aung San Suu Kyi đang đối mặt với những thách thức lớn nhất trong cuộc đời bà khi bà tìm cách đoàn kết dân tộc Myanmar và hoàn thành nốt những gì cha bà đã làm nhưng còn dang dở.

Bà Aung San Suu Kyi, ảnh: Reading Eagle.
Bà Aung San Suu Kyi, ảnh: Reading Eagle.

Trong một cử chỉ thể hiện cam kết của bà nhằm thống nhất đất nước và lòng người, Aung San Suu Kyi đã chọn một số thành viên của các cộng đồng dân tộc thiểu số vào các vị trí quan trọng trong Chính phủ mới. Ưu tiên số một của bà Aung San Suu Kyi hiện nay là đàm phán hòa bình với quân đội và các nhóm vũ trang dân tộc.

Nhưng sau nửa thế kỷ cai trị bởi quân đội mà đặc trưng bằng đàn áp bạo lực, hòa giải vẫn còn là một vấn đề, một thách thức lớn ở Myanmar. Nó gắn bó chặt chẽ với lợi ích riêng của bộ phận tướng tá chỉ huy trong quân đội. 

Phiên họp Quốc hội đầu tiên đa màu sắc là một bức tranh rõ ràng phản ánh sự đa dạng của Myanmar cũng như ý định của bà Aung San Suu Kyi. Giữa lực lượng nghị sĩ mặc đồng phục màu cam của NLD là các nghị sĩ mặc nhiên của quân đội trong quân phục màu xanh lá cây, xen kẽ các nghị sĩ khác trong trang phục dân tộc thiểu số.

Myanmar có hơn 130 dân tộc khác nhau với lịch sử riêng, văn hóa riêng và ngôn ngữ của riêng mình. Các dân tộc thiểu số chiếm khoảng 30% đến 40% dân số cả nước. Sự đa dạng của các thành phần trong Quốc hội Myanmar phản ánh ý định rõ ràng của NLD sẽ thực hiện tốt những cam kết đảm bảo quyền lợi cho các dân tộc thiểu số, quyền tự quyết và phân phối công bằng các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Trong chiến dịch tranh cử, bà Aung San Suu Kyi đã có các chuyến đi thường xuyên đến các vùng dân tộc thiểu số chiếm ưu thế dọc theo biên giới Myanmar. Khoảng 60 cộng đồng dân tộc thiểu số đã tham gia bầu cử và chiến thắng của NLD có vai trò không nhỏ của họ.

5 trong số 7 bang nơi người Bamar không chiếm đa số đã bỏ phiếu ủng hộ NLD. Trong lịch sử Myanmar, các dân tộc thiểu số trên cả nước ít khi cảm thấy họ có mong muốn hợp nhất với dân tộc Bamar chiếm đại đa số.

Những bước đi đầu tiên hướng tới hòa bình và hòa giải chỉ thực sự bắt đầu dưới thời Tổng thống Thein Sein lên nắm quyền vào năm 2011. Mùa thu năm 2013 chính phủ đã phát động cuộc đàm phán hòa bình lịch sử với 20 tổ chức phe nhóm vũ trang trên cả nước.

Tuy nhiên những cuộc đàm phán sớm bị phá vỡ khi quân đội tìm cách tích hợp các nhóm vũ trang này thành lính gác biên giới, trong khi các phe nhóm muốn duy trì lực lượng của chính họ. Hơn một nửa số nhóm vũ trang đã rút khỏi các cuộc đàm phán và chỉ có 8 nhóm ký thỏa thuận ngừng bắn với chính phủ trong tháng 10 năm ngoái.

Bà Aung San Suu Kyi đã tham gia vào các cuộc đàm phán hòa bình với các nhóm vũ trang từ ngày 12/1 vừa qua. Độc lập của Myanmar chỉ đạt được khi các dân tộc hòa hợp, bà nhấn mạnh. Khoảng 10 nhóm vũ trang coi NLD là đối tác dễ đàm phán hơn.

Tuy nhiên hợp nhất được toàn bộ các phe nhóm vũ trang, các cộng đồng dân tộc thiểu số ở Myanmar không phải là câu chuyện dễ dàng. Quân đội Myanmar khó chấp nhận sự tồn tại của một tổ chức vũ trang nào khác có quy mô lớn, đối trọng với họ.

Mọi nỗ lực của NLD tham gia các cuộc đàm phán hòa bình, hòa giải dân tộc với các phe nhóm vũ trang có thể bị phủ quyết bởi 25% số ghế Quốc hội từ quân đội.

Tháng 2/1947, chính phủ lâm thời Myanmar do người Bamar lãnh đạo đã tổ chức cuộc họp với các cộng đồng dân tộc thiểu số. Các bên thống nhất tạo ra một chính phủ liên bang dựa trên quyền bình đẳng giữa các dân tộc thiểu số với Hiệp định Panglong.

Cha bà Aung San Suu Kyi, tướng Aung San là người đứng đầu chính phủ lâm thời và cũng là người góp công lớn trong việc ra đời Hiệp định Panglong. Tuy nhiên ông bị ám sát vào tháng Bảy năm 1947 khiến kế hoạch đoàn kết các dân tộc Myanmar dành độc lập của ông bị dang dở từ đó.

70 năm sau, bà Aung San Suu Kyi tuyên bố sẽ hoàn thành ý nguyện còn dang dở của người cha quá cố bằng cách thực hiện Hiệp định Panglong. Nhưng "cuộc chiến" của bà mới chỉ bắt đầu, còn nhiều khó khăn và chông gai phía trước.

Hồng Thủy