Du lịch nhà vườn Huế "đóng băng"

16/11/2011 13:03
Hải Lan/CAĐN
Trong khi nhiều loại hình đặc trưng văn hóa Huế được khai thác có hiệu quả để phục vụ khách du lịch thì du lịch nhà vườn Huế đang bị "đóng băng".

Nhà vườn Huế là một trong những giá trị góp phần làm nên diện mạo văn hóa Huế. Trong khi nhiều loại hình đặc trưng văn hóa Huế được khai thác có hiệu quả để phục vụ khách du lịch thì du lịch nhà vườn Huế đang bị "đóng băng". Nhiều chủ nhà vườn nằm trong tuyến nhà vườn Phú Mộng- Kim Long (TP Huế) đành đóng cửa vì không được hưởng lợi từ dịch vụ này.

Nhiều nhà vườn trong tuyến Phú Mộng- Kim Long được quy hoạch trong điểm tham quan cho du khách nhưng vẫn cửa đóng then cài.
Nhiều nhà vườn trong tuyến Phú Mộng- Kim Long được quy hoạch trong điểm tham quan cho du khách nhưng vẫn cửa đóng then cài.

"Cấm cửa" điểm tham quan nhà vườn

Nhà vườn Huế được du khách trong, ngoài nước biết đến như là một sản phẩm du lịch bắt đầu từ Festival Huế 2000 với các nhà vườn nổi tiếng: Lạc Tịnh Viên, An Viên... và sau đó là Festival Huế 2002 với tour Phú Mộng- Kim Long ở P. Kim Long (TP Huế). Còn nhớ, cách đây chừng 7- 8 năm, những ngôi nhà vườn ở Phú Mộng lúc nào cũng tấp nập người ra vào, từng đoàn xe ca lớn đậu kín đường làng.

Những ông cụ tuổi 80 diện những bộ áo dài khăn đóng rực rỡ đứng trước ngõ đón chào du khách. Trong nhà, ấm trà nóng được pha sẵn với những bình hoa tươi đặt ngay ngắn trên bàn, kèm câu đối đỏ trông rất bắt mắt. Nhiều du khách trong và ngoài nước khi tới đây đều rất ấn tượng bởi vẻ đẹp của khu nhà vườn cổ kính, đặc trưng của người dân xứ Huế.

Nhưng đó là những ngày đầu làng Phú Mộng trở thành điểm du lịch của tỉnh. Còn những năm gần đây, khi khách du lịch đến tour Phú Mộng- Kim Long, nhiều chủ nhân nhà vườn đã "cấm cửa" vì theo họ vừa mất thời gian, công sức lại không thu lợi được gì.

Ông Nguyễn Ngọc Trinh (88 tuổi), sở hữu ngôi nhà vườn số 5 nói: "Nếu mở cửa là khách tây, khách ta họ vào tham quan nhiều lắm, chẳng lẽ họ vào mình không tiếp. Mà tiếp thì phải ăn mặc đàng hoàng, dẫn người ta tham quan vườn, rồi pha trà, giới thiệu để du khách hiểu những ngôi nhà vườn, nhà rường của Huế. Có khi khách vào liên miên không có thời gian mà ăn cơm, vậy mà chẳng thu được đồng xu nào...".

Cách nhà ông Trinh vài bước là ngôi nhà cổ số 3 của ông Nguyễn Văn Trọng vẫn đóng cửa kín mít  mặc cho từng đoàn xích lô chở khách tây đi qua  đứng bên ngoài nhòm ngó. Mãi đến khi nhờ người hàng xóm, chúng tôi mới được vào nhà. "Cứ tưởng mấy chị là đoàn du lịch tui không tiếp, mệt lắm".

Ông giới thiệu: "Đây là ngôi nhà tồn tại hơn 100 năm, nhiều du khách về đây rất thích ghé chơi, nhưng giờ tui chỉ đón bạn bè anh em, chứ du khách thì thôi. Mấy năm trước, sáng nào cũng phải dậy sớm lau chùi nhà sạch bóng rồi dọn vườn, làm "hướng dẫn viên". Đón hết đoàn khách này đến đoàn khách khác, vậy mà chẳng thu bất cứ khoản nào".

