Đoạn kết Tấm Cám là “điểm nhấn” nâng tầm câu chuyện lên cao

15/11/2011 06:32
TS Phan Quốc Linh (Bulgaria)
(GDVN) - Nếu cho sự trả thù của Tấm là tàn độc, không nên có, là chúng ta đang dùng chủ quan của mình để phán xét...
Đừng dùng chủ quan của cá nhân để phán xét

Nếu cho sự trả thù của Tấm là tàn độc, không nên có, là chúng ta đang dùng chủ quan của mình để phán xét, lối phán xét của con người văn mình hiện đại, không phù hợp với tâm thức dân gian ngày xưa. Thực ra lối trả thù của Tấm thể hiện tâm thức dân gian rất rõ. Bà hoàng hậu Tấm đầy uy quyền muốn gì được nấy, nhưng xem ra cách trả thù lại mang đậm dấu ấn của người nông dân nông nghiệp: vẫn là kiểu làm muối làm mắm ngày nào, thủa hàn vi, chân lấm tay bùn.
TS Phan Quốc Linh cho rằng: Nếu cho sự trả thù của Tấm là tàn độc, không nên có, là chúng ta đang dùng chủ quan của mình để phán xét.
TS Phan Quốc Linh cho rằng: Nếu cho sự trả thù của Tấm là tàn độc, không nên có, là chúng ta đang dùng chủ quan của mình để phán xét.

Cách trả thù của giới vương triều đâu phải thế, mà là: voi giày ngựa xéo, là xẻ thịt lột da, là tru di tam tộc,…thôi thì đủ kiểu …siêu dã man mà lịch sử chứng giám....

Trong lịch sử Trung Quốc còn ghi lại chuyện Lã Hoàng Hậu (tên cúng cơm là Lã Trĩ), là vợ thuở hàn vi của Hán Cao Tổ Lưu Bang, người sáng lập ra triều đại nhà Hán, trả thù quý phi của chồng mình là Thích phu nhân như sau:” Lã Hậu sai người chặt hết tay chân Thích phu nhân, rồi gọt đầu, móc mắt, cắt lưỡi, đổ lưu huỳnh vào tai, sau đó ném cả hình hài què cụt mù lòa, câm điếc ấy vào chuồng lợn, gọi là "con người lợn”…”.

Kể qua thế mới thấy chuyện trả thù của cô Tấm-hoàng-hậu-nông-dân là…chấp nhận được, nếu đặt vào hoàn cảnh lịch sử cụ thể của thời kỳ dã man của con người, không chỉ ở Việt Nam, Trung Quốc mà cả Âu Châu và thế giới. Nếu so sánh những chuyện đời thực vừa kể với hành động trả thù của Tấm, chưa chắc chuyện nào tàn độc hơn chuyện nào!

Câu hỏi về đoạn kết truyện Tấm Cám, thực chất không phải là “tại sao Tấm trả thù dã man thế”, mà là câu hỏi: "Tại sao sự trả thù của Tấm lại dã man hơn (có thể nói là dã man nhất) so với cách trả thù ở những truyện cổ tích Việt Nam khác?”.

Đi tìm câu trả lời cho câu hỏi trên đây, người viết bài này càng thấy rõ hơn rằng: Dân gian quả thật rất thâm thúy, công bằng và nhân hậu…Mọi đối tượng trong xã hội, với con mắt dân gian, đều được nhìn nhận theo đúng chân giá trị. Có đủ truyện cổ tích cho hết thảy mọi típ người và mọi mối quan hệ xã hội: từ vua quan, anh lính, anh học trò, gã hà tiện đến anh con rể, hay người làm nghề thầy mo thầy cúng, thầy-trò, bạn bè hay anh em, gia đình, vợ chồng...Tấm Cám là truyện típ "dì ghẻ con chồng”.

"Đoạn kết chính là “điểm nhấn” nâng tầm câu chuyện lên cao, kể cả về mặt nội dung và hình thức thể hiện"_TS Phan Quốc Linh nhận xét.
"Đoạn kết chính là “điểm nhấn” nâng tầm câu chuyện lên cao, kể cả về mặt nội dung và hình thức thể hiện"_TS Phan Quốc Linh nhận xét.

