Quan luôn thắng dân?
Đại biểu Chu Sơn Hà cho rằng, về việc ban hành văn bản nhiều nơi làm chưa đúng theo quy định của pháp luật, thậm chí vi phạm luật dân sự, luật đất đai, có những việc xảy ra sau 2 năm mới được sửa đổi.
“Đó là ví dụ sinh động cán bộ không ít người có tư tưởng bảo thủ”, ông Hà nhấn mạnh.
Đồng thời, Đại biểu Chu Sơn Hà cũng chỉ rõ: “Căn bệnh thứ 2 của không ít cán bộ là căn bệnh thù lâu nhớ dai. Trong kỳ họp lấy ý kiến dự thảo Bộ luật tố tụng hành chính đối với TP Hà Nội, một người là Chánh án cấp huyện phản ánh, nếu quy định thẩm quyền của toàn án nhân dân cấp huyện mà xử theo các quyết định của UBND trên địa bàn cấp huyện thì không khả thi vì nhiều bản án quan thắng dân, dù dân kiện quan nhưng quan luôn luôn thắng dân.
Có một vụ án các đồng chí trong hội đồng xét xử quyết định quan thua dân, lập tức Thẩm phán đó mặc dù có năng lực, trình độ, nằm trong quy hoạch, nhưng sau đó bị luân chuyển công tác đến vị trí khác. Nói như vậy để thấy bệnh thù lâu nhớ dai trong cán bộ của chúng ta không phải là không có”.
Đại biểu Quốc hội Chu Sơn Hà: "Không ít cán bộ thù lâu nhớ dai". ảnh: Trung tâm thông tin Quốc hội. |
Từ hai “căn bệnh” trên, Đại biểu Chu Sơn Hà kiến nghị, luật cần quy định làm sao để thẩm quyền của cấp huyện nên chỉ xử các vụ án hành chính từ xã trở xuống. Cấp huyện thì lên tỉnh xử. Cấp tỉnh thì lên toà án tối cao xử để đảm bảo không ảnh hưởng đến quyền, lợi ích cơ bản của công dân.
Ông Hà nói: “Khiếu nại chán, không được thì dân mới phải kiện ra toà, mà ra tòa như thế này thì mất lòng tin của nhân dân”.
Có ý kiến cho rằng việc này không phù hợp với chủ trương chung phân cấp cho tòa án cấp huyện, nhưng theo Đại biểu Chu Sơn Hà, những việc liên quan đến hình sự, dân sự thì phân cấp. Riêng việc liên quan đến hành chính liên quan đến công dân và bộ máy thì không nên phân cấp.
Ông Cao Sỹ Kiêm: "Cán bộ đảng viên suy thoái, nói thì dễ sao chỉ ra lại khó?" |
Có ý kiến cho rằng đưa việc của cấp huyện lên cấp tỉnh thì đường sá xa xôi gây khó khăn cho công dân, nhưng Đại biểu Hà cho rằng, người dân không cần thắng thua bao nhiêu tiền, họ cần bảo vệ danh dự, bảo vệ công lý nên không cần lo nhiều về việc này.
“Có nhiều vụ án hành chính sau khi xử thì không được tổ chức thực hiện, vì vậy nên nghiên cứu bổ sung thêm một khoản là nếu như quyết định đã có hiệu lực pháp luật mà cá nhân đó không thực hiện thì phải xử lý hành chính, kỷ luật, hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự”, ông Hà kiến nghị.
Dân ngại kiện quan?
Nhiều Đại biểu Quốc hội cho rằng, người dân rất ngại kiện quan ra tòa, vì trong thực tế một số vụ án thủ trưởng cơ quan ủy quyền cho người giúp việc tham gia tố tụng gây cản trở trong quá trình giải quyết vụ án.
Đại biểu Bùi Mạnh Hùng (đoàn Bình Phước) cho biết, rất nhiều người dân mong đợi, kỳ vọng vào đợt sửa đổi Luật Tố tụng hành chính lần này.
