Đừng sát hại Voọc dã man!

20/07/2012 15:21
Theo Khampha
“Trong một chuyến đi khảo sát, chúng tôi biết được số bẫy còn nhiều hơn cả động vật hoang dã, trung bình một người làm khoảng 300 – 500 cái bẫy. Mà đã bẫy thì bẫy hết cả đàn”, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) - ông Trần Việt Hưng cho biết.
Loại voọc chà vá chân xám - thuộc vào nhóm 1B, có giá trị đặc biệt về khoa học và kinh tế, có số lượng, trữ lượng rất ít hoặc đang có nguy cơ bị diệt chủng.

“Thà giết nhầm còn hơn bỏ sót!”

“Trong một chuyến đi khảo sát miền Trung, chúng tôi biết được trung bình một người làm khoảng 300 – 500 cái bẫy. Mà đã bẫy là bẫy hết cả đàn, “thà giết nhầm còn hơn bỏ sót”. Đội thợ săn được trả lương rất cao và để năng suất, họ thường bảo quản các con mồi săn được bằng cách chôn nó xuống đất, sử dụng phooc môn để bảo quản trong lúc tiếp tục tìm kiếm con mồi khác”, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) - ông Trần Việt Hưng cho biết.
Vooc bị giết hại hàng loạt.
Vooc bị giết hại hàng loạt.

Khi săn được, các tay thợ săn mang về bán với giá cao, và được nhiều người bê nguyên về, không qua sử lý, đặt luôn vào bình rượu hoặc trở thành các món “thuốc” mà phải ăn… sống mới bổ.
Nói về tác dụng của loại thần dược này, Ông Hưng khẳng định: “Xét về mặt khoa học, chưa ai chứng minh được tác dụng chữa bệnh của nó, chỉ thấy trước mắt là nó… mất vệ sinh. Tất cả những gì chữa bệnh đều phải theo sự chỉ dẫn của bác sỹ. Tôi đã từng hỏi chuyện một bác sỹ là trưởng khoa Đông Y, ông cho biết trong 3000 loài thuốc cũng chưa thấy có loài thuốc nào liên quan đến voọc.”
Điều lạ là nhiều người vẫn truyền nhau phương thuốc voọc và sử dụng như một thần dược quý hiếm.

Vụ giết voọc mang ý nghĩa thức tỉnh

Bức xúc trước thực trạng này, Phó giám đốc ENV khẳng định: “Tình hình hiện nay đã quá tồi tệ rồi, số lượng động vật hoang dã sụt giảm đi trông thấy. Chúng ta không thể cứ ngồi một chỗ và chờ… mọi thứ tốt đẹp hơn”.
Voọc sau khi săn bắt đã được bảo quản đông lạnh.
Voọc sau khi săn bắt đã được bảo quản đông lạnh.

Theo Điều 190 Bộ luật Hình sự, người nào săn bắt, giết động vật hoang dã quý hiếm sẽ bị phạt tiền từ 5 triệu đến 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Nếu phạm tội có tổ chức thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm. “Hình phạt này là đủ và phù hợp người vi phạm. Tuy nhiên trên thực tế xử phạt thế nào lại là một việc khác. Đấy là nguyên nhân nó chưa đủ tính răn đe” - Ông Hưng nhận định.
Khi được hỏi về số lượng thống kê loài voọc, đặc biệt là voọc chà vá chân xám ở Việt Nam, ông Hưng nhận định là rất khó bởi lẽ chưa thống kê xong thì số lượng đã voọc đã giảm mạnh do bị săn bắn.
Quân đoàn 3, Bộ Quốc phòng đang vào cuộc điều tra vụ giết hai con voọc dã man và tung ảnh lên mạng. Dư luận theo sát và hy vọng hình phạt nghiêm minh đủ để cảnh tỉnh với những ai đã, đang và sẽ “hủy diệt” thiên nhiên một cách tàn bạo.
Hai mẹ con con voọc bị giết dã man trong bức ảnh đưa lên mạng chỉ là rất nhỏ trong số những con voọc bị con người “hóa kiếp” và nếu không có sức ép của công luận thì vụ việc cũng "chìm xuồng" như bao vụ việc voọc bị giết hại hàng năm.
Theo ông Hưng: “Mọi lời nói, hô hào bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ động vật hoang dã chỉ thực sự có ý nghĩa khi biến thành hành động tẩy chay các món ăn đó. Nhưng vấn đề là các nhà hàng thịt thú rừng vẫn tồn tại công khai và… đắt khách.”
Liệu có phải chờ đợi một sức ép nào nữa từ công luận để cơ quan chức năng vào cuộc?
Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết, những hình ảnh, đoạn video về lên án nạn săn bắt và giết hại động vật hoang dã theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY. Tòa soạn sẽ đăng tải ý kiến và phản hồi ngay với độc giả.
Theo Khampha