Xe buýt, có đi mới biết:

Đi “câu” kẻ cắp trên xe buýt, bị mất... ví?

29/10/2011 15:10
Theo PLXH
Nói chuyện bị móc túi trên xe buýt cả ngày cũng chả hết. Có một điểm chung là bất kỳ ai đi xe buýt cũng đều rất cẩn thận, ấy vậy mà vẫn bị mất...
Sự thực tụi "hai ngón" này liệu có "tài" thật vậy không?

Thấy tôi đóng quần bò, ví "găm" nghễu nghện ở túi sau, anh bạn đồng nghiệp đã lắc đầu: Ông nên nhớ là chúng ta đi xe buýt, ví ông để thế kia khác gì làm "mồi" cho tụi "hai ngón". Tôi cười: Việc của ông là… trông ví cho tôi, còn tôi chịu trách nhiệm tác nghiệp.
 
Từ cơ quan ở 1B, Trần Phú, Hà Đông chúng tôi lên xe biển số 30T- 5213 của Xí nghiệp xe Điện Hà Nội đi Gia Lâm, xe rộng, người thưa nên còn chỗ, ngồi bên cạnh tôi là em Phùng Ánh Nguyệt, sinh viên trường Đại học Công nghệ Thông tin.

Nguyệt "khoái" đi xe buýt vì rẻ, không bị bụi, mưa nắng nhưng "ghét" vì xe thường xuyên chậm giờ, bỏ điểm đỗ và sợ vô cùng nạn móc túi. Nguyệt bảo năm ngoái em bị móc mất chiếc điện thoại, nên bây giờ cũng "đầy kinh nghiệm" đối phó với bọn móc túi.

Xe buýt quá tải là cơ hội cho "hai ngón" hành nghề.
Xe buýt quá tải là cơ hội cho "hai ngón" hành nghề.

Kinh nghiệm mà Nguyệt nói là lên xe buýt, điện thoại cầm tay, vé tháng treo trước ngực, túi đeo hướng về phía truớc. Rồi Nguyệt chỉ cho tôi những người đi xe buýt "chuyên nghiệp", ai cũng khư khư chiếc điện thoại ở tay đúng như Nguyệt nói.

Nguyệt kể, có cô bạn thân bị móc mất điện thoại đến 3 lần, sau mỗi lần mất đều "rút kinh nghiệm" nhưng rồi vẫn lại mất.

Thấy tôi có vẻ "nghênh ngang" Nguyệt dặn dò: Điện thoại anh để trong túi quần bò phía trước còn bị móc mất huống chi anh đeo bao bên người. Ví lại để túi sau thế kia thì mất là cái chắc. Anh lên xe buýt là "bình đẳng" như sinh viên, họ không biết anh là ai nên móc như thường, kể cả trông anh rất "ngầu".

Nghe lời Nguyệt, chúng tôi đến Giáp Bát, bắt xe biển số 29- 8097 của Xí nghiệp xe Điện Hà Nội đi Nhổn. Đến cổng trường Đại học Giao thông Vận tải thì nhảy xuống, chưa phải giờ cao điểm nên có lẽ tụi móc túi vẫn lang thang đâu đâu. Tạt vào quán nước bên đường, làm "bi" thuốc lào và "buôn chuyện" với chị chủ quán.

Anh bạn đồng nghiệp nhanh nhẩu than thở với chị chủ quán là đang đi tìm hộ "em bé" sinh viên nho nhỏ xinh xinh hôm trước bị móc mất ví có CMT, giấy phép lái xe và thẻ ngân hàng. Đôi mắt một mí của chị chủ quán quét rất nhanh trên gương mặt vô cùng cầu thị của chúng tôi.

Và dường như cảm thấy an toàn chị nói: Mấy hôm trước báo chí làm ầm lên chuyện mấy quán nước cho người bị móc mất ví chuộc giấy tờ rồi nghi vấn chúng tôi là tay chân của tụi móc túi. Nói thật là chúng nó sau khi "ăn" được "hàng" thường vào quán nước "kiểm tra" chiến lợi phẩm rồi ném lại giấy tờ ở quán. Chúng nó làm vậy còn "đạo đức" lắm, vì nhiều người còn có cơ hội tìm lại được giấy tờ. Chúng tôi nhặt lấy, có ai đến xin thì cũng cho họ xin lại, kiếm chút tiền thêm thắt thôi.

Sau khi kiểm tra tên cô em sinh viên bị mất ví mà anh bạn đưa ra, chị chủ quán nói không có và hứa sẽ "nối mạng" tìm giúp. Khi hỏi mấy hôm nay tụi nó còn hoạt động không, chị chủ quán tỏ ra rất am hiểu: Chúng nó 10 thằng thì 6, 7 đứa bị "ết", chết còn chả sợ huống chi sợ bị bắt. Những đứa không bị "ết" cũng chả sợ bị bắt vì đen lắm bị tóm thì cũng chỉ xử phạt hành chính vì tài sản chúng móc không nhiều, chưa vào "khung" khởi tố. Chúng vẫn lảng vảng đâu đây, đói thuốc lại hành nghề thôi.

Chọn đúng thời điểm đông người nhất, chúng tôi chen lên xe tuyến 32 đi Nhổn, khi đã yên vị trên xe và cảm nhận được xung quanh những con người xa lạ đang áp chặt với nhau như lèn dưa, không thấy túi sau cồn cộn, tôi đưa tay sờ. Thôi xong. Chiếc ví đã đi tong. Anh bạn được giao nhiệm vụ… trông ví đã bị chen vào một góc xe.

Xe về đến Nhổn tôi thông báo cho anh bạn biết đã mất ví, cả 2 cố nhớ xem bị móc ở thời điểm nào nhưng cũng chịu. Nhìn vẻ mặt chắc là cũng "phởn phơ" của tôi, anh bạn "đe": Về thôi không tụi nó mà gặp lại tôi với ông bây giờ là ăn no đòn đấy. "Thằng cha" này tài thật, biết cả trong ví mình có gì. Về thì về nhưng cũng phải kiếm nơi mà "ăn vạ" viết thêm bài vở và "đích" tôi chọn là 80 Trần Hưng Đạo nơi đóng trụ sở Bộ Giao thông Vận tải. Thời gian bắt đầu đến "ăn vạ" được ấn định là 7g sáng…

Ngày 27-10-2011 Xe buýt lại gây tai nạn trên đường Lê Duẩn
18h30 ngày 27-10 tại ngã tư Hai Bà Trưng- Lê Duẩn xe buýt của Xí nghiệp xe điện Hà Nội mang BKS 29Y-1561(ảnh) đã đụng phải em Phạm Ngọc Đức (16 tuổi,) đang đi bộ sang đường. Em Đức máu chảy nhiều, được người dân khu vực đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Việt- Đức. Trên đường, phía đầu xe buýt còn vương nhiều vệt máu; trong gầm xe vẫn còn chiếc đĩa CD mà em Đức cầm theo người.
Ngay sau khi tai nạn xảy ra, lực lượng CSGT đã có mặt, phân làn giao thông, đo đạc hiện trường. Cách đây 3 ngày- trên đường Lê Duẩn cũng đã xảy ra một vụ tai nạn giao thông do xe buýt. Nạn nhân bị bánh sau xe chẹt lên tử vong tại chỗ. Thêm vụ tai nạn nói trên cho thấy tình trạng xe buýt chạy ẩu, chạy nhanh vẫn còn là nỗi khiếp sợ của nhiều người và chưa thể thay thế được các phương tiện giao thông khác.  PV
Theo PLXH