“Xưa nay, người dân vẫn rất e ngại đi kiện quan. Đợt sửa đổi lần này hy vọng giải tỏa được tâm lý e ngại của người dân khi có việc phải ra tòa để tìm sự công bằng. Điều này có tác động tích cực để nền hành chính ngày càng minh bạch, hiệu quả”, đại biểu Hùng nói.
Để xóa bỏ tâm lý e ngại của người dân, đại biểu Hùng đề nghị xác định Tòa án nhân dân cấp tỉnh xét xử sơ thẩm các vụ án hành chính liên quan đến cơ quan hành chính và người đứng đầu cơ quan hành chính. Trong quá trình xét xử nếu còn vướng mắc giao cho tòa án cấp cao xử lý.
Ông Hùng nhận định: “Tôi biết đây là việc khó nhưng vẫn phải làm, các cấp ngành cùng nỗ lực tìm giải pháp tháo gỡ. Nếu làm được như vậy sẽ đem lại lợi cho nhân dân, cho nền hành chính”.
Đại biểu Quốc hội Bùi Mạnh Hùng. ảnh: Trung tâm thông tin Quốc hội. |
Cùng cho ý kiến vào nội dung trên, Đại biểu Thân Đức Nam (TP Đà Nẵng) cho rằng, nếu quy định người đứng đầu cơ quan, tổ chức khi bị kiện chỉ được ủy quyền cho cấp phó của mình đại diện sẽ khắc phục được những hạn chế trong việc giải quyết các vụ án hành chính. Vì nhiều trường hợp ủy quyền cho cán bộ tham mưu, giúp việc tham gia tố tụng vô hình chung đã gây trở ngại cho quá trình giải quyết vụ án.
“Nhiều người ủy quyền không đủ thẩm quyền để giải quyết những vấn đề mới phát sinh. Chỉ có người đứng đầu cơ quan, tổ chức trực tiếp tham gia vụ án hành chính mới hiệu quả, bảo đảm khắc phục những sai sót và bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của người đi khởi kiện”, Đại biểu Nam nêu quan điểm.
Không công nhận, sẽ có nhiều người chuyển đổi giới tính chui |
Đại biểu Phạm Văn Hà (đoàn Nghệ An) cũng đánh giá, nhiều vụ án dân kiện quan bị kéo dài rất lâu chỉ, vì người đứng đầu cơ quan hành chính ủy quyền cho cán bộ chuyên môn thuộc cấp sở hoặc cấp phòng là người đại diện ra trước tòa.
Lý do những vụ án hành chính như vậy bị kéo dài vì người được ủy quyền không có thẩm quyền, không dám giải quyết vụ việc.
Tuy nhiên, cũng có đại biểu cho rằng, nên cân nhắc việc cấp trưởng chỉ được ủy quyền cho cấp phó khi giải quyết các vụ kiến.
Đại biểu Trịnh Thị Thanh Bình (đoàn Bến Tre) cho rằng: “Nếu người bị kiện đứng đầu cơ quan hành chính chỉ được ủy quyền cho cấp phó của mình thì sẽ phát sinh những khó khăn, vướng mắc trong quản lý nhà nước và cho tòa án khi giải quyết vụ án hành chính”.
Theo đại biểu Bình, đa số vụ án có người bị kiện là UBND hay Chủ tịch UBND cấp tỉnh, quận huyện là cơ quan chịu trách nhiệm quản lý hành chính ở địa phương. Nếu Chủ tịch hay Phó Chủ tịch UBND phải trực tiếp tham gia tố tụng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quản lý nhà nước, đến kinh tế xã hội ở địa phương.
“Nếu người được ủy quyền là đại diện của cơ quan chuyên ngành hoặc cán bộ tham mưu giúp việc của Văn phòng UBND thì họ có nhiều điều kiện tham gia hơn vào quá trình giải quyết các vụ án hành chính. Ở đây quan trọng nhất là ý thức chấp hành pháp luật, sự hợp tác, sự nhận thức của chính quyền các cấp”, Đại biểu Bình nói.