Du khách bức xúc

Chị Trần Thị Diệu T.- hướng dẫn viên du lịch đưa đoàn tham quan từ Hà Nội vào cho biết: "Trên đường vào Huế, du khách nói chuyện rất rôm rả về chủ đề nhà vườn Huế. Có những người đã vượt qua nửa vòng trái đất với mong muốn được đến đây ngắm các nhà vườn, nhà rường cổ kính hàng trăm năm tuổi. Thế nhưng khi đoàn chúng tôi vào đây, một số nhà vườn nằm trong tuyến Phú Mộng- Kim Long lại đóng cửa. Một vài nhà vườn khác thì đón khách một cách rất miễn cưỡng".

Hay mới đây một đoàn khách du lịch từ TPHCM đến tham quan tuyến nhà vườn Phú Mộng- Kim Long cũng rất bức xúc trước thái độ khó chịu của một số chủ nhà vườn. Tuy nhiên, sau khi hỏi chuyện, biết các chủ nhân này đón khách và không được hỗ trợ bất cứ khoản nào, các du khách cũng đã thông cảm.

Anh Nguyễn Tín- một khách du lịch nói: "Du khách đến tham quan nhà vườn Huế đều sẵn sàng bỏ tiền ra miễn là được đón tiếp niềm nở, vui vẻ để lần sau còn quay lại; tuy nhiên do không có dịch vụ bán vé nên du khách không biết xử lý thế nào".

Ông Hoàng Xuân Bậc- chủ nhân ngôi nhà vườn số 4 tuyến Phú Mộng- Kim Long cho rằng: "Giờ đây lượng du khách vào tham quan nhiều, nếu nhà nào mở cửa thì mỗi ngày đón hàng trăm du khách vào thăm, giới thiệu cái này cái khác rất mất thời gian. Vì vậy tỉnh cần nghiên cứu làm sao để người dân có thu nhập, lúc đó họ mới chịu bỏ công việc khác để đón khách, dọn dẹp và cải tạo vườn tược... Chứ đón khách miễn phí năm này sang năm khác họ biết lấy gì mà sống"?

Nhiều chủ nhân nhà vườn cho biết, nhiều tour du lịch đưa khách về tham quan, khách bảo vẫn trả tiền cho các Cty lữ hành du lịch, vậy mà lúc về đây khai thác tuyến du lịch, Cty lại không chịu chi % cho các chủ nhà vườn.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Trưởng phòng Di sản văn hóa thuộc Sở VH- TT & DL cho rằng: "Hiện kinh phí của Nhà nước không đủ để hỗ trợ cho những hộ này. Trong khi đó nếu các hộ gia đình này muốn bán vé như họ muốn thì phải theo luật kinh doanh. Tức là anh phải đăng ký kinh doanh và phải nộp thuế cho Nhà nước. Nhưng ở đây cơ chế chưa rõ ràng để cho phép họ thu tiền. Vì vậy, chúng tôi đang tìm phương án thích hợp nhất để giải quyết...". 

Ông Cao Minh Sơn- Phó Chủ tịch UBND P. Kim Long cho biết: "Trước đây chúng tôi đã có nhiều ý kiến với cấp trên về việc hỗ trợ cho các hộ dân có nhà vườn để họ có phương án bảo tồn, đón du khách. Tại các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân cũng đã kiến nghị rất nhiều về vấn đề này và tỉnh hứa sẽ sớm tìm giải pháp".  Và, trong khi chờ địa phương tìm giải pháp, không ít chủ nhà vườn vẫn đóng kín cửa và du khách tiếp tục phật lòng với những tuyến du lịch từng được giới thiệu, quảng bá ở các lễ hội quy mô.

Hải Lan/CAĐN