Cựu Tổng cục trưởng Thuế-Hải quan Campuchia tự hào về tài sản chục triệu đô

02/03/2015 13:48
Hồng Thủy
(GDVN) - Mức lương của Pen Siman hàng tháng khoảng 750 USD khi rời ghế Tổng cục trưởng. Ngành Thuế-Hải quan trước đó đã bị Hun Sen chỉ trích tham nhũng.
Ông Pen Siman, cựu Tổng cục trưởng Thuế-Hải quan Campuchia.
Ông Pen Siman, cựu Tổng cục trưởng Thuế-Hải quan Campuchia.

Tờ The Phnom Penh Post ngày 28/2 đưa tin, phía sau tòa trụ sở Thượng viện Campuchia ở trung tâm Phnom Penh đang mọc lên một "lâu đài khổng lồ" trị giá hàng triệu USD của cựu Tổng cục trưởng Thuế-Hải quan Campuchia vừa mới nghỉ hưu mà những công chức nghỉ hưu khác có nằm mơ cũng không nghĩ tới một tài sản nguy nga, đồ sộ như thế. Tọa lạc trên mảnh đất rộng 6500 mét vuông ở khu bất động sản cao cấp trung tâm Phnom Penh, mảnh đất này được định giá khoảng 18 triệu USD, 2 tòa biệt thự tráng lệ được xây 3 tầng, rộng 600 mét vuông trên mảnh đất này sẽ có giá hơn nhiều.

Nhưng một công nhân trẻ đang tham gia xây tòa biệt thự nói anh không ngạc nhiên khi thấy một quan chức mới về hưu có khối tài sản lớn đến vậy. "Đây là ngôi nhà lớn nhất ở Phnom Penh. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy một ngôi nhà như thế này. Nhưng ông ấy (chủ nhân biệt thự) là một người giàu có. Với số tiền ông ấy có, ông có thể có được bất cứ điều gì mình muốn". Một công nhân khác tuổi trung niên đồng ý với điều này, nhưng ông không nghĩ rằng chủ nhân ngôi nhà đủ khả năng sở hữu tòa biệt thự này chỉ với mức lương nhà nước.

Chủ sở hữu chính thức của tòa biệt thự này là ông Pen Siman, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế-Hải quan Campuchia vừa nghỉ hưu. Ông hiện sống trong một biệt thự khác nhỏ hơn ở gần đó, Pen Siman còn là một cố vấn riêng của Thủ tướng Hun Sen. Các đồng nghiệp cũ nói rằng mức lương của Pen Siman hàng tháng khoảng 750 USD khi rời ghế Tổng cục trưởng. Ngành Thuế-Hải quan trước đó đã bị Hun Sen chỉ trích tham nhũng hồi tháng 10 năm ngoái. Những người công nhân nói rằng vàng lá và tiền xu đã được đưa vào trang trí cho tòa nhà này để làm tăng vẻ thịnh vượng và sang trọng.

Trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại, Siman đã tuyên bố với The Phnom Penh Post, ông đã bỏ 10 triệu USD để mua mảnh đất này vài năm trước đây và nộp đầy đủ các loại thuế. Trong khi cả mảnh đất này mang tên ông, nhưng nó thực sự thuộc về 4 người và ngôi nhà của ông nằm trên 1 trong 3 lô. Siman cho biết, chỗ đất xây biệt thự ngập súng nước, do đó ông đã phải xây nền cao hơn bình thường 1 mét.

"Những người khác ở Phnom Penh có ngôi nhà lớn hơn nhiều so với nhà tôi, chỉ có điều họ không xuất hiện công khai như tôi", Siman cho biết ông hoan nghênh cơ hội để làm rõ sự thật về khối tài sản của mình. Cựu Tổng cục trưởng Thuế-Hải quan Campuchia nói rằng ông đã kê khai đầy đủ tài sản theo yêu cầu của các đơn vị chống tham nhũng. "Tôi không phải người tham lam hay làm bất cứ điều gì quá bất hợp lý, tôi không phải người như thế", ông Siman nhấn mạnh.

Biệt phủ triệu đô của cựu Tổng cục trưởng Thuế-Hải quan Campuchia.
Biệt phủ triệu đô của cựu Tổng cục trưởng Thuế-Hải quan Campuchia.

Siman là quan chức chính phủ về hưu duy nhất công khai sở hữu một tài sản nguy nga, biệt thự sang trọng với những kiến trúc sắc màu rực rỡ của nó khiến nhiều người Campuchia tin rằng, vị trí trong chính phủ càng cao thường đồng nghĩa với sự giàu có càng lớn. Cham Prasidh, Bộ trưởng Công nghiệp và Thủ công mỹ nghệ đương nhiệm được cho là sở hữu một loạt các khách sạn lớn trên khắp đất nước. Ông có 10 ha bất động sản không xa sân bay Pochentong ở xã Samrong Krong, quy mô lớn tương đương các trường trung học nổi tiếng nhất ở Phnom Penh.

