Chương trình bình luận quân sự "Quyết thắng hải - lục - không" của đài truyền hình tỉnh Cam Túc, đồng thời cũng được phát sóng trên website của đài truyền hình trung ương Trung Quốc ngày 24/1/2015 tiếp tục tuyên truyền xuyên tạc lịch sử về cuộc chiến tranh xâm lược toàn tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam do Bắc Kinh gây ra năm 1979.
Chương trình này đã ca ngợi sư đoàn 127 do Trương Vạn Niên cầm đầu đã tấn công xâm lược biên giới Việt Nam mà ngày nay truyền thông nhà nước Trung Quốc vẫn bịp bợm rằng họ tiến hành cuộc chiến "phản kích tự vệ chống Việt Nam".
Trương Vạn Niên từng cầm đầu sư đoàn 127 xâm lược Việt Nam năm 1979. |
Dưới sự chỉ huy của Trương Vạn Niên, từ ngày 17 đến ngày 26/1/1979 sư đoàn 127 đã tấn công vào cửa khẩu Chi Ma huyện Lộc Bình tỉnh Lạng Sơn sát hại 850 người Việt Nam. Từ ngày 27/2 đến 2/3 sư đoàn này áp sát thị trấn Lộc Bình, cắt đứt đường số 4 và sát hại 380 người Việt Nam. Từ 3/3 đến 6/3 chúng tấn công vào thị xã Lạng Sơn sát hại 430 người. Từ 6/3 đến 10/3 chúng rút khỏi Lộc Bình và sát hại thêm 430 người Việt.
Chỉ tính riêng dưới tay Trương Vạn Niên sư đoàn 127 Trung Quốc đã sát hại hơn 2100 người Việt và rút quân về nước. Tuy nhiên nhiều khả năng con số này mới chỉ là các chiến sĩ các lực lượng vũ trang của Việt Nam, chưa tính vô số đồng bào già trẻ lớn bé đã bị quân Trung Quốc sát hại tàn bạo - PV.
Truyền thông Trung Quốc cho rằng, sau cuộc chiến tranh phi nghĩa xâm lược toàn tuyến biên giới Việt Nam, sư đoàn 127 do Trương Vạn Niên cầm đầu được ca ngợi là "quả đấm thép" của Bắc Kinh. Trương Vạn Niên sau này lên tới chức Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương thời Giang Trạch Dân và vừa chết cách đây ít hôm - PV.
Sau khi tuyên truyền cho cuộc chiến tranh phi nghĩa, truyền hình Cam Túc và CCTV lại bàn tán đến thực lực quân sự Việt Nam, đặc biệt là không và hải quân.
"Su-30MK2 Việt Nam uy hiếp được chiến hạm, căn cứ quân sự (phi pháp) Trung Quốc ở Biển Đông nhưng không đe dọa được mục tiêu chiều sâu phòng ngự ở Hải Nam, Quảng Đông"
Truyền thông Trung Quốc tuyên truyền, năm 2003, 2009 và 2010 Việt Nam đã ký hợp đồng mua của Nga tổng cộng 36 chiếc chiến đấu cơ Su-30MK2, hình ảnh chụp chiến đấu cơ này tại căn cứ quân sự Đà Nẵng cho thấy phía Nga đã cơ bản giao hàng. Đài này tuyên truyền, Việt Nam và Trung Quốc gần như đồng thời mua sắm vũ khí của Nga. Năm 1992 khi Trung Quốc ký hợp đồng mua Su-27 của Nga thì Việt Nam cũng gấp rút đặt hàng Moscow loại chiến đấu cơ này.
Báo Trung Quốc tuyên truyền, năm 2003 khi binh chủng không quân trong hải quân Trung Quốc bắt đầu trang bị Su-30MK2 thì trung đoàn 935 sư đoàn 370 của không quân Việt Nam cũng "vội vã" đề nghị mua sắm Su-30MK2. Đài này tuyên truyền, quân đội Việt Nam "chạy đua" vũ khí trang bị với Trung Quốc để "cạnh tranh lợi ích trên Biển Đông"?!
Chiến đấu cơ Việt Nam, hình minh họa. |
Truyền thông Trung Quốc tuyên truyền, hiện tại lực lượng Su-30MK2 được Việt Nam biên chế cho 2 trung đoàn chủ lực 923 và 935. Trong đó trung đoàn 923 đóng tại Thọ Xuân, Thanh Hóa với bán kính tác chiến 1000 km của Su-30MK2 đơn vị này có thể tấn công sang tận Quảng Châu, Trung Quốc. Phạm vi mục tiêu của trung đoàn 923 bao gồm tất cả các căn cứ và cảng khẩu quan trọng của hạm đội Nam Hải, Trung Quốc.
