Dự toán kinh phí trụ sở Bộ Giao thông xây được cả ngàn cây cầu vượt?

06/05/2012 06:36
Độc giả Nguyễn Hải Nam
(GDVN) - "Trong khi không ít công trình giao thông trọng điểm đang thiếu vốn, nhiều cầu vượt ở các đô thị lớn đang cần vốn để khởi công... thì với mức dự toán kinh phí trụ sở Bộ lúc này nếu được chuyển sang thì sẽ có hàng ngàn km đường hoặc cầu vượt mới được thi công đưa vào sử dụng, giúp giảm ùn tắc, tạo đà phát triển kinh tế đất nước...", độc giả Nguyễn Hải Nam nhấn mạnh.
Ngay sau khi thông tin Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Đinh La Thăng vừa phê duyệt đề án trị giá 223.000 tỉ đồng để hiện đại hóa trụ sở làm việc, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, phát triển đội tàu biển, máy bay, đào tạo nguồn nhân lực theo đề án công nghiệp hóa - hiện đại hóa Bộ GTVT đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

Trong đó, với việc đầu tư, nâng cấp nhà làm việc đảm bảo tiêu chuẩn tại văn phòng bộ, tám tổng cục, cục chuyên ngành và 22 tổng công ty, sáu trường, viện, Bộ GTVT ước tính cần 12.174 tỉ đồng cho đến năm 2030 (riêng từ 2012-2015 cần 7.950 tỉ đồng). Trong đó, đầu tư trụ sở văn phòng bộ là 1.000 tỉ đồng và các tổng cục, cục là hơn 4.800 tỉ đồng... Tòa soạn đã nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều của bạn đọc gửi về.
Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin được đăng tải bài viết của độc giả Nguyễn Hải Nam. Mời bạn đọc cùng theo dõi: Từ khi được Quốc hội phê chuẩn vào chức Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đến nay, "Tư lệnh" ngành Đinh La Thăng đã thực sự trở thành tâm điểm của dư luận với hàng loạt những "sáng kiến". Trong đó, không ít "sáng kiến" đã khiến người dân phải phát hoảng, "mướt" mồ hôi... Trong khi câu chuyện về đề án thu các loại phí giao thông vẫn đang là tâm điểm gây sự chú ý với dư luận. Đại đa số để bày tỏ sự không đồng tình với đề án. Không ít người đã bày tỏ, dù thu tiền của dân nhưng lộ trình sử dụng số tiền hàng chục ngàn tỉ theo tính toán mà Bộ trưởng đưa ra lại không rõ ràng, công khai, minh bạch... Trong khi đó, rất nhiều tiêu cực, thất thoát nghiêm trọng tại các công trình, dự án giao thông đã bị phát hiện, gây bức xúc trong dư luận suốt thời gian quan.
Độc giả bày tỏ quan điểm không đồng tình với đề án kinh phí xây dựng trụ sở Bộ GTVT lên tới cả ngàn tỉ đồng (Ảnh: Tiền phong).
Độc giả bày tỏ quan điểm không đồng tình với đề án kinh phí xây dựng trụ sở Bộ GTVT lên tới cả ngàn tỉ đồng (Ảnh: Tiền phong).

