"Duyệt binh dọa Nhật Bản, Trung Quốc vẫn chưa trưởng thành"

28/01/2015 16:08
Hồng Thủy
(GDVN) - Chính hành động đó của Trung Quốc đã hỗ trợ chính phủ Nhật Bản thuyết phục công chúng nước này về sự cần thiết để tái vũ trang. Cố gắng đe dọa láng giềng ...
Quân đội Trung Quốc duyệt binh tại Thiên An Môn. Hình minh họa.
Quân đội Trung Quốc duyệt binh tại Thiên An Môn. Hình minh họa.

South China Morning Post ngày 28/1 đưa tin, một số nhà phân tích Nhật Bản đã bác bỏ cách tiếp cận ngoại giao "bắt nạt" của Bắc Kinh được Nhân Dân nhật báo công bố, rằng Trung Quốc sẽ tiến hành một cuộc duyệt binh quy mô lớn kỷ niệm 70 năm kết thúc Chiến tranh Thế giới II, đồng thời để "đe dọa Nhật Bản".

Yoichi Shimada, một giáo sư quan hệ quốc tế đại học Fukui Prefectural nói với South China Morning Post: "Trung Quốc rõ ràng muốn khoe mẽ sức mạnh quân sự của họ để cố gắng đe dọa Nhật Bản, nhưng tôi tin rằng Thủ tướng Shinzo Abe là một chính khách vững chãi. Tôi cảm thây tự tin rằng ông sẽ đương đầu với Bắc Kinh và xây dựng một mối quan hệ gần gũi hơn với Hoa Kỳ".

Nhà phân tích Nhật Bản đã thẳng thắn hơn khi bình luận về bài viết trên Nhân Dân nhật báo. Bài viết trên báo Trung Quốc đã cảnh báo các "kẻ thù" của Bắc Kinh "phải chuẩn bị tâm lý cho các đòn phản công mạnh mẽ của Trung Quốc". Tờ Japan Today dẫn lời một học giả nói rằng: "Như mọi khi, đó chỉ là một tên côn đồ và một kẻ bắt nạt. Thật đáng thương".

Truyền thông Nhật Bản cho rằng chính hành động đó của Trung Quốc đã hỗ trợ chính phủ Nhật Bản thuyết phục công chúng nước này về sự cần thiết để tái vũ trang. Cố gắng đe dọa láng giềng không phải cách tốt để có được một mối quan hệ tốt. Đó chỉ là hành động của "diễn viên đóng thế". "Trung Quốc vẫn chưa trưởng thành, vẫn cứ giống như đứa trẻ cáu bẳn hờn dỗi", giáo sư Shimada bình luận.

Ông cũng gợi ý rằng cuộc duyệt bình lần này còn mang thông điệp xa hơn là đe dọa Nhật Bản. Rõ ràng Bắc Kinh cũng đang cố gắng để làm cho các nước láng giềng Đông Nam Á (mà Trung Quốc nhảy vào tranh chấp lãnh thổ) không thể theo đuổi yêu sách của mình ở Biển Đông. Đồng thời cuộc duyệt binh cũng giúp Trung Nam Hải "đánh lạc hướng dư luận trong nước khỏi tình trạng tham nhũng".

"Khi chính quyền Tổng thống Obama không phải quá mạnh mẽ trong việc đối phó với Trung Quốc và chỉ còn 2 năm cuối trước cuộc bầu cử tiếp theo, tôi lo ngại rằng có thể sẽ có một số lần khủng hoảng xảy ra ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tôi cảm thấy các lãnh đạo Trung Quốc sẽ thấy sự yếu đuối của Washington như một cơ hội để tìm kiếm lợi ích nhiều hơn cho chính họ", Shimada cho biết.

Hồng Thủy