Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm: “Cha làm thầy, con đốt sách” mới là bất hạnh

28/10/2015 07:52
QUỐC TOẢN (THỰC HIỆN)
(GDVN) - Theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyết Tâm, xã hội cần những người tài, dù là con của ai đều có cơ hội, bình đẳng như nhau...

LTS: Nhiều ý kiến cho rằng, việc cán bộ trẻ được đề bạt vào các vị trí lãnh đạo chủ chốt tại địa phương thời gian vừa qua là một bước đổi mới trong công tác cán bộ.

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến nhận định, việc bổ nhiệm, đề bạt... nói trên xuất phát từ quan hệ theo kiểu “con lãnh đạo”.

Xung quanh vấn đề này, hôm 26/10, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyết Tâm - Phó Bí thư Thành ủy, Thành phố Hồ Chí Minh.

PV: Thưa bà, không ít người cho rằng, việc nhiều cán bộ trẻ được bầu, bổ nhiệm giữ chức vụ chủ chốt trong bộ máy lãnh đạo địa phương vì họ là "con lãnh đạo". Quan điểm của bà như thế nào về vấn đề này?

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm: “Con lãnh đạo” là một khái niệm khá rộng, cần hiểu theo nghĩa tích cực của vấn đề.

Người dân luôn mong muốn cán cán bộ phải gương mẫu, trước hết là trong gia đình. 

Do đó gia đình có nền tảng tư tưởng, đạo đức tốt, là bước đệm quan trọng cho những người trẻ tu dưỡng, kế thừa, phát huy năng lực, trí tuệ, phấn đấu trở thành người có ích cho xã hội. Đây là điều hạnh phúc cho gia đình, xã hội.

Sự phấn đấu của các bạn trẻ, được tập thể ghi nhận (thông qua bầu cử...) là điều đáng hoan nghênh, chứ tại sao lại nghi ngờ?.

Ngược lại chuyện “cha làm thầy, con đốt sách” mới là điều bất hạnh.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyết Tâm (ảnh: Báo Tuổi trẻ)
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyết Tâm (ảnh: Báo Tuổi trẻ)

Về quan điểm, tôi ủng hộ các bạn trẻ này. Bởi họ rất đáng tự hào khi tự ý thức được vị trí, vai trò của mình đối với gia đình, xã hội.

Từ đó, họ luôn tâm niệm phải cố gắng phấn đấu, phát huy truyền thống gia đình, làm những điều tốt đẹp cho đất nước.

Nói như vậy không có nghĩa là cứ con lãnh đạo là giỏi. Có người không thể phát huy được truyền thống gia đình, điều ấy thực sự đáng buồn. Tuy nhiên đây cũng là lẽ tự nhiên.

Còn việc đề bạt, bổ nhiệm có điều khuất tất (nếu có) thì cần phải lên án.

Như vậy, cần nhìn nhận vấn đề “con lãnh đạo” như thế nào cho công bằng, khách quan, thưa đại biểu?

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm: Vấn đề phụ thuộc vào quan điểm của mỗi người.

Tuy nhiên trong cơ cấu bộ máy Nhà nước từ Trung ương tới địa phương, vấn đề nhân sự không phân biệt đó là 

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm: “Cha làm thầy, con đốt sách” mới là bất hạnh ảnh 2

“Tước đoạt mạng sống của người khác vì bất cứ lý do nào đều không nên”

con nhà giàu hay nhà nghèo...

Thậm chí những người xuất thân từ hoàn cảnh khó khăn, nhưng họ có tài năng, ý chí phấn đấu, chúng ta vẫn tạo cơ hội, để họ có điều kiện phát triển, trở thành người có ích cho xã hội đấy thôi.

Điều này cũng đáng hoan nghênh, đâu riêng gì con cán bộ mới được tung hô như vậy.

Theo bà, chúng ta cần làm gì để những cán bộ trẻ nói chung, có cơ hội phát huy năng lực, cống hiến cho sự phát triển xã hội?

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm: Đầu tiên, cần mở rộng mô hình thi tuyển, chọn cán bộ, tạo cơ hội cho những người trẻ có dịp phát huy trí tuệ, cống hiến sức lực vì lợi ích cộng đồng.

Hiện nay, vấn đề này đang được thí điểm ở một số Bộ, ngành. Nếu mở rộng hình thức thi tuyển cán bộ, sẽ tạo ra sự cạnh tranh công bằng cho nhiều người. Dĩ nhiên, ai có tài hơn, họ sẽ nắm bắt được cơ hội đó.

Mặt khác, dư luận không nên quá khắt khe với cán bộ trẻ, đặc biệt là "con lãnh đạo".

Cũng đừng vội đưa ra những phán quyết, hoặc nhìn người trẻ với cặp mắt thiếu thiện chí. Làm như vậy sẽ không khách quan. Nhưng nếu vội vàng cho rằng họ sẽ làm được việc thì đó là nhận định chủ quan.

Hãy cho người trẻ cơ hội để họ thể hiện mình. Thực tiễn, thời gian sẽ kiểm chứng, họ có xứng đáng đảm nhiệm cương vị đó hay không?

Xã hội cần những người tài, dù là con của ai đều có cơ hội, bình đẳng như nhau.

QUỐC TOẢN (THỰC HIỆN)