Đài truyền hình Cam Túc tuyên truyền tiếp, lực lượng Su-30MK2 còn lại được không quân Việt Nam biên chế cho trung đoàn 935 đóng tại miền Nam Việt Nam, trực diện Biển Đông. Bộ Quốc phòng Việt Nam thường xuyên điều động trung đoàn này tham gia tập trận tấn công tầm xa với mục đích sẵn sàng chiến đấu trên Biển Đông rõ nét.
Chương trình "Quyết thắng hải - lục - không" còn mới đến trường quay 2 nhà bình luận, Tống Trung Bình và Ngụy Đông Húc. Bình luận về lực lượng Su-30MK2 của Việt Nam, Ngụy Đông Húc cho rằng trình độ sử dụng chiến đấu cơ này của phi công quân sự Việt Nam ở mức "dưới trung bình"?!
Giải thích cho điều này, ông Húc dẫn nguồn tin "chuyên gia Nga" nói rằng, lực lượng phi công quân sự Việt Nam được phái sang Nga đào tạo chỉ được 1/3 hoặc ít hơn vượt qua được các kỳ sát hạch. Chiến đấu cơ Su-30MK2 được thiết kế cho người Nga cao to, còn người Việt Nam thể hình nhỏ bé hơn nên khi ngồi trong buồng lái sẽ bị hạn chế nhiều về các thao tác?!
Ngụy Đông Húc cho rằng Việt Nam ít tiền, mỗi lần tập trận đều chỉ điều động Su-30MK2 cất cánh hạn chế, thời gian bay của phi công không nhiều. Và cũng vì ít tiền nên các tên lửa không đối không, không đối đất đi kèm Su-30MK2 vốn rất đắt đỏ cũng bị hạn chế trong diễn tập bắn đạn thật, hiệu quả không cao?!
Tống Trung Bình thì bình luận, lực lượng Su-30MK2 của Việt Nam có thể uy hiếp nhất định đối với lực lượng chiến hạm Trung Quốc trên Biển Đông cũng như các căn cứ quân sự nước này xây dựng (bất hợp pháp) ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam), bởi không quân Việt Nam có ưu thế địa lý, các căn cứ quân sự dọc bờ biển Việt Nam rất gần 2 quần đảo này.
Mặt khác chiến đấu cơ Việt Nam được trang bị một số loại vũ khí tấn công chính xác, bao gồm các tên lửa không đối đất có thể làm tăng mối đe dọa với tàu chiến Trung Quốc trên Biển Đông. Tuy nhiên Tống Trung Bình nói "quan điểm của truyền thông Việt Nam" (thực tế là đưa lại từ truyền thông nước ngoài, bao gồm cả Trung Quốc) cho rằng Su-30MK2 có thể tấn công các mục tiêu chiều sâu phòng ngự của Trung Quốc ở Hải Nam và Quảng Châu là "ngây thơ".
Ông Bình cho rằng, bất luận là Su-27 hay Su-30MK2 cũng đều là chiến đấu cơ thế hệ 3, không phải loại tàng hình nên không thể bay quá 600 km từ căn cứ xuất phát mà không bị radar phòng không Trung Quốc phát hiện. Chưa kể hệ thống chiến hạm Trung Quốc qua lại trên Biển Đông cũng là một mạng lưới cảnh báo phòng không hiệu quả, nên Su-30MK2 hay Su-27 "chưa tới đất Trung Quốc đã bị đánh chặn", về cơ bản không có khả năng uy hiếp các mục tiêu chiều sâu phòng ngự của hải quân Trung Quốc ở Hải Nam và Quảng Đông.
Tàu ngầm Hà Nội, ảnh: Quân đội nhân dân. |
"Trung Quốc áp dụng mọi thủ đoạn, xây dựng trận địa sonar ở Biển Đông để trinh sát phát hiện, đối phó tàu ngầm Việt Nam từ Cam Ranh"
Về lực lượng tàu ngầm Kilo của hải quân Việt Nam, truyền hình Trung Quốc tuyên truyền rằng chiếc tàu ngầm thứ 5 mang tên Đà Nẵng đã được phía Nga cho hạ thủy. Trong khi 2 tàu đầu tiên Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã bắt đầu huấn luyện và thường trú tại cảng Cam Ranh.