Với giá đất ở vùng này tối thiểu 150 USD cho mỗi mét vuông vào năm ngoái, khối bất động sản của ông Prasidh có trị giá tối thiểu khoảng 15 triệu USD, thậm chí có thể nhiều hơn nữa. Tuy nhiên ông đã từ chối bình luận qua điện thoại về khối tài sản của mình khi The Phnom Penh Post liên hệ. Trong khi mức lương hiện tại của các Bộ trưởng Campuchia không được công khai, Thủ tướng Hun Sen nói với các phóng viên năm 2011 rằng ông lĩnh lương 1.150 USD một tháng.

Chea Sophara - Bộ trưởng Bộ Phát triển nông thôn và là cựu Thống đốc Phnom Penh cũng sở hữu khối tài sản thậm chí vĩ đại hơn so với Prasidh tại quận Rusey Keo. Ông sở hữu 11 ha bất động sản và tự hào có sân golf tư nhân bao quanh bởi bức tường phong cách Angkor. Riêng lô đất này của ông đã trị giá 45 triệu USD, theo ước tính của giới bất động sản tại địa phương. Sophara từ chối bình luận về kích thước hoặc giá trị tài sản của mình.

"Tôi sở hữu mảnh đất của mình kể từ tháng 7/1979. Nếu các bạn nhìn vào thời điểm lịch sử lúc đó sau sự sụp đổ của Khmer Đỏ, cá nhân tôi có thể sở hữu một số ngôi nhà hoặc một vài miếng đất. Nó rất dễ dàng thành cái cớ để chỉ trích các quan chức cấp cao đảng Nhân dân Campuchia tham nhũng, nhưng nhìn vào lịch sử, không ai được sử dụng đồng tiền nào. Tôi là Chủ tịch xã thời điểm đó, mảnh đất của tôi còn ngập sâu dưới nước 3 mét, và từng bước tôi đã phát triển nó cho đến ngày hôm nay".

Chea Sophara.
Chea Sophara.

"Những người chỉ trích đã đến Campuchia trong năm 1991 và nhiều người trong số họ nghỉ hưu ở nước ngoài và lập ra một đảng chính trị trong nước. Họ không hiểu được lịch sử, và chỉ trích của họ được đưa ra chỉ vì sự ghen tức, đố kỵ hay thù hận", ông Sophara tuyên bố. Trong khi đó thành viên đảng đối lập Cứu quốc Campuchia Son Chhay bình luận rằng, một vài Bộ trưởng đảng Nhân dân Campuchia cầm quyền (CPP) đã rất giàu có với khối tài sản trên 100 triệu USD. Ông nói rằng các công chức "có trách nhiệm giải thích" về nguồn gốc khối tài sản của họ.

Sebastian Strangio, một nhà nghiên cứu đã mô tả trong cuốn sách gần đây của ông về Hun Sen và Campuchia rằng, đất đai và doanh nghiệp nhà nước đã được bán cho các quan chức chính phủ, các nhà đầu tư nước ngoài và các ông trùm có liên hệ với CPP. Mọi khiếu nại đất đai trước năm 1975 đã được bãi bỏ, khiến các nhà đầu tư yên tâm rằng họ sẽ được an toàn, không bị trục xuất nếu các chủ sở hữu cũ của mảnh đất trở về.

Phnom Penh đã phát triển nhanh chóng, những biệt thự đổ nát bị bỏ trống từ thời chế độ Pol Pot đã được các quan chức "chộp lấy" với giá rẻ nhưng giá bất động sản sau đó đã tăng chóng mặt. Nghị sĩ đối lập Son Chhay bình luận, các quan chức như cựu Tổng cục trưởng Thuế-Hải quan Pen Siman không ngại phô trương sự giàu có của họ, mặc dù đã có những câu hỏi được đặt ra rằng làm cách nào họ giàu lên như thế.

Nghị sĩ Sous Yara, người phát ngôn của đảng CPP cầm quyền trả lời The Phnom Penh Post qua điện thoại: "Campuchia thực hiện chế độ dân chủ đa đảng dựa trên nguyên tắc kinh tế thị trường tự do. Vì vậy bất cứ ai có khả năng làm giàu cho bản thân và gia đình mà không xâm phạm các lợi ích công, bạn không có bất cứ tư cách gì để buộc hội họ."

"Thị trường tự do dành cho tất cả. Mọi người sống trong xã hội này sẽ được hưởng lợi từ tăng trưởng kinh tế. Nếu bạn là một nhân viên, trước khi vào cơ quan nhà nước bạn có nghĩa vụ kê khai tài sản. Khi bạn rời văn phòng cũng phải kê khai. Miễn là họ tuân thủ đầy đủ nguyên tắc này, chúng tôi không có bình luận gì", nghị sĩ Yara nói. Tuy nhiên The Phnom Penh Post lưu ý, việc kê khai tài sản tại các đơn vị chống tham nhũng được giữ bí mật, và chỉ được "mở" khi có quyết định của tòa án.

Hồng Thủy