Đại sứ Đoàn Xuân Hưng: ODA rất quan trọng, nhưng Việt Nam không thể xin mãi

16/09/2015 07:30
Đại sứ Đoàn Xuân Hưng
(GDVN) - Chúng ta không chủ trương vay mượn càng nhiều càng tốt mà điều cốt lõi chính là phải sử dụng đồng vốn vay sao cho hiệu quả nhất

LTS: Đại sứ Đoàn Xuân Hưng, một nhà ngoại giao bề dày kinh nghiệm và có công lao rất lớn trong việc thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại, đầu tư, giáo dục và lao động Việt - Nhật gửi cho Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết của ông về hợp tác Việt Nam với Nhật Bản trong các lĩnh vực này. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và Nhật Bản đang ở thời kỳ phát triển rực rỡ nhất, đỉnh cao nhất, đặc biệt là trên phương diện kinh tế.

Không thể đi xin mãi ODA


Trong hơn 20 năm qua, Nhật Bản đã trở thành quốc gia cung cấp ODA lớn nhất cho Việt Nam. Với khoảng 24 tỷ USD, Nhật Bản chiếm đến 30% tổng viện trợ phát triển nước ngoài cho Việt Nam.

Đại sứ Đoàn Xuân Hưng.
Đại sứ Đoàn Xuân Hưng.

Gần đây có xuất hiện những ý kiến cho rằng đã đến thời điểm chúng ta nên ngừng nhận ODA, không thể xin vay nước ngoài mãi. Cũng có ý kiến cho rằng ở một số nước, ODA giống như tiền của người nghèo ở nước giàu gom góp cho những người giầu của nước nghèo. 

Theo quan điểm của tôi, ý kiến này chưa đúng hoàn toàn. Tất nhiên chúng ta cũng cần phải dần thoát khỏi chuyện đi vay, đi mượn, đi xin để phát triển, mà cần tự tin thúc đẩy nội lực phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Trong bối cảnh hiện nay, đất nước chúng tuy đã có những bước phát triển ngoạn mục, có sự thay đổi to lớn kể từ khi tiến hành công cuộc Đổi mới, đã khá hơn trước rất nhiều nhưng vẫn còn là nước phát triển trung bình ở trình độ thấp, kinh phí còn thiếu. Do đó, ngoại lực vẫn là yếu tố hết sức quan trọng. 

Chúng ta không chủ trương vay mượn càng nhiều càng tốt mà điều cốt lõi chính là phải sử dụng đồng vốn vay sao cho hiệu quả nhất, quan tâm tới việc cải thiện cách thực hiện các dự án sao cho tốt, cho hiệu quả, tránh thất thoát lãng phí. 

Hơn nữa, cộng đồng quốc tế và Nhật Bản nhìn chung cũng đánh giá Việt Nam là một trong những nước sử dụng ODA hiệu quả

Cũng có một số tồn đọng, những lỗ hổng gây ra thất thoát. Tuy nhiên, nó chỉ là một vài hiện tượng riêng lẻ. Tổng thể mà nói, chúng ta đang sử dụng ODA của các nước và của Nhật Bản rất hiệu quả và phía Nhật cũng đánh giá như vậy. Bằng chứng là họ luôn tăng ODA cho chúng ta từng năm.

Vì tin cậy chúng ta, Nhật Bản đã cam kết dành cho chúng ta ODA rất lớn. Mới đây khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sang thăm Nhật Bản (tháng 7/2015), Tokyo đã cam kết cấp cho riêng Việt Nam 300 tỉ yên, khoảng 2,5-3 tỷ USD. Đó là cam kết lớn nhất trong điều kiện Nhật Bản cũng đang rất cần tiền. Nó thể hiện sự tin cậy của phía Nhật Bản dành cho chúng ta.

Để sử dụng hiệu quả hơn nữa các nguồn vốn ODA, hai bên cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế quản lý và giám sát chặt chẽ nhằm tăng cường tính tương tác, giảm thiểu thất thoát và giúp giải ngân tốt hơn. 

Một vấn đề nữa là trong quá trình lựa chọn các dự án để thu hút ODA, nên đặt lợi ích chung của đất nước lên hàng đầu, tránh những yếu tố cục bộ địa phương, tăng yếu tố liên kết vùng. Việc này sẽ góp phần tăng hiệu quả sử dụng nguồn vốn, thúc đẩy quá trình giải ngân từ phía Nhật Bản. 

