Đánh giá chuyên sâu về chiến lược phát triển UAV của Trung Quốc

27/02/2012 15:40
Đông Bình (Theo Tân Hoa xã)
(GDVN) - Thông qua nhiều hình thức kết hợp quân - dân, Trung Quốc tích cực thúc đẩy hiện đại hóa quốc phòng, trong đó có phát triển UAV quân sự.
Máy bay không người lái Dực Long Trung Quốc giống với máy bay không người lái Predator của Mỹ.
Máy bay không người lái Dực Long Trung Quốc giống với máy bay không người lái Predator của Mỹ.

Ngày 21/2/2012, Quỹ Jamestown Mỹ đã có một bản “Báo cáo vắn tắt Trung Quốc”, trong đó có nội dung chuyên bàn về ý nghĩa của máy bay không người lái (hay UAV, do doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc sản xuất) đối với lực lượng cơ động không người lái của Quân đội Trung Quốc (PLA).

Báo cáo cho rằng, mặc dù những năm gần đây, sự phát triển máy bay không người lái của PLA rất được quan tâm, nhưng họ rất có thể chỉ triển khai một lượng nhỏ UAV, hơn nữa trên 1/2 là lạc hậu, lỗi thời, vì vậy sức chiến đấu của UAV hiện vẫn rất hạn chế.

Nhưng xét thấy, ngành UAV dân dụng của Trung Quốc có sự phát triển nhanh chóng, chắc chắn nó sẽ hỗ trợ cho sự phát triển sức mạnh UAV của PLA.

Báo cáo của Quỹ Jamestown cho biết, nhà chế tạo hàng không lớn nhất Trung Quốc – Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc gần đây tuyên bố, sau khi tăng trưởng phá kỷ lục 18,8% năm 2011, hiện nay công ty đang tăng đầu tư vào máy bay trực thăng không người lái.

Loại máy bay trực thăng này có thể đảm đương rất nhiều vai trò trong các nhiệm vụ dân sự và nhiệm vụ quân sự, cảnh sát quan trọng hơn, nó đại diện cho xu thế phát triển rộng rãi hơn.

Kho vũ khí của PLA đã sở hữu một số máy bay không người lái, nhưng những thông tin về khả năng của UAV Trung Quốc vẫn rất ít.

Tuy nhiên, thông qua tiếp tục xem xét việc sử dụng UAV dân dụng, có thể hiểu được một số thông tin quan trọng về biên đội UAV tương lai của Trung Quốc.

Trung Quốc nói thẳng là có ý định dùng tính sáng tạo độc đáo của dân dụng để thúc đẩy hiện đại hóa quốc phòng, hơn nữa trên thị trường UAV, các nhà sản xuất quốc phòng và tổ chức học thuật chuyên nghiệp Trung Quốc đều là nguồn lực quan trọng cho sáng tạo UAV, Quân đội Trung Quốc là người được lợi cuối cùng.

V750 - Máy bay trực thăng không người lái lớn nhất Trung Quốc.
V750 - Máy bay trực thăng không người lái lớn nhất Trung Quốc.

Thị trường hóa ngành máy bay không người lái

Báo cáo của Quỹ Jamestown cho biết, chỉ riêng năm 2010, 52 kiểu máy bay không người lái do 70 viện nghiên cứu quân sự thiết kế đã bước vào thị trường.

Năng lực này có nguồn gốc từ việc thị trường hóa công nghiệp quốc phòng, Chính phủ Trung Quốc thông qua hành động này tận dụng tốt hơn tri thức dân dụng để hiện đại hóa quốc phòng.

Năm 2005, Trung Quốc đã áp dụng chế độ cho phép khu vực tư nhân cạnh tranh tham gia vào các chương trình nghiên cứu và phát triển vũ khí và công trình quốc phòng, nhưng nhà nước vẫn tiến hành kiểm soát cuối cùng đối với toàn bộ chương trình.

Chỉ sau vài năm, sáng kiến này hầu như đã giành được thành công rất lớn.

Sách trắng Quốc phòng năm 2011 của Trung Quốc cho biết, doanh nghiệp tư nhân hiện chiếm khoảng 2/3 doanh nghiệp nghiên cứu – sản xuất vũ khí và các hàng hóa quốc phòng khác.

Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết: “Trung Quốc đang ở giai đoạn đầu xây dựng hệ thống mới khoa học, công nghệ và công nghiệp có liên quan đến quốc phòng, trong đó phần lớn khả năng quân sự tiềm tàng đến từ khu vực tư nhân”.

