"Để giảm ùn tắc thì đề xuất thu phí không giải quyết được vấn đề"

06/04/2012 12:31
Hải Phong (Tổng hợp)
(GDVN) - "Để giảm ùn tắc thì thu phí không giải quyết được vấn đề", DN vận tải bị dồn đến chân tường... là những tin bài nóng về vấn đề thu phí giao thông.
Nguyên ĐBQH Lê Văn Cuông: Để giảm ùn tắc thì thu phí không giải quyết được vấn đề

Nguyên Đại biểu Quốc hội Lê Văn Cuông trao đổi trên VnMedia: “Nếu như hạ tầng và phương tiện giao thông công cộng mà tốt thì người dân cũng không dại gì đi phương tiện cá nhân vừa không đảm bảo an toàn, tốn kém mà còn nguy hiểm”.

Ông Lê Văn Cuông, đại biểu Quốc hội khóa XII.
Ông Lê Văn Cuông, đại biểu Quốc hội khóa XII.

Ở các nước, phương tiện công cộng phát triển thì nhiều người có điều kiện có ô tô nhưng họ vẫn không đi trừ trường hợp người ta đi những chỗ không có phương tiện công cộng. Còn ở nước ta, do điều kiện phương tiện công cộng chưa phát triển nên người dân để chủ động sản xuất và sinh hoạt, người ta phải mua phương tiện để đi lại cho nên vấn đề là muốn giảm ùn tắc giao thông thì việc quan trọng nhất là hạ tầng phải được mở rộng, nâng cấp. 
Đường sá phải được mở rộng hơn, thêm tàu điện ngầm, tàu điện trên cao, đường trên cao, xe buýt… rồi di chuyển một số cơ sở bệnh viện, trường học, doanh nghiệp ra khỏi nội đô hoặc không cho làm nhà cao tầng, chung cư ở các tuyến phố nhỏ nữa… Đó là những giải pháp mà tôi nghĩ là nó có ý nghĩa quyết định đột phá còn các biện pháp đổi giờ học, thu phí nặng để giảm lượng ô tô thì không giải quyết được vấn đề. Có thể có tác động nhưng không đáng kể. Như thế, chủ trương không đi vào cuộc sống và chỉ làm giảm uy tín và hiệu lực của công việc quản lý nhà nước.
Thu phí bảo trì đường bộ: 
Doanh nghiệp vận tải bị dồn đến chân tường

Ngày 5/4, Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM gửi văn bản đến Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành đề nghị xem xét lại việc thu phí bảo trì đường bộ.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, luật sư Thái Văn Chung - Tổng thư ký Hiệp hội - cho rằng nếu áp dụng mức phí như đề xuất của Bộ GTVT là đẩy doanh nghiệp vào chân tường.

Luật sư Chung đánh giá nếu áp dụng mức phí đường bộ như đề xuất của Bộ GTVT thì các doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Chẳng hạn, trên một tuyến vận tải từ cảng Cát Lái (Q.2, TP.HCM) đi Cần Thơ, doanh nghiệp vận tải đang phải chịu chi phí cho cầu đường bộ lên đến 19%/tổng giá cước cho một chuyến hàng. Cùng với các chi phí khác như lãi suất vay ngân hàng, dầu, vỏ lốp... quá cao thì gần như nhiều doanh nghiệp vận tải đang kinh doanh không có lợi nhuận.

Ông Thái Văn Chung - Tổng thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM. Ảnh: Minh Đức
Ông Thái Văn Chung - Tổng thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM. Ảnh: Minh Đức

Việc Nhà nước áp dụng phương thức thu phí trên đầu xe theo kỳ đăng kiểm (hoặc là 3 tháng, 6 tháng, 1 năm hoặc 2 năm... tùy theo đời xe cũ hay mới) thì chẳng khác nào dồn doanh nghiệp vào chân tường. Nghĩa là phải đi vay và trả lãi hai lần cho phương tiện hoạt động. Nếu doanh nghiệp chỉ cần có 10 xe đầu kéo với thời hạn đăng kiểm là 1 năm/lần thì phải đóng một lúc cho Nhà nước số tiền khoảng 19,56 triệu đồng/năm cho quỹ bảo trì đường bộ, chưa kể phí của xơmi rơmooc.

