Cuộc chiến truyền thông tại Syria: Con dao hai lưỡi

20/10/2013 18:22
Nguyễn Hường
(GDVN) - Các chuyên gia cho rằng những video này là con dao hai lưỡi. Chúng có thể cung cấp những bằng chứng quan trọng về cuộc nội chiến tại Syria, nhưng cũng có khả năng bị làm sai sự thật nhằm bôi nhọ nhau.
Các đoạn video nghiệp dư về cuộc nội chiến tại Syria trên các phương tiện truyền thông xã hội như YouTube và Twitter đã khiến khó có thể phân biệt được giữa sự thật và tuyên truyền về cuộc chiến này.
Các nạn nhân của vụ tấn công hóa học tại Damascus hôm 21.8
Các nạn nhân của vụ tấn công hóa học tại Damascus hôm 21.8

Hàng chục ngàn video nghiệp dư được cho là bằng chứng tội ác của phe nổi dậy và quân chính phủ trong cuộc nội chiến ở Syria đã xuất hiện trên mạng xã hội. Phần lớn được quay bằng điện thoại di động và gửi lên mạng internet bởi phe đối thủ của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad. 
Tuy nhiên, các đoạn video đã làm dấy lên lo ngại rằng chúng có thể được tạo ra với mục đích tuyên truyền hơn là phản ứng hiện thực về cuộc xung đột tại Syria.
Thông tấn AP đã cử một đoàn phóng viên tới Syria để truyền tải những hình ảnh trực tiếp, thường xuyên về cuộc chiến. Tuy nhiên, sự tác nghiệp của họ đang bị ngăn cản bởi những hạn chế trong các quy định của chính phủ  Syria và mối nguy hiểm từ cuộc chiến. Ít nhất 28 nhà báo đã bị giết ở Syria trong năm 2012.
Những khó khăn đó khiến các phương tiện truyền thông quốc tế không thể cung cấp thông tin đầy đủ về tình hình chiến sự tại Syria và phải khai thác dữ liệu từ các video nghiệp dư.
Mỹ và các đồng minh đã sử dụng các video nghiệp dư như một bằng chứng chống lại chính phủ Damascus liên quan tới vụ tấn công hóa học hôm 21.8. Bản đánh giá của Nhà Trắng về vụ việc dựa trên 100 video trên mạng xã hội. 
Jamal Flitani, 24 tuổi, là một trong số những người đổ xô đến vùng ngoại ô của Damascus để ghi lại những hậu quả của cuộc tấn công nói rằng: "Thực sự tôi chưa bao giờ nghĩ video của chúng tôi sẽ được sử dụng bởi chính phủ Mỹ và các chính phủ phương Tây. ... Chúng tôi chỉ đơn giản là làm nhiệm vụ của chúng tôi".
Phe nổi dậy có một trung tâm truyền thông hoàn chỉnh vói máy ảnh độ nét cao, kết nối vệ tinh, phần mềm cho tải dữ liệu an toàn được tài trợ từ nước ngoài để đăng tải các video. Trong khi đó phe Assad cũng sử dụng Facebook, Twitter và thậm chí là Instagram để tuyên truyền.
Các chuyên gia cho rằng những video này là con dao hai lưỡi. Chúng có thể cung cấp những bằng chứng quan trọng về cuộc nội chiến tại Syria, nhưng cũng có khả năng bị làm sai sự thật nhằm bôi nhọ nhau. 
Nguyễn Hường