Đại biểu Quốc hội đề nghị cân nhắc thuế ưu đãi cho nhà ở xã hội

29/05/2013 06:35
Ngọc Quang
(GDVN) - ĐB Trần Văn Huynh (tỉnh Kiên Giang): “Việc quy định chỉ giảm thuế GTGT đầu ra cho nhà ở xã hội, theo quy định của pháp luật về nhà ở và nhà ở là căn hộ có diện tích sàn dưới 70m2, rất có thể sẽ dẫn đến tình trạng chia nhỏ diện tích sàn căn hộ, chỉ tập trung đầu tư các căn hộ có diện tích sàn dưới 70m2, dẫn đến phá vỡ quy hoạch, thiết kế kiến trúc…”.

Chiều nay (28/5), các ĐH Quốc hội thảo luận Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng. Sau phần thảo luận, nhiều ĐH Quốc hội đã có những kiến nghị hết sức sắc sảo bổ sung cho dự luật này.

Đề nghị Cân nhắc thuế GTGT đầu ra cho nhà ở xã hội

ĐB Trần Văn Huynh (tỉnh Kiên Giang) nêu quan điểm, về ngưỡng đăng ký nộp thuế và phương pháp tính thuế, dự thảo luật bổ sung quy định về ngưỡng đăng ký thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ, theo đó áp dụng phương pháp khấu trừ đối với cơ sở kinh doanh đang hoạt động có doanh thu hàng năm từ bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ từ 1 tỷ đồng trở lên, trừ hộ có cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp trực tiếp trên giá trị gia tăng và bổ sung quy định về cách xác định giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp.

“Tôi đề nghị xem xét quy định mức ngưỡng doanh thu tính thuế thấp hơn phương pháp, phương án đề xuất của Chính phủ vì với mức doanh thu 1 tỷ đồng trên 1 năm thì tỷ lệ các doanh nghiệp thuộc diện áp dụng phương pháp trực tiếp là khá lớn, dẫn đến chưa thể hiện được bước tiến bộ hơn trong quản lý áp dụng thuế giá trị gia tăng, chưa đáp ứng mục tiêu tiến tới cơ bản thực hiện phương pháp khấu trừ thuế đề ra trong chiến lược cải cách thuế”, ông Huynh nhấn mạnh.


Đối với đề xuất giảm thuế GTGT đầu ra đối với hoạt động bán, cho thuê, cho thuê nhà, cho thuê mua nhà ở, dự thảo luật quy định giảm 50% thuế giá trị gia tăng đầu ra từ ngày mùng 1 tháng 7 năm 2013 đến hết ngày 30/6/2014 đối với các hợp đồng bán, cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về nhà ở và nhà ở là căn hộ có diện tích sàn dưới 70m2 và có giá bán 15 triệu đồng/m2.

ĐB Huynh đề nghị: “Việc quy định chỉ giảm thuế GTGT đầu ra cho nhà ở xã hội, theo quy định của pháp luật về nhà ở và nhà ở là căn hộ có diện tích sàn dưới 70m2, rất có thể sẽ dẫn đến tình trạng chia nhỏ diện tích sàn căn hộ, chỉ tập trung đầu tư các căn hộ có diện tích sàn dưới 70m2, dẫn đến phá vỡ quy hoạch, thiết kế kiến trúc, gia tăng các trường hợp chuyển đổi mục đích xây dựng từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội để được hưởng ưu đãi. Vì vậy, cần cân nhắc toàn diện trước khi ban hành chính sách này”, ông Huynh nói.

Đề nghị cân nhắc đánh thuế doanh thu của hộ cá nhân 100 triệu đồng

ĐB Nguyễn Thanh Hải – tỉnh Hòa Bình nêu quan điểm, bản chất của thuế GTGT là thuế đánh trên sự tiêu thụ do người mua chứ không phải người bán. Do đó mọi sự ưu tiên bằng cách quy định càng nhiều đối tượng không chịu thuế chừng nào thì càng gây khó khăn cho DN bán hàng hay cung cấp dịch vụ chừng ấy chứ hoàn toàn không mang lại ưu đãi cho DN. Lý do DN sẽ mất quyền khấu trừ thuế đầu vào của hàng hoá dịch vụ khi mua vào, cụ thể như hoá đơn tiền thuê văn phòng, tiền điện, tiền nước, tiền điện thoại, internet, văn phòng phẩm...