Nguồn vốn của Nhật Bản tất nhiên không phải là vô hạn... Tuy nhiên, việc Nhật Bản có tiếp tục tăng cường ODA cho Việt Nam hay không phụ thuộc chính chúng ta. Nếu ta có những dự án thuyết phục, có những đề xuất hợp lý, những lộ trình phù hợp, sử dụng thực sự hiệu quả thì câu chuyện tăng ODA vẫn còn có thể.

Về lâu dài, chúng ta phải phấn đấu thành nước không cần đề nghị cung cấp ODA, đủ khả năng hợp tác với các nước trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng lẫn nhau... 

Tập trung đẩy mạnh giáo dục dạy nghề 

Trong quá trình hợp tác kinh tế và thương mại với Nhật Bản, xuất khẩu lao động cũng là một trong những yếu tố rất quan trọng. 

Đại sứ Đoàn Xuân Hưng được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trao kỷ niệm chương vì những đóng góp to lớn của ông cho sự nghiệp lao động - thương binh và xã hội.
Đại sứ Đoàn Xuân Hưng được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trao kỷ niệm chương vì những đóng góp to lớn của ông cho sự nghiệp lao động - thương binh và xã hội. 

Có thể nói dân số Nhật Bản ngày càng gia đi và nhu cầu lao động ở quốc gia này sẽ ngày càng tăng, tăng mạnh trong mọi lĩnh vực từ công nghiệp đến nông nghiệp, y tế…

Trong khi đó, lợi thế của chúng ta là dân số trẻ, lực lượng trong độ tuổi lao động đông, người Việt vốn có tinh thần rất cần cù, sáng tạo… có nhiều nét tương đồng với văn hóa của Nhật Bản. Điều đó giúp các lao động Việt Nam rất dễ hòa nhập vào môi trường sống ở Nhật Bản. 

Hơn nữa, thị trường lao động Nhật Bản còn có nhiều yếu tố hấp dẫn khác như an ninh tốt, điều kiện sinh hoạt tốt phù hợp với nhiều người, thu nhập của lao động Việt Nam tại Nhật cũng ở mức khá, trên dưới 1.000 USD/tháng, không ít những trường hợp trên 2.000 USD/tháng.

Điều này có thể giải thích hiện tượng tại sao trong những năm qua, tu nghiệp sinh từ Việt Nam sang Nhật Bản liên tục tăng.  

Để giữ được thị trường tốt như vậy chúng ta cần phải chú trọng tới việc thúc đẩy quan hệ song phương tốt đẹp, giáo dục cho người lao động tính kỷ luật tốt, tuân thủ pháp luật của nước bạn để nâng cao lòng tin từ phía Nhật Bản, tranh thủ học thêm các kỹ năng.

Đã có những vị cựu lãnh đạo Nhật có lời khuyên rằng hãy đề nghị với chính phủ nước họ hỗ trợ Việt Nam xây dựng hệ thống đào tạo nghề theo mô hình Nhật Bản.

Nếu chúng ta tranh thủ được điều đó thực sự vô cùng đáng quý. Nó giúp chúng ta có thể đào tạo ra đội ngũ công nhân có tay nghề cao, tính kỷ luật cao giống như Nhật Bản. Dù xuất khẩu sang Nhật hay ở lại đất nước thì đội ngũ này cũng phục vụ đắc lực cho sự phát triển của đất nước hoặc nhu cầu lao đông có tay nghề cao ở các dự án hợp tác Việt –Nhật ngày càng tăng mạnh, hoặc khi có yêu cầu từ phía Nhật Bản, họ có thể là nguồn nhân lực hỗ trợ đáng kể cho thị trường lao động ở Nhật Bản.. 

Hiện nay, Nhật Bản còn đánh giá cao tiềm năng nguồn nhân lực từ Việt Nam, về những người lao động, tu nghiệp sinh tại Nhật Bản. Đây là yếu tố rất đáng quan tâm và nên được khai thác tốt.

Tuy nhiên, ta cần hết sức chú ý đến công tác chọn lọc, giáo dục, quản lý lao động sang Nhật làm việc, tránh tối đa những hiện tượng tiêu cực như lao động bỏ trốn, sống bất hợp pháp, hoặc các hiện tượng tiêu cực khác, dù không phải là phổ biến, đó là trộm cắp vặt. Những hiện tượng đó nếu không được chú ý đúng mức, sẽ làm ảnh hưởng rất xấu đến hình ảnh đất nước và con người Việt Nam./.

Đại sứ Đoàn Xuân Hưng