Độc giả "mách" Bộ trưởng Thăng cách "mượn tiền" của chủ phương tiện

04/04/2012 06:46
Độc giả Nguyễn Hùng
(GDVN) - Cụ thể  khi thu tiền phương tiện, Bộ GTVT sẽ phát hành chứng từ tương tự như trái phiếu và có lộ trình rõ ràng để trả nợ cho dân...
Xung quanh câu chuyện đề xuất thu các loại phí bảo trì giao thông đường bộ sẽ có hiệu lực từ tháng 6/2012, đã có rất nhiều ý kiến gửi về tòa soạn báo Giáo dục Việt Nam để bày tỏ ý kiến về đề nghị thu phí “lưu hành phương tiện cá nhân” hay nói cách khác là “phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân” mà Bộ Giao thông vận tải mới đề nghị đổi tên. 
Để rộng đường dư luận, Báo Giáo dục Việt Nam xin tiếp tục đăng tải một bài viết của một bạn đọc với nội dung hiến kế cho Bộ trưởng Đinh La Thăng trong việc thu phí giao thông. Mời bạn đọc cùng theo dõi:

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng (ảnh: Tuổi trẻ).
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng (ảnh: Tuổi trẻ).

Mặc dù mới đây khi trả lời báo chí tại buổi họp báo Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã khẳng định sẽ chưa thu phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân trong năm nay nhưng đây vẫn là một chủ đề nóng, được dư luận xã hội hết sức quan tâm. Và tôi, một độc giả đồng thời cũng là một chủ phương tiện tham gia lưu thông trên đường cũng rất quan tâm đến vấn đề này. Tôi đã dành rất nhiều thời gian để đọc đầy đủ các ý kiến trái chiều của các chuyên gia, phản hồi, bài viết của các bạn đọc ở trên nhiều báo khác. Và từ những ý kiến đó, tôi nghĩ mình nên viết những dòng này với mong muốn đóng góp một ý kiến nhỏ với Bộ trưởng Đinh La Thăng.
Trước tiên, tôi phải khẳng định với Bộ trưởng Thăng, ngay ở cái tên gọi phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân mà Bộ GTVT đề nghị đổi tên là hoàn toàn không đúng. Bởi lẽ, như các chuyên gia và ý kiến của nhiều độc giả đã cho thấy dù việc thu phí  này có được thực hiện thì chắc chắn các phương tiện cũng sẽ không hề giảm. Những chủ phương tiện đang sử dụng xe hiện tại vì mục tiêu trong công việc, mưu sinh của mình chắc chắn sẽ chấp nhận đóng phí và sử dụng xe. Vì thế, việc áp dụng phí này chỉ làm giảm lượng xe phát sinh mới, số xe cũ nếu có được chủ phương tiện bán đi để sử dụng xe công cộng thì cũng chỉ là dịch chuyển sang cho những chủ phương tiện có khả năng đóng phí. Và chiếc xe này chắc chắn sẽ vẫn sẽ được lưu thông trên lãnh thổ Việt Nam bởi lẽ giá xe ở nước ngoài thấp hơn nhiều so với giá xe ở Việt Nam nên việc chuyển nhượng sang nước ngoài là không thể. Từ những điều này, nhiều người như tôi đặt câu hỏi, nếu không giảm được lượng phương tiện giao thông thì thu phí này có tác dụng gì?. Có phải chăng, việc thu phí này, thực chất là do Bộ Giao thông vận tải đang thiếu một lượng vốn lớn để bổ sung cho các công trình giao thông trọng điểm đang thực hiện (?!). Nếu đúng như vậy, mà muốn nhân dân cả nước thông cảm và ủng hộ chính sách này, thì tôi xin được đề xuất một "mưu kế" rất hay, đó là Bộ Giao thông vận tải nên "mượn" tiền của các chủ phương tiện giao thông. Cụ thể, với phương cách "mượn" tiền này, thì khi thu tiền của các phương tiện xe gắn máy, xe ôtô, Bộ Giao thông vận tải sẽ phát hành một chứng từ giống như tờ công trái, trái phiếu mà Chính phủ đã từng nhiều lần phát hành trước đây. Trên tờ công trái đó ghi rõ ràng, tiền thu về dành để phát triển hạ tầng giao thông. Và cũng như tờ trái phiếu Chính phủ, Bộ GTVT sẽ xây dựng một lộ trình để trả tiền cho dân rõ ràng. 
Ảnh minh họa (nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (nguồn: Internet)
Số tiền thu được cam kết trong một thời gian cụ thể nào đó sẽ trả lại và hoàn thành các công trình giao thông. Tôi dám chắc rằng, lúc đó khi mà thu phí sử dụng bao nhiêu trả bấy nhiêu sẽ công bằng hơn, người đi nhiều trả nhiều, người đi ít trả ít, có ngưới chỉ thích sưu tập xe, "không ra đường thì không trả phí.” Song song với kế sách "mượn" tiền của người dân theo cách này, Bộ Giao thông vận tải cần phối hợp cùng các ngành khác thực hiện đồng bộ các giải pháp mà nhiều chuyên gia, độc giả khác đã đưa ra như: qui hoạch đô thị, hệ thống giao thông với tầm nhìn xa hơn, tăng cường nâng cao ý thức của người tham gia giao thông... thì chắc chắn hiệu quả sẽ càng được nâng cao hơn. Cũng phải nhấn mạnh thêm rằng, với kế sách "mượn" tiền của dân này thì may ra các loại xe vẫn còn bán được, các doanh nghiệp sản xuất ôtô, xe máy sẽ không còn phải nơm nớp lo cảnh xe sản xuất đầy xưởng mà nằm im bất động. Đời sống công nhân của các ngành sản xuất xe này vẫn sẽ được đảm bảo, không còn nỗi lo thất nghiệp. Thêm vào đó, đất nước chúng ta cũng sẽ bớt đi được một nỗi lo lớn hơn, đó là nỗi lo nhập siêu quá lớn.  Thưa Bộ trưởng Đinh La Thăng, dân ta có thể chịu khó và thực tế đã chứng minh là thế nhưng xin Bộ trưởng đừng đẩy cái khó sang cho dân. Với kế sách "mượn" tiền của dân mà tôi mạn phép được hiến cho Bộ trưởng sẽ giống như là một bản hợp đồng, hài hòa lợi ích giữa các bên ký kết. Khi lợi ích đã hài hòa thì chắc chắn nhân dân sẽ cơ bản ủng hộ còn Bộ sẽ có nguồn vốn đủ mạnh để đẩy nhanh việc hoàn thành các công trình giao thông trọng điểm.
Độc giả Nguyễn Hùng