Máy bay do thám không người lái ASN-209 của Trung Quốc.
Máy bay do thám không người lái ASN-209 của Trung Quốc.

Chính phủ hầu như vẫn đang toàn lực thúc đẩy mối quan hệ hợp tác công nghiệp quân-dân này.

Cây cầu thực sự kết nối giữa doanh nghiệp quốc phòng nhà nước và tư nhân là những doanh nghiệp hợp thành nền tảng ngành công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc, trong đó rất nhiều vẫn đang chịu kiểm soát nhất định của nhà nước.

Nhiều năm qua, những doanh nghiệp này đã thiết kế và chế tạo máy bay chiến đấu và các hàng hóa quân dụng khác cho PLA, trong đó đa số doanh nghiệp hiện đã bắt đầu tiến quân vào thị trường máy bay không người lái.

Họ sản xuất rất nhiều UAV, tuy bề ngoài là dân dụng, nhưng được ứng dụng quân sự rất rõ rệt.

UAV dân dụng trên thị trường và mối quan hệ với PLA

Báo cáo Quỹ Jamestown cho biết, tại một cuộc triển lãm trang bị cảnh sát và chống khủng bố do Trung Quốc tổ chức vào tháng 5/2011, UAV được xem là phương thức hiện đại hỗ trợ cho lực lượng cảnh sát.

Trong đó, UAV Dực Long là loại máy bay không người lái đang được lực lượng an ninh Trung Quốc xem xét, loại máy bay này có thể tiến hành theo dõi, do thám và tấn công mặt đất, hơn nữa có thể bay 20 giờ trên độ cao 5.000 m.

Người phát ngôn Cục Công an – thành phố Bắc Kinh đánh giá, loại UAV này rất hữu dụng trong việc xác định kẻ tình nghi vào ban đêm, bởi vì nó có thể tiến hành kiểm tra trong đêm.

Được biết, một loại UAV khác trong triển lãm tương đồng với loại máy bay của Lục quân Mỹ, hiện nay chính quyền Bắc Kinh đang xem xét mua.

Máy bay không người lái FLII của Trung Quốc.
Máy bay không người lái FLII của Trung Quốc.

Quỹ Jamestown Mỹ cho rằng, Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc là một doanh nghiệp nhà nước, cũng là nhà sản xuất máy bay không người lái Dực Long.

Tập đoàn này hiện đang tham gia công tác nghiên cứu, phát triển và chế tạo với quy mô lớn của Không quân Trung Quốc.

Ví dụ, Công ty Công nghiệp Máy bay Thành Đô - một công ty con của Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc đã dẫn đầu trong công tác thiết kế và sản xuất máy bay chiến đấu đa năng J-10, máy bay chiến đấu JF-17, hiện đang phụ trách nghiên cứu phát triển J-20.

V750 được cải tạo từ máy bay trực thăng có người lái, phạm vi bay tối đa là 500 km, có thể tuần tra trong 4 tiếng đồng hồ, hơn nữa có thể thực hiện các nhiệm vụ chụp ảnh, quay phim, do thám và theo dõi.

Loại UAV này có thể tiến hành điều khiển tự động nhờ lập trình sẵn, cũng có thể điều khiển bằng tay, hơn nữa có thể tiến hành chuyển đổi hai nhiệm vụ giữa chừng.

So với UAV cánh cố định, những UAV trực thăng này có thể đứng im ở một điểm nào đó trên không, có thể tiến hành đeo bám và phân tích ổn định hơn đối với các mục tiêu mặt đất, thậm chí có thể tiến hành gây nhiễu thiết bị của đối phương.

Chỉ sau 4 tháng khi lần đầu tiên thử nghiệm V750, PLA đã tiết lộ một khái niệm rất giống trong máy bay trực thăng quân sự Z-5, đã gây sự chú ý của dư luận về mối quan hệ quân-dân.

Máy bay không người lái ASN-206 Trung Quốc.
Máy bay không người lái ASN-206 Trung Quốc.

Sự kiện khiến cho ranh giới giữa công nghệ UAV dân dụng và quân dụng càng mơ hồ là, Công nghiệp Hàng không Trung Quốc đã nghiên cứu phát triển máy bay trực thăng do thám không người lái U8E, nghe nói có thể phát huy vai trò dân sự và quân sự quan trọng, có thể dùng cho thực hiện một loạt nhiệm vụ như chống cháy rừng, tác chiến điện tử và định vị mục tiêu mặt đất.

