Liên quan đến sai phạm trong vụ gian lận thi cử trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 ở tỉnh Sơn La, chiều 28/5, nhiều phóng viên các cơ quan báo chí đã đặt câu hỏi với đại biểu Quốc hội Tráng Thị Xuân - quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La.
Đại biểu Quốc hội Tráng Thị Xuân. Ảnh: Quochoi.vn |
Tuy nhiên, khi các phóng viên đặt vấn đề, bà Tráng Thị Xuân đã nhiều lần từ chối và nói với các phóng viên: "Vấn đề này tôi xin phép không trả lời", "Tôi sẽ không trả lời vấn đề này".
Liên quan đến vụ việc tại Sơn La, ngay sau khi xuất hiện các thông tin đăng tải về một số điểm mới đáng chú ý của vụ gian lận điểm thi tại tỉnh Sơn La, nhiều đại biểu trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội đã thể hiện sự bất bình rất lớn.
Các đại biểu đều đề nghị sớm làm rõ xem ai dùng tiền, dùng quyền, quan hệ để can thiệp vào việc sửa điểm thi.
Cũng bày tỏ ý kiến về vụ việc, đại biểu Phạm Tất Thắng – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhấn mạnh, kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia ngoài nhiệm vụ xét tốt nghiệp, kết quả còn được các trường đại học, cao đẳng căn cứ xét tuyển đầu vào. Vì thế, nó phải đảm bảo công bằng, chính xác, khách quan nhất.
Lời dối trá và những con quỷ |
“Việc có thể dùng yếu tố quan hệ, tiền bạc để làm sai lệch, thay đổi kết quả kỳ thi là việc không được phép diễn ra”, đại biểu Thắng nói.
Theo đại biểu, muốn kỳ thi công bằng, an toàn ngoài yếu tố kỹ thuật thì nhân sự là then chốt.
“Sự chỉ đạo quyết liệt từ cơ quan quản lý nhà nước, sự phối hợp chặt chẽ từ các địa phương, đặc biệt tinh thần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của những người trực tiếp làm thi càng phải được nâng cao.
Tôi cho rằng, sự cố và hậu quả của kỳ thi năm 2018 là bài học hết sức nặng nề cho chính người làm công tác thi, cũng như các địa phương”, đại biểu Thắng đánh giá.
Đại biểu Thắng nói thêm, kỳ thi năm 2018 đã có những sự cố mà báo chí và dư luận xã hội đã trao đổi rất nhiều.
Những bất cập đó đã được nhận diện, cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các địa phương cũng đã nhìn ra những bất cập đó, tìm hướng giải quyết.
"Vì thế, để kỳ thi năm 2019 không có sự cố đáng tiếc xảy ra, cả hệ thống trong đó có ngành giáo dục phải quan tâm để mỗi một cán bộ, công chức viên chức thực hiện tốt chức năng của mình.
Đồng thời, cần phải có giám sát, kiểm tra để kịp thời phát hiện những hành vi vi phạm từ lúc còn mới là biểu hiện, để có hình thức xử lý.
Những vụ việc đã xảy ra thì cần xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật", đại biểu Thắng nêu.
Vụ gian lận điểm thi Trung học phổ thông tại Sơn La đang đặc biệt thu hút sự quan tâm của dư luận.
Nhất là sau khi có thông tin đăng tải trên tờ Tuổi trẻ về việc có bị can bị khởi tố khai với cơ quan điều tra rằng Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La đã gửi gắm nhiều thí sinh để đề nghị sửa điểm.
Đồng thời có bị can nói "giá" nâng điểm cho mỗi thí sinh lên đến 1 tỉ đồng .
Trước đó, Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Sơn La đã chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Sơn La đề nghị truy tố 8 bị can về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.