Dân tỉnh lẻ lương 9 triệu không đủ sống ở Sài Gòn

14/09/2012 06:57
Thạch Lam/vnexpress
Lương 9 triệu đồng, tôi đóng các loại bảo hiểm hết gần 1 triệu, thuê nhà 3 triệu, điện nước, xăng dầu 1 triệu đồng. Còn 4 triệu để ăn uống tiêu xài, như vậy làm sao có tiền tích lũy? Làm sao cưới vợ, nuôi con?

“Chúng ta không nên đưa ra mức khởi điểm đánh thuế là 7 triệu hay 9 triệu đồng mà phải dựa vào mức lương cơ bản, từ đó nhân hệ số. Chẳng hạn chúng ta quy định người có thu nhập gấp 9 lần mức lương cơ bản là cao, khi đó phải đóng thuế. Mức lương cơ bản sẽ được điều chỉnh theo từng thời kỳ để phù hợp với điều kiện sống của nhân dân. Như vậy luật đưa ra không bị lạc hậu, giảm chi phí cho mỗi lần họp hành sửa đổi”- bạn đọc Hiền Anh đề xuất

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Bản chất của thuế thu nhập cá nhân là làm giảm khoảng cách giàu nghèo trong xã hội. Đây là một chủ trương đúng đắn và được nhân dân hoàn toàn ủng hộ. Tuy nhiên sau hơn 3 năm triển khai luật này đã tồn tại nhiều bất cập cần phải sửa đổi.

Không nên đưa ra một mức 7 triệu hay 9 triệu một cách cảm tính rồi tự cho đó là đã cao hay còn thấp mà tất cả phải dựa trên những số liệu chính xác và khoa học. Luật phải có tính bền vững, đừng để khi luật vừa ban hành đã lạc hậu.

Trong khi Chính phủ và Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội còn đang tranh cãi về mức thu nhập khởi điểm chịu thuế, thì người dân đa phần ủng hộ đề xuất của Bộ Tài chính, cho rằng mức thu nhập chịu thuế 9 triệu đồng/tháng là phù hợp trong hoàn cảnh hiện nay và thể hiện sự chia sẻ gánh nặng cuộc sống với nhân dân.

Trong khi đó đề xuất thu thuế của những người thu nhập trên 7 triệu đồng/tháng của Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội vấp phải sự phản đối quyết liệt.

Nhiều độc giả cho rằng trong thời buổi hiện nay thì 9 triệu đồng chỉ tạm đủ sống cho một người, đó là chưa kể việc người dân phải liên tục đối phó với sự mất giá của đồng tiền, giá cả leo thang trong thời buổi hiện nay.

Độc giả Bình cho rằng lương 9 triệu, nếu là dân tỉnh lên thành phố sẽ bị đói. Anh dẫn chứng: "Tôi là dân tỉnh, sống và làm việc tại TP HCM, lương 9 triệu đồng. Đóng các loại bảo hiểm hết 1 triệu đồng, thuê nhà 3 triệu, điện nước, xăng dầu 1 triệu. Còn 4 triệu để ăn uống tiêu xài, như vậy làm sao có tiền tích lũy?".

"Không lẽ thuê nhà suốt đời, đó là tôi còn độc thân, nếu có vợ con mà vợ không kiếm được nhiều tiền chắc con cái thất học hết. Vậy mà nói tôi thu nhập cao nên phải đóng thuế sao thấy vô lý quá. Nên chăng đổi lại thành Thuế cho người thu nhập trung bình?".

Nhiều người cho rằng thu nhập 9 triệu vẫn còn chật vật ở thành phố. Ảnh minh họa: Internet
Nhiều người cho rằng thu nhập 9 triệu vẫn còn chật vật ở thành phố. Ảnh minh họa: Internet

Độc giả Nguyễn Đức Toàn bức xúc: “Hiện nay mức thuế và phí của Việt Nam đang ở mức “khủng” so với các nước trong khu vực, vì vậy việc Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội sợ thu không đủ chi là việc rất vô lý. Tại sao thay vì tăng thuế chúng ta không tìm cách để giảm chi tiêu công bằng cách cắt giảm các dự án chưa hiệu quả, cắt giảm người thừa ngồi không hưởng lương”.

Bạn đọc tên Long cho rằng cách định nghĩa thuế thu nhập của chúng ta đang bị nhìn nhận sai. Thuế thu nhập doanh nghiệp được tính trên lợi nhuận thuần (Doanh thu - Chi phí) vậy tại sao Thuế thu nhập cá nhân lại tính vào tổng mức thu nhập của cá nhân (tương tự mức doanh thu của doanh nghiệp). Việc này mâu thuẫn quá. "Trước đây có thuế doanh thu của doanh nghiệp nhưng đã loại bỏ rồi. Cần làm rõ thuế thu nhập là gì?" - bạn đọc này đặt câu hỏi.

Rất nhiều độc giả cũng đóng góp xây dựng dự thảo luật thuế thu nhập cá nhân, giúp sửa đổi những bất cập đang tồn tại.

Bạn đọc Tạ Cao Cường thì đề xuất: đánh giá mức thu nhập phải chịu thuế dựa vào thu nhập bình quân đầu người theo từng khu vực. Các khu vực khác nhau có khởi điểm đóng thuế khác nhau. Mỗi vùng có tỷ lệ đóng thuế thu nhập khác nhau, có như vậy mới đảm bảo cuộc sống công bằng cho tất cả mọi người”.

Bạn đọc Lương Đình Nghĩa lại lo lắng: “Vấn đề cần xem xét là cơ chế kê khai thu nhập của người dân, vì có những người lương chỉ có vài triệu nhưng thực chất thu nhập ngoài lương cao hơn rất nhiều nhưng họ không kê khai thì làm sao đánh giá được mà thu thuế chính xác. Sau khi đã đánh giá được kê khai chính xác thì mới đưa ra mức chịu Thuế thu nhập cá nhân. Chứ đừng đưa ra dựa trên cảm tính, thấy thế này là đủ thế kia là vừa, là Ủy ban Tài chính thì cần phải làm việc với những số liệu cụ thể và số liệu đó thực sự có giá trị với vấn đề đó.”

Cùng chung quan điểm này độc giả Văn Hải phát biểu: “Thuế thu nhập cá nhân của chúng ta hiện nay thực ra chỉ mới nắm được kẻ có tóc, còn những người "giấu tóc hoặc cạo đi" thì bó tay”.

Thạch Lam/vnexpress