Quỹ Jamestown cho biết, trong triển lãm hàng không Chu Hải năm 2010, hệ thống SL-200, do Tập đoàn Khoa học công nghệ Hàng không Trung Quốc chế tạo, đã được trưng bày. Đây là loại UAV bay trên không, dùng cho nông nghiệp, như làm mưa nhân tạo và phun thuốc trừ sâu.

Điều đặc biệt của loại máy bay này ở chỗ, nó được thiết kế tàng hình, có thể mang theo rất nhiều vật nặng. Điều này gợi mở đối với một số công dụng của nó.

Đơn vị thiết kế loại máy bay này là Tập đoàn Khoa học công nghệ Hàng không Trung Quốc – doanh nghiệp dẫn đầu chương trình vũ trụ của Trung Quốc, hơn nữa còn là công ty mẹ của rất nhiều công ty sản xuất thiết bị phóng và tên lửa.

Một doanh nghiệp UAV cỡ lớn khác của Trung Quốc - Tập đoàn Công nghệ Ái Sinh cho biết, họ sở hữu 90% thị phần UAV, họ cũng kết hợp giữa công nghiệp UAV dân dụng và quân dụng.

Chẳng hạn, trang mạng công ty này cho biết, UAV do họ sản xuất có thể dùng cho các nhiệm vụ dân sự như theo dõi khí tượng, nghiên cứu và cứu hộ, cũng có thể tiến hành “kiểm tra đường ống dẫn dầu”.

Máy bay không người lái ASN-211 - loại UAV vỗ cánh.
Máy bay không người lái ASN-211 - loại UAV vỗ cánh.

Tập đoàn Công nghệ Ái Sinh cũng đã sản xuất UAV hạng nhẹ ASN-211, một loại máy bay vỗ cánh, có thể bắt chước loài chim, hơn nữa có thể mang theo máy quay phim cỡ nhỏ - bản thân UAV còn chưa nặng tới nửa pound (cân).

Căn cứ vào công nghệ tương tự, Công ty Ái Sinh đã nghiên cứu phát triển một loại UAV do thám và tấn công chính xác, có thể “phát hiện và lập tức tiêu diệt mục tiêu nhạy cảm”.

Tuy thị trường của Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc chủ yếu nghiêng về dân dụng, nhưng trang mạng của họ cho biết, khách hàng đầu cuối chủ yếu của sản phẩm công ty là “binh sĩ Trung Quốc”.

Thị trường UAV Trung Quốc đang phát triển. Trên thực tế, các doanh nghiệp Trung Quốc đang chuẩn bị bước vào thị trường UAV quốc tế có quy mô lớn hơn. Sự thay đổi này sẽ buộc công nghiệp Trung Quốc phải có tính sáng tạo và tính cạnh tranh hơn, nhằm cải thiện các sản phẩm mà PLA có thể có được.

Mặc dù thông tin công khai về việc Trung Quốc xuất khẩu UAV tiên tiến rất ít, nhưng có một số bằng chứng cho biết, họ đang hoặc chuẩn bị làm như vậy trong tương lai gần.

Quỹ Jamestown cho biết, trong thời gian triển lãm hàng không Chu Hải 2010, một đại diện của Tập đoàn Công nghệ Ái Sinh được phóng viên phương Tây dẫn lời cho biết:

“Tôi không thể cho bạn biết chúng tôi xuất khẩu ra nước ngoài những UAV nào, đây là cơ mật của công ty. Đương nhiên, chúng tôi rất quan tâm đến xuất khẩu chúng… Đây chính là nguyên nhân chúng tôi đem ra triển lãm chúng ở đây”.

Mô hình máy bay không người lái chiến lược tại Triển lãm Hàng không Chu Hải Trung Quốc.
Mô hình máy bay không người lái chiến lược tại Triển lãm Hàng không Chu Hải Trung Quốc.

Trong 2 năm trước, Tổng Công ty Xuất nhập khẩu Công nghệ Hàng không Trung Quốc từng mang theo UAV của Trung Quốc tới tham gia các cuộc triển lãm tại các nước như UAE, Singapore, Pháp, tỷ lệ xuất hiện của UAV Trung Quốc trên sân khấu quốc tế có thể thấy rõ.