“Dì ghẻ con chồng” là hiện tượng không xa lạ trong đời sống xã hội của con người trên khắp thế giới. "Con chồng" (trong mối quan hệ "dì ghẻ con chồng”), là đối tượng đáng được che chở, bao dung nhất trong xã hội ngày xưa, bởi họ là những ngườ ít khả năng tự vệ so với những người bình thường khác, và là người bị thiệt thòi nhất về mọi mặt, thậm chí thiếu cả sự yêu thương của chính người thân (trường hợp Tấm là mồ côi bố), bị dì ghẻ đối xử tàn tệ, thua cả hàng xóm, thậm chí thua cả kẻ thù hay con vật.

Đối tượng bị nhiều tầng áp bức bất công nhất này hẳn nhiên được dân gian bao dung, đùm bộc hơn mọi đối tượng khác trong xã hội, thế nên kẻ thù của họ bị dân gian trừng trị nặng tay nhất, đó hoàn toàn là chuyện bình thường, công bằng. Đấy là nét tự nhiên trong tâm thức dân gian người Việt trước đây.

Không nên phá vỡ cấu trúc rất chặt chẽ và có nhiều ngụ ý của truyện.

Về mặt cấu trúc của truyện, cả truyện cũng như đoạn kết có sự ảnh hưởng, chi phối của tư tưởng phật giáo. Trong Kinh Thánh quan niệm chết là hết: "Thân cát bụi lại trở về cát bụi". Trong quan niệm hóa kiếp theo thuyết luân hồi của đạo phật thì tro bụi là bước biến kiếp cuối cùng, sau nó gần như "không còn gì để bàn nữa”. "Ở hiền thì sẽ gặp lành/ Những người ở ác tan tành như tro” (tục ngữ Việt Nam). Nguyên tắc "quá tam ba bận”, đây đã vượt “ngưỡng”, tận những 04 lần Tấm chết đi sống lại!

Không thể để mẹ con Cám sống, để hành hạ Tấm thêm một lần nào nữa! Logic là câu chuyện phải kết thúc ở đây: Mẹ con Cám, đại diện cho cái ác đã đến lúc phải bị tiêu diệt - tuyệt diệt- một lần và mãi mãi, cũng đồng nghĩa là Tấm-đại diện cho cái thiện, chiến thắng tuyệt đối.

Tương ứng với quan niệm "hóa kiếp tro bụi” của phật giáo, người nông dân quan niệm “làm mắm” là chuyện tận cùng của sự tuyệt diệt, một quan niệm vốn tồn tại trong tâm thức cư dân nông nghiệp nông thôn Việt Nam bao đời nay. Cám bị “làm mắm”, một sự trùng phạt hết sức nặng nề, là xuất phát từ quan niệm đó: biểu tượng về sự tuyệt diệt, theo nghĩa là không có(hay ít có) cơ để luân hồi, tái sinh.

Trong truyện, hai mẹ con Cám kết hợp thành một” liên minh tội ác”. Người mẹ đóng vai trò chính, Cám vừa là kẻ đồng lõa vừa là phương tiện để mẹ mình sử dụng, thực hiện cái ác chống lại Tấm. Vì vậy khi Cám-với vai trò vừa là kẻ gây tội ác vừa là phương tiện gây tội ác, bị hủy diệt (bị làm mắm), "liên minh tội ác” bị phá vỡ, cái ác không còn lý do để tồn tại nữa đồng nghĩa với việc mụ dì ghẻ (mẹ Cám) phải bị tiêu diệt-cái chết của mụ là sự trừng phạt tất yếu.

Nếu chúng ta cùng thống nhất cách hiểu như tôi phân tích trên đây, tự nhiên như nhiên chuyện trừng phạt của Tấm đối với mẹ con nhà Cám là phù hợp và không quá nặng nề như cách hiểu trước đây. Mặt khác, xét về mặt thủ pháp nghệ thuật, đoạn kết chính là “điểm nhấn” nâng tầm câu chuyện lên cao, kể cả về mặt nội dung và hình thức thể hiện.

TS Phan Quốc Linh (Bulgaria)