“Vì căn cứ để xác định số thuế đầu vào được khấu trừ chính là số thuế GTGT ghi trên hoá đơn GTGT khi mua hàng hoá đầu vào. Do vậy, nếu phạm vi đối tượng được miễn thuế rộng và không được thu hẹp thì sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp”, ĐB Hải nói.

Về mức doanh thu để xác định hàng hoá dịch vụ không chịu thuế của hộ cá nhân kinh doanh theo như dự thảo hiện hành đang quy định là 100 triệu đồng, ĐB Hải cho hay, trong hồ sơ dự án luật trình Quốc hội có thấy tại Mục e (trang 95) có giải trình là để đảm bảo minh bạch, dễ thực hiện và phù hợp thông lệ quốc tế nên dự thảo luật đã chuyển từ quy định căn cứ theo thu nhập sang doanh thu của hộ cá nhân kinh doanh. Hơn nữa đây là quy định thể hiện rõ ràng chính sách ưu đãi của nhà nước miễn thuế GTGT đối với những hộ cá nhân kinh doanh thu nhập thấp.

ĐB Hải băn khoăn, thuế GTGT không phải là thuế đánh vào hộ cá nhân kinh doanh dịch vụ hàng hoá mà đánh vào người sử dụng, tiêu dùng dịch vụ hàng hoá đó và hộ cá nhân kinh doanh đó chỉ thay mặt nhà nước để thu thuế từ người tiêu dùng, họ sẽ nộp vào ngân sách nhà nước. Những người tiêu dùng này có thể là những người có cả thu nhập thấp và có cả thu nhập cao. Hơn nữa việc xác định mức doanh thu của hộ cá nhân 100 triệu đồng trên thực tế không phải là việc dễ thực hiện.

“Vì vậy, tôi kiến nghị Ban soạn thảo nên cân nhắc không đưa đối tượng này vào đối tượng không chịu thuế. Trong trường hợp vẫn phải đưa đối tượng này vào thì cần làm rõ cơ sở thực tiễn và khoa học của mức ngưỡng doanh thu 100 triệu, theo tôi không nên để con số tuyệt đối như vậy mà nên căn cứ theo mức lương tối thiểu, chẳng hạn 100 triệu đồng tương đương với gần 100 lần mức lương tối thiểu để đảm bảo tính ổn định lâu dài của điều luật”, ĐB Hải bày tỏ.

Đề nghị chặn kẽ hở trong hoạt động xuất khẩu khoáng sản

ĐB Trương Thị Huệ (tỉnh Thái Nguyên) nêu quan điểm: Khoản 1, Điều 1 sửa đổi Khoản 23, Điều 5 của luật thuế 2008 về đối tượng không chịu thuế. Khoản này có quy định đối với sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên khoáng sản, khai thác chưa chế biến thành sản phẩm khác. So với luật năm 2008 có bổ sung từ "thành sản phẩm khác". Nội dung này thực tế đã được Chính phủ quy định tại Nghị định 123.

“Chúng tôi cũng hiểu quy định như vậy để nhấn mạnh yêu cầu chế biến sâu khoáng sản và không cho phép xuất khẩu quặng thô để nhằm tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên cho đất nước và cho mai sau. Chúng tôi cũng cho rằng quy định như vậy vẫn còn chung chung chưa rõ, vẫn tạo sơ hở và điều kiện cho xuất khẩu khoáng sản chưa chế biến sâu ra nước ngoài”, ĐB Huệ nhấn mạnh

ĐB Huệ lấy thí dụ, để chế biến được 1 kim loại là titan thì có những 3 giai đoạn trung gian: từ tinh quặng đến xỉ titan, đến titalit và tita kim loại. Vậy, ở đây xác định công đoạn nào là thành phẩm của kim loại titan. Thực tế cũng đã có cục thuế địa phương hỏi Bộ Tài chính về sản phẩm hợp kim là Silicon manganese. Rồi hợp kim Sắt silic manganese và Fero manganese. Có phải là thành phẩm khác để được áp dụng mức thuế suất bằng không hay không? Thì bộ đã phải vận dụng tới 8 điểm của 2 thông tư và xin ý kiến của Bộ Công thương thì mới trả lời được.

“Vì vậy, tại khoản này chúng tôi đề nghị là phải có danh mục cụ thể cần thiết, chi tiết thế nào là sản phẩm khác của các kim loại được quy định tại điểm này và nhất là đối với một số kim loại quý hiếm cần thiết của đất nước và của nền kinh tế chúng ta”, ĐB Huệ nói.

Ngọc Quang