Do UAV thuộc hàng hóa quản lý của “Điều lệ quản lý xuất khẩu tên lửa và công nghệ có liên quan”, cho nên xuất khẩu UAV cần được sự cho phép của Bắc Kinh, điều này cũng tăng cường tính chất liên quan của Chính phủ.

Sự phát triển UAV và mối quan hệ với giới học thuật

Quỹ Jamestown Mỹ cho biết, cùng với việc dùng nền tảng công nghiệp thúc đẩy sự phát triển của ngành chế tạo và cơ chế liên doanh giữa nhà nước và tư nhân trong nước, Chính phủ Trung Quốc còn luôn dựa vào các tổ chức học thuật để thúc đẩy hiện đại quốc phòng.

Hiện nay, họ đang tích cực tìm kiếm sự hợp tác với các trường đại học của Trung Quốc, thúc đẩy phát triển ứng dụng và công nghệ tiềm năng UAV.

Trong rất nhiều trường hợp, nghiên cứu ứng dụng quân sự UAV đều được công khai.

Máy bay không người lái tập trận cùng với tàu chiến của Trung Quốc được Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản chụp được.
Máy bay không người lái tập trận cùng với tàu chiến của Trung Quốc được Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản chụp được.

Quỹ Jamestown cho rằng, Chính phủ Trung Quốc chủ yếu thông qua 2 cơ chế tài chính để thúc đẩy nghiên cứu UAV, lần lượt là Chương trình nghiên cứu phát triển công nghệ cao quốc gia (Chương trình 863) và Ủy ban Quỹ Khoa học Tự nhiên Quốc gia Trung Quốc (NSFC).

Theo giới thiệu của Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc (MOST), Chương trình 863 là chương trình tài trợ không hoàn lại của Chính phủ Trung Quốc do Bộ Khoa học và Công nghệ đứng đầu, mục đích là thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp công nghệ cao – bao gồm lĩnh vực khoa học công nghệ hỗ trợ cho an ninh quốc gia.

Từ năm 1986 đến nay, nội dung của chương trình này không ngừng đổi mới theo kế hoạch 5 năm của Chính phủ, đồng thời vẫn là nguồn vốn quan trọng của các nhà nghiên cứu Trung Quốc, là công cụ quan trọng kết nối Chính phủ và giới học thuật.

Ủy ban Quỹ Khoa học tự nhiên Quốc gia Trung Quốc cũng tương tự như Chương trình 863, nhưng ủy ban này là tổ chức trực thuộc Quốc vụ viện, do Quốc vụ viện quản lý, kiểm soát. Ngân sách của Ủy ban chủ yếu được cấp phát từ tài chính nhà nước, tập trung cho nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ.

Máy bay không người lái Lam Ưng.
Máy bay không người lái Lam Ưng.

Theo Quỹ Jamestown, Ủy ban Quỹ Khoa học tự nhiên Quốc gia Trung Quốc cho biết, họ và Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc từng xác định hạng mục ưu tiên nghiên cứu và tài trợ. Xem ra, UAV chính là một trong những hạng mục ưu tiên.

Ví dụ, thông qua phân tích luận văn học thuật, Ủy ban Quỹ Khoa học tự nhiên Quốc gia Trung Quốc trao quyền cho Học viện Khoa học và Công trình Tự động hóa – Đại học Khoa học Kỹ thuật Hoa Nam triển khai nghiên cứu vấn đề làm thế nào kiểm soát máy bay trực thăng không người lái trong môi trường bay phức tạp, cơ động lẩn trốn và bay tốc độ nhanh; đồng thời còn trao quyền cho các nhà nghiên cứu của Đại học Bắc Kinh nghiên cứu phát triển hệ thống cảm biến từ xa và công nghệ bầy ong đa năng của UAV.

Chương trình 863 cung cấp tài trợ cho một loạt dự án cảm biến từ xa của Viện Quang học – Viện Khoa học Trung Quốc.

Về vấn đề này, Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc từng cho biết, dưới sự hỗ trợ của Chương trình 863 quốc gia, trong các lĩnh vực như cảm biến từ xa trên không cỡ nhỏ, nhẹ, độ chính xác cao; cảm biến từ xa của UAV; cảm biến từ xa SAR hàng không hiệu suất cao…,

đã tự nghiên cứu phát triển được các thiết bị cảm ứng hàng không cảm biến từ xa như tia sáng nhìn thấy, hồng ngoại, laser, radar khẩu độ tích hợp.