Truyền hình Cam Túc bình luận, Kilo 636MV của Việt Nam là loại cải tiến, hiện đại hơn tàu ngầm Kilo 636 Nga bán cho Trung Quốc. Bình luận về lực lượng tàu ngầm Việt Nam tại sao được bố trí tại Cam Ranh, Ngụy Đông Húc cho rằng Cam Ranh là một cảng nước sâu đặc biệt thích hợp cho tàu ngầm, địa hình rộng rãi, độ sâu trong cảng từ 16 đến 30 mét rất thích hợp cho tàu ngầm cơ động ra vào một cách bí mật.
Mặt khác Cam Ranh nằm ở Nam Trung Bộ của Việt Nam, đặt tàu ngầm và tàu hộ vệ mua của Nga tại đây có thể tránh được hoạt động trinh sát của Trung Quốc trong khi đảm bảo được chiều sâu phòng ngự đối với Biển Đông cũng như eo biển Malacca.
Máy bay Trung Quốc không có cách nào có thể trinh sát được lực lượng tàu ngầm Việt Nam hoạt động tại Cam Ranh, trong khi các tàu hộ vệ Việt Nam mua của Nga có năng lực tác chiến khá tốt, hoàn toàn có thể kết hợp với tàu ngầm và không quân triển khai tác chiến hiệp đồng quân binh chủng. Năng lực tàng hình cũng như tấn công tầm xa của tàu ngầm Việt Nam khi đặt tại Cam Ranh là rất mạnh.
Tống Trung Bình nói rằng mình đã từng đến Cam Ranh. |
Tống Trung Bình nói rằng ông ta đã từng đến cảng Cam Ranh, có thể nói đây là một cảng quân sự vô cùng tốt, 3 mặt vách núi dựng đứng, vịnh Cam Ranh rộng rãi rất thích hợp cho việc bố trí tàu ngầm. Bởi thế nên cả Mỹ và Liên Xô trước đây đều đóng quân đồn trú tại Cam Ranh.
Việc trinh sát phát hiện tàu ngầm Việt Nam từ Cam Ranh ra Biển Đông theo Tống Trung Bình, Trung Quốc phải huy động toàn lực, đa dạng hóa các thủ đoạn, từ theo dõi bằng vệ tinh cho đến điều động hệ thống tàu ngầm và chiến hạm mặt nước, tạo thành "trận địa sonar" để phát hiện tàu ngầm Việt Nam.
Ông Bình tin rằng hiện tại Việt Nam có 3 tàu ngầm và tương lai nhiều nhất cũng chỉ có 6 tàu ngầm, không phải quá nhiều. Trong khi Trung Quốc bố trí cả tàu ngầm hạt nhân ở Biển Đông nên việc phát hiện và ngăn chặn tàu ngầm Việt Nam không khó.
Hoạt động quân sự quốc phòng, nâng cao năng lực phòng thủ của Việt Nam lâu nay vẫn là tâm điểm chú ý của giới tình báo và truyền thông Trung Quốc. Những chương trình bình luận quân sự như thế này của báo đài Trung Quốc đưa tin, bình luận về lực lượng quân sự Việt Nam không ngoài mục đích bôi nhọ hình ảnh Việt Nam, đồng thời giễu võ dương oai về khả năng quân sự Trung Quốc, phục vụ cho mục tiêu lâu dài của Bắc Kinh.
Đáng lưu ý, Tống Trung Bình tuyên bố đã từng đến Cam Ranh và theo dõi mọi thông tin về các hoạt động quốc phòng của Việt Nam nên mọi thông tin, hình ảnh về hoạt động quân sự Việt Nam trên báo chí đều trở thành nguồn tin của Hoa Nam tình báo - PV.
Mặt khác, việc truyền thông nhà nước Trung Quốc vẫn tiếp tục tuyên truyền xuyên tạc, bóp méo sự thật cuộc chiến tranh xâm lược toàn tuyến Biên giới phía Bắc Việt Nam bắt đầu từ năm 1979 cũng như hải chiến xâm lược Hoàng Sa 1974, Gạc Ma 1988 cho thấy mọi cam kết "khép lại quá khứ, hướng tới tương lai" mà lãnh đạo cấp cao nhất của Trung Quốc đưa ra đang bị truyền thông Trung Quốc phủ định hoàn toàn.
Người ta khó có thể tin rằng truyền thông nhà nước Trung Quốc thích nói gì thì nói mà không có sự kiểm soát của nhà nước, nên khó có thể khiến dư luận không cho rằng Bắc Kinh sẽ vẫn chỉ nói một đằng, làm một nẻo và mục tiêu bành trướng toàn bộ Biển Đông vẫn được họ đẩy mạnh, chỉ có điều lúc công khai rầm rộ, khi âm thầm lặng lẽ mà thôi - PV.