Chưa dừng lại, mới đây, Bộ trưởng Đinh La Thăng lại tiếp tục phê duyệt đề án liên quan đến việc hiện đại hóa trụ sở làm việc, trong đó, với việc đầu tư, nâng cấp nhà làm việc đảm bảo tiêu chuẩn tại văn phòng bộ, tám tổng cục, cục chuyên ngành và 22 tổng công ty, sáu trường, viện, Bộ GTVT ước tính cần 12.174 tỉ đồng cho đến năm 2030 (riêng từ 2012-2015 cần 7.950 tỉ đồng). Riêng đầu tư trụ sở văn phòng bộ là 1.000 tỉ đồng và các tổng cục, cục là hơn 4.800 tỉ đồng...
Thực sự, khi theo dõi thông tin về đề án kinh phí xây dựng trụ sở của Bộ GTVT này, không chỉ tôi tôi mà nhiều người khác đã không khỏi ngạc nhiên và có phần hơi bức xúc bởi nhiều lẽ: Trước hết, cũng là một công chức đi làm việc, tôi cũng hiểu được phần nào, việc Bộ trưởng mong muốn xây dựng trụ sở mới của Bộ GTVT phải khang trang, hiện đại để có thể xử lý tốt các vấn đề nóng về giao thông hiện nay là rất tích cực. Tuy nhiên, với những khoản kinh phí đều lên tới cả ngàn tỉ đồng, trong khi xét toàn diện, nền kinh tế nước ta còn rất nhiều khó khăn, đời sống người dân chúng tôi còn rất nhiều bấp bênh, giá cả thị trường tăng cao. Rồi Chính phủ vẫn đang phải tiến hành cắt giảm đầu tư công..., thì việc đầu tư hàng ngàn tỉ đồng từ ngân sách nhà nước để nâng cấp trụ sở lúc này, theo quan điểm của tôi là không thực sự cần thiết.  Thêm vào đó, khi theo dõi thông tin về dự toán kinh phí xây dựng trụ sở của Bộ GTVT và đề án thu phí giao thông đang được trình lên Chính phủ đã cho thấy có một sự mâu thuẫn. Đó là trong khi, số kinh phí dự toán xây dựng trụ sở lên tới hàng ngàn tỉ thì số tiền phí giao thông đang được Bộ GTVT đề xuất yêu cầu người dân phải nộp cũng rất cao. Vậy liệu rằng ở đây, có thực sự hợp lí không khi mà trụ sở Bộ GTVT tới đây sẽ khang trang, hiện đại trong khi đó các khoản phí giao thông thu của người dân vẫn sẽ tiếp tục tăng cao (?!). Và như tôi đã nói ở trên, khi lộ trình thực hiện các khoản thu phí giao thông chưa được Bộ GTVT công bố công khai, rõ ràng, thì tôi dám chắc, không ít người dân sẽ có quyền được đặt câu hỏi về có mối liên quan nào giữa thu phí và dự toán kinh phí xây dựng trụ sở Bộ này (?). Cũng cần nói thêm, có một thực tế hiện nay đã được thông tin nhiều trên báo chí đó là, rất nhiều các công trình giao thông trọng điểm nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đang bị chậm tiến độ mà một phần nguyên nhân được xác định do thiếu vốn đầu tư. Để khắc phục một phần, Bộ đã phải tiến hành đề xuất đề án thu phí giao thông để tạo thêm vốn đầu tư. Vậy mà giờ, tiền lại được dồn vào đầu tư xây dựng trụ sở hoành tráng thì thử hỏi các công trình giao thông trọng điểm đó sẽ ra sao?. Ngân sách Nhà nước đầu tư cho phát triển hạ tầng giao thông rồi lại dùng cho việc xây dựng trụ sở hoành tráng của Bộ, thì hạ tầng giao thông sẽ cải thiện đến đâu?.
Ảnh minh họa (nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (nguồn: Internet)

Nếu thử một phép so sánh đơn giản, với số tiền hơn 12.000 tỉ đồng mà Bộ tính toán cần phải có để đầu tư nâng cấp trụ sở từ nay đến năm 2030 nếu được bổ sung vào thi công các tuyến đường, công trình giao thông trọng điểm thì sẽ có hàng ngàn, thậm chí chục ngàn km đường giao thông hiện đại được đầu tư mới, nâng cấp, sửa chữa hoàn chỉnh đưa vào sử dụng, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Để giải quyết bài toán ùn tắc giao thông ở các đô thị lớn là Tp Hà Nội và Tp Hồ Chí Minh, phương án tối ưu được nhiều người đưa ra là phải đầu tư nâng cấp mạng lưới, hạ tầng giao thông. Thực tế, trong thời gian việc đầu tư các cầu vượt để giảm ùn tắc đã phát huy hiệu quả rất tốt ở các điểm thường xuyên ùn tắc. Nhưng việc thi công cũng gặp không ít khó khăn từ việc bố trí nguồn vốn ngân sách. Vậy thì ở đây, nếu chuyển con số hơn 12.000 tỉ đồng từ xây dựng trụ sở Bộ GTVT sang để đầu tư các công trình cầu vượt thì hiệu quả chắc chắn sẽ tăng cao. Tôi xin được mạn phép tính toán, theo con số được công bố, cầu vượt Thái Hà - Láng Hạ vừa được đưa vào sử dụng có tổng vốn đầu tư hơn 67 tỉ đồng. Vậy đem con số hơn 12.000 tỉ đồng này chia ra thì, tôi dám khẳng định ít nhất sẽ cả ngàn cây cầu vượt giao thông ở các đô thị lớn sẽ được thi công và đưa vào sử dụng, tạo hiệu quả giảm ùn tắc giao thông. Và chắc chắn, nếu đem ra để mua sắm các phương tiện công cộng thì cũng sẽ có hàng ngàn phương tiện mới được đưa vào sử dụng giúp giảm thiểu ùn tắc giao thông. Như tôi đã nói ở trên, trong khi hàng loạt các công trình giao thông trọng điểm đang chậm tiến độ, nhiều cầu vượt, tuyến đường, hạ tầng giao thông khác ở các đô thị lớn đang cần vốn để khởi công, nâng cấp, đầu tư mới thì việc chi hàng chục ngàn tỉ đồng để nâng cấp, đầu tư trụ sở của Bộ và các cơ quan trực thuộc là không thực sự hợp lý và chắc chắn sẽ không nhận được sự đồng thuận của người dân. Tôi cho rằng, muốn làm việc gì, cũng phải nghĩ đến lợi ích chung, lợi ích của người dân. Nhưng với đề án kinh phí xây dựng trụ sở của Bộ GTVT ở đây thì mới chỉ nghĩ đến lợi ích riêng của Bộ mình, ngành mình. Tôi xin khẳng định lại là tôi hoàn toàn không đồng tình với việc làm như vậy.Mọi ý kiến, mời bạn đọc gửi về:toasoan@giaoduc.net.vn
Độc giả Nguyễn Hải Nam