Máy bay tàng hình không người lái WZ-2000.
Máy bay tàng hình không người lái WZ-2000.

Đồng thời, còn giúp cho Trung Quốc đột phá được các công nghệ then chốt như vận chuyển đồng thời nhiều vật nặng trên UAV… định vị dẫn đường chính xác, đo và điều khiển từ xa và liên kết truyền dữ liệu thời gian thực.

Báo cáo Quỹ Jamestown cho biết, Đại học Hàng không vũ trụ Nam Kinh với các đơn vị trực thuộc là Viện nghiên cứu UAV và Học viện Tự động hóa chính là một trong những ví dụ thực tế tốt phát huy vai trò của những cơ chế tài chính này.

Trang mạng của Đại học Hàng không vũ trụ Nam Kinh cho biết, Chương trình 863, Quỹ Khoa học tự nhiên Quốc gia và Chương trình 973 mỗi năm cấp 10 triệu nhân dân tệ (1,6 triệu USD) vốn nghiên cứu khoa học cho trường đại học này.

Với sự hỗ trợ của những nguồn vốn này, các nhà nghiên cứu Đại học Hàng không vũ trụ Nam Kinh đã công bố những luận án nghiên cứu trong rất nhiều vấn đề liên quan đến nghiên cứu UAV.

Đại học Hàng không vũ trụ Nam Kinh có lịch sử cải cách quân sự lâu dài, đã thiết kế thành công các máy bay không người lái như CH-1 (Cầu Vồng-1, loại máy bay đã phục vụ vài chục năm cho Không quân Trung Quốc), đã đóng vai trò quan trọng để các chương trình quốc phòng giành được sự “đột phá chưa từng có”.

Máy bay không người lái CH-1
Máy bay không người lái CH-1

Mối quan hệ giữa thương mại-giới học thuật-chính phủ

Báo cáo của Mỹ cho rằng, công nghiệp quốc phòng và giới học thuật hoàn toàn không độc lập vận hành, mà thường chung sức hợp tác trong các chương trình quân sự.

Chẳng hạn, Đại học Hàng không vũ trụ Nam Kinh đã giành được phần thưởng của Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc, do họ đã có đóng góp về nghiên cứu khoa học cho công ty này, trong khi đó chia sẻ những nghiên cứu khoa học này có thể sẽ giúp cho sự ra đời những vũ khí mới cho PLA.

Mối quan hệ giữa công nghiệp, giới học thuật và Quân đội là hoàn thiện, chính thị trường UAV cũng đã phản ánh một xu hướng tương tự. Sự xuất hiện cuộc cạnh tranh chế tạo UAV chính là một trong những ví dụ tốt nhất hỗ trợ lẫn nhau của những thực thể này.

Máy bay không người lái U-8E
Máy bay không người lái U-8E

Báo cáo Mỹ cho biết, tháng 9/2011, Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc đã tổ chức cuộc thi sáng tạo UAV quốc tế, đây là một nỗ lực nhằm tận dụng sức sáng tạo và trí tuệ của tư nhân.

Cuộc thi này đã thu hút rất nhiều sinh viên của các học viện và nhà trường Trung Quốc, chủ đề của cuộc thi là sử dụng UAV trên tàu sân bay như thế nào.

Những người tham gia đã thiết kế và chế tạo các UAV có thể tự động cất cánh, tuần tra và hạ cánh trên đường băng tàu sân bay được mô phỏng cỡ lớn.

Theo Hiệp hội Nghiên cứu Hàng không Trung Quốc, người chiến thắng cuộc thi thuộc các trường như Đại học Công nghiệp Tây Bắc, Đại học Hàng không vũ trụ Nam Kinh và Đại học Công nghệ Bắc Kinh.

Máy bay không người lái cỡ nhỏ ASN-105 tham gia duyệt binh.
Máy bay không người lái cỡ nhỏ ASN-105 tham gia duyệt binh.
Máy bay không người lái hạng trung BZK-006.
Máy bay không người lái hạng trung BZK-006.
Máy bay không người lái Z-5 tại Triển lãm Hàng không Bắc Kinh tháng 10/2011.
Máy bay không người lái Z-5 tại Triển lãm Hàng không Bắc Kinh tháng 10/2011.
Ý tưởng máy bay chiến đấu không người lái của Trung Quốc.
Ý tưởng máy bay chiến đấu không người lái của Trung Quốc.
Đông Bình (Theo Tân Hoa xã)