Đóng tiền thay nghĩa vụ quân sự là thương mại hóa trách nhiệm công dân

25/11/2013 10:51
Hoàng Lực
(GDVN) - “Tôi ngạc nhiên và lạ với ý kiến này, nó hoàn toàn lạ lẫm với thế hệ chúng tôi, đi ngược lại với truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc”. - Thiếu tướng Lê Mã Lương – Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam cho biết.Lê Mã Lương cho biết.
Xung quanh nội dung thực hiện nghĩa vụ quân sự của công dân được đưa ra trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, trong đó nêu ra vấn đề thực hiện nghĩa vụ thay thế nghĩa vụ quân sự. Cụ thể, trong dự thảo có đoạn viết "thực hiện nghĩa vụ thay nghế nghĩa vụ quân sự do luật định". Ngay khi đưa vấn đề bàn tại tổ nhiều Đại biểu tỏ ra không tán thành đồng thời lo lắng khi dự thảo này được phê duyệt sẽ tạo ra sự thiếu công bằng cũng như ảnh hưởng đến chất lượng quân đội.  Trong khi đó Trưởng ban biên tập dự thảo Hiến pháp Phan Trung Lý - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội cho rằng: "Nội dung thực hiện nghĩa vụ thay thế nghĩa vụ quân sự là vấn đề gây nhiều tranh cãi. Hiến pháp đã quy định mọi công dân phải làm nghĩa vụ quân sự, nếu luật lại quy định một nghĩa vụ khác thay thế nghĩa vụ quân sự thì không được. Quốc hội sẽ xem xét việc có nên để cụm từ đó hay bỏ đi".
Tuy nhiên trả lời báo chí ông Trần Đình Nhã - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội cũng cho biết khi sửa Luật Nghĩa vụ quân sự sẽ tính tới việc cho phép đóng một khoản tiền để không phải thực hiện nghĩa vụ quân sự nhằm bảo đảm sự công bằng giữa những người đủ tiêu chuẩn. Việc bổ sung này có thể được thực hiện sau khi Quốc hội thông qua dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Về quan điểm cá nhân, ông Nhã ủng hộ việc đóng tiền hoặc thực hiện nghĩa vụ tương tự. Ông Nhã cho biết: " Chúng tôi đi giám sát thì thấy chuyện tiêu cực thỉnh thoảng xảy ra nhưng không đáng kể. Trên thế giới nhiều nước cũng thực hiện có hiệu quả và nhân dân hài lòng". Liên quan đến vấn đề này trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam Thiếu tướng Lê Mã Lương – Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam cho biết: “Tôi ngạc nhiên và lạ với ý kiến này, nó hoàn toàn lạ lẫm với thế hệ chúng tôi, đi ngược lại với truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc”.
Thiếu tướng, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Lê Mã Lương
Thiếu tướng, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Lê Mã Lương 
Theo Thiếu tướng Lê Mã Lương việc đưa ra vấn đề đóng tiền thay thế nghĩa vụ quân sự cũng là một giải pháp được nhiều nước áp dụng nhưng nó không phù hợp với Việt Nam. “Thực hiện nghĩa vụ quân sự với nam thanh niên từ 18 tuổi trở lên không chỉ là nghĩa vụ mà nó còn là niềm tự hào của mỗi thanh niên Việt Nam. Nếu để đưa ra khoản tiền đóng thay thế cho nghĩa vụ quân sự thì sẽ là bao nhiêu tiền? căn cứ vào đâu?” Thiếu tướng Lê Mã Lương đặt vấn đề. Lo lắng về sự thiếu công bằng trong việc thực hiện nghĩa vụ quân sự Tướng Lương cho biết: “Thực hiện nghĩa vụ quân sự là trách nhiệm của mỗi công dân đến tuổi trưởng thành không thể dùng tiền để thay thế, nếu dùng tiền đóng thay nghĩa vụ quân sự có nghĩa là chúng ta đang thương mại hóa cả trách nhiệm của công dân. Đưa vấn đề tiền ra cần phải tính đến những người nghèo không có điều kiện, không có tiền thì mặc nhiên thực hiện nghĩa vụ quân sự chỉ là con nhà nghèo? Đây là điều không hợp lý”. Đồng quan điểm với Thiếu tướng Lê Mã Lương, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh – Nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng cho biết, đây rõ ràng là đề xuất  chưa hợp lý.
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh - Nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh - Nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng
“Tôi được biết hiện nay Ủy ban sửa đổi Hiến pháp 1992 đã bỏ cụm từ nghĩa vụ thay thế nghĩa vụ quân sự và việc thực hiện nghĩa vụ quân sự vẫn là trách nhiệm không thể thay thế của mỗi công dân đến tuổi trưởng thành” Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh cho biết. Đặt giả thiết nếu việc thực hiện nghĩa vụ quân sự có thể thay thế bằng việc đóng một khoản tiền Thượng tướng Ring cho rằng sẽ dẫn đến nguy cơ thương mại hóa thậm chí là chạy chọt bằng tiền. “Khi đó nghiễm nhiên con nhà nghèo không có tiền sẽ thực hiện nghĩa vụ quân sự con nhà giàu thì không. Theo tôi việc thực hiện nghĩa vụ quân sự bên cạnh trách nhiệm, niềm tự hào của thanh niên Việt Nam đây còn là dịp để rèn luyện con người tính kỷ luận. Để sẵn sàng khi đất nước xảy ra chiến tranh khi đó mỗi người dân đều là một chiến sĩ” Tướng Rinh cho biết.
Hoàng Lực