Nên chăng Nhà nước áp dụng cách thu phí hằng tháng đối với từng loại phương tiện. Tháng nào phương tiện không hoạt động, không tham gia giao thông đường bộ thì không phải nộp phí bảo trì đường cho Nhà nước.
Thị trường ôtô bắt đầu “nóng”
Nguồn tin trên báo Lao động cho hay, thị trường ôtô vốn ảm đạm đã rục rịch khởi động sau tuyên bố chưa thu phí phương tiện cá nhân trong năm nay của Bộ GTVT. Nhiều khách hàng có nhu cầu đã lên phương án mua xe.
Hôm 5/4, anh Nguyễn Mạnh Trường - Trưởng phòng Kinh doanh của Auto Club số 1111 đường Giải Phóng (Hà Nội) cho biết: “Trước đây thị trường mua bán rất ảm đạm, người bán nhiều và người mua rất ít, cho dù nhu cầu sử dụng rất cao. 
Mấy ngày nay, sau khi có công bố của lãnh đạo Bộ GTVT về việc chưa thu phí hạn chế phương tiện cá nhân và phí ôtô giờ cao điểm, thị trường ôtô đang chuyển mình, khách hàng đến nhiều hơn và chúng tôi đã bán được một vài xe. Tuy nhiên, nhiều người vẫn còn e dè vì đây mới là chưa xác định thời điểm thu phí, do vậy khi thu thì mức như thế nào, có hợp lý hay không nên nhiều người vẫn có tâm lý phải chờ cho mọi sự rõ ràng”.

Ảnh minh họa: VnMedia
Ảnh minh họa: VnMedia

Đại diện Cty cổ phần Ford Thăng Long - ông Nguyễn Ngọc Anh cho biết, 3 tháng đầu năm 2012, số lượng bán ra của Cty này giảm 70% so với cùng kỳ năm 2011. Theo ông Ngọc Anh thì việc giảm sút trên do nhiều nguyên nhân, việc chưa thu 2 mức phí trên chỉ là một trong những yếu tố nhỏ vì đây chỉ là yếu tố giải tỏa tâm lý, bởi việc tăng 20% thuế trước bạ và 20 triệu tiền biển cao nhất thì đã tăng. Quan trọng nhất là còn một số bất cập ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường ôtô là do thị trường chứng khoán giảm và bất động sản đóng băng, lãi suất ngân hàng tuy đã giảm nhưng vẫn còn cao chưa đáp ứng được nhu cầu vay của khách.
Thu phí giao thông: Vấn đề liên quan đến lợi ích của người dân

Báo Sài Gòn Tiếp Thị đăng tải ý kiến của luật sư Nguyễn Tiếp Lập xung quanh câu chuyện thu phí giao thông. Ông Luật nhận định, việc báo chí lên tiếng vừa qua, phản biện một đề xuất chính sách của Bộ Giao thông có lẽ phải được coi là một cơ hội tốt để Bộ trưởng Bộ GTVT có thêm thông tin và căn cứ nhằm xem xét lại các quyết định của mình. Về khách quan, Bộ GTVT, với các chuyên gia nhiều kinh nghiệm nghề nghiệp, có thể đúng về khoa học, nhưng vấn đề ở chỗ lợi ích của người dân. Lợi ích ấy phải và chỉ có thể do chính người dân hiểu và tự xác định. Một quyết sách liên quan đến số đông người dân, mà không nhất thiết phải đa số, về bản chất là một quyết định chính trị, và do đó, vấn đề lợi ích sẽ được đặt lên trên các luận cứ khoa học.

Rất tiếc rằng, không như ở nhiều nước, chúng ta chưa có cơ chế thăm dò dư luận, để có được các cơ sở chính xác hơn cho việc đánh giá đúng, sai, phù hợp hay không phù hợp. Bởi thế, báo chí trở thành một diễn đàn duy nhất nhưng vô cùng quý giá để đo đạc lòng dân.
Hải Phong (Tổng hợp)