Ghi âm, ghi hình tránh “ép cung, nhục hình” cũng chỉ là hình thức

28/10/2015 07:49
Nguyễn Thanh (tổng hợp)
(GDVN) - Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng quy định phải ghi âm, ghi hình tất cả các cuộc hỏi cung để tránh tình trạng ép cung, dùng nhục hình.

Việc bắt buộc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can được quy định tại khoản 6 Điều 188 của dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng quy định phải ghi âm, ghi hình tất cả các cuộc hỏi cung để tránh tình trạng ép cung, dùng nhục hình là bất khả thi vì điều kiện chưa cho phép. 

Nhìn vào thực tế quá trình điều tra

Trả lời báo Dân Việt, có khá nhiều Đại biểu đang trong lực lượng công an cũng không đồng tình với quy định này.

Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP.Hồ Chí Minh) cho rằng, quy định hỏi cung bị can phải ghi âm, ghi hình là rất lý tưởng, nhưng rất khó thực hiện. Ông bảy tỏ, hiện nay 60% phạm tội quả tang chứng cứ rõ ràng thì ghi âm, ghi hình làm gì? Nếu đề ra quy định thì ai là người ghi âm, ghi hình? 

Nếu giao điều tra viên thụ lý vụ án làm thì không dại gì họ lại ghi âm, ghi hình việc bức cung. Đại biểu Đương nhấn mạnh, quy định phải ghi âm, ghi hình là không phù hợp, tạo thủ tục rườm rà không cần thiết và rất tốn kém. 

Ông Đương cho rằng, thời gian qua chỉ có một số trường hợp bức cung xảy ra mà đưa ra quy định phải ghi âm, ghi hình khi hỏi cung bị can là không nên.

Cùng đồng tình, Ông Hồ Văn Năm, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai cho rằng: Cơ quan soạn thảo muốn quy định việc ghi âm, ghi hình đối với các loại tội phạm để tránh việc ép cung, dùng nhục hình, nhưng cần xem xét cân nhắc kỹ vì việc đầu tư trang thiết bị cho cơ quan điều tra xuống tới cấp huyện là rất tốn kém. 

Theo Ông Năm việc ghi âm, ghi hình không hẳn là giải pháp chống việc bức cung, nhục hình hiệu quả, vì điều tra viên làm việc trước với bị can rồi mới bắt đầu tiến hành ghi âm, ghi hình thì việc ghi âm, ghi hình đó cũng chỉ là hình thức. 

Khi bị can khai nhận rồi cán bộ điều tra mới ghi âm, ghi hình thì cũng có thể có bức cung mà chúng ta không phát hiện được" - Ông Năm nêu. 

Chỉ nên ghi âm, ghi hình trong trường hợp bị can phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.
Chỉ nên ghi âm, ghi hình trong trường hợp bị can phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.

Giám đốc Công an TP.Hà Nội – Đại biểu Nguyễn Đức Chung cho biết: 
Qua tổng kết 10 năm Bộ luật Tố tụng hình sự ở Hà Nội cho thấy, 58-60% vụ án là bắt phạm tội quả tang, tỉ lệ điều tra liên quan đến các vụ án thực tế thì quy định hiện hành không bắt buộc việc ghi âm, ghi hình. 

Nhưng trong một số vụ án cơ quan điều tra thấy bị can hay thay đổi lời khai hoặc cần phải đảm bảo hơn thì cơ quan điều tra vẫn ghi hình, ghi âm toàn bộ.

"Cũng phải nói rằng thủ tục ghi âm, ghi hình cần phải rất chặt chẽ, không phải cứ đặt máy ghi bí mật mà phải lập biên bản ghi rõ cuộc hỏi cung hôm nay được tiến hành ghi hình, ghi âm bằng những thiết bị gì. 

Sau đó phải bật lại cho bị can hoặc người bị tạm giam, tạm giữ nghe để xác nhận xem cuộc ghi âm đó có đúng không để họ ký vào, rồi lập biên bản, niêm phong lại. Sau này tài liệu ghi âm, ghi hình đó mới có giá trị về mặt pháp lý
" - Đại biểu Chung đánh giá.

Cũng theo Đại biểu Chung, hiện nay cả nước đang bắt giữ gần 100.000 bị can, bị cáo, trang bị hệ thống ghi âm ghi hình bao nhiêu cho đủ, kho nào để chứa khối lượng hồ sơ khổng lồ đó? Thực tiễn cho thấy việc quy định ghi âm, ghi hình là không thực tiễn, tốn kém và khó khả thi. 

Theo ông Chung, chỉ nên quy định ở góc độ những vụ án phức tạp mà trong quá trình điều tra, bản thân cơ quan điều tra cũng phải thực hiện ghi âm, ghi hình theo đúng quy định pháp luật. Sau này nếu bị can, bị cáo có vấn đề gì thì mới mở niêm phong ghi âm, ghi hình ra.

Đại biểu Vũ Chí Thực – Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh - cũng khẳng định, nếu quy định ghi âm ghi hình tất cả các cuộc hỏi cung là điều không tưởng. Đại biểu Thực đề nghị nên phân loại, tùy loại tội phạm mới phải ghi âm, ghi hình khi hỏi cung.

Phó tổng cục trưởng Tổng cục An ninh II- Đại biểu Bùi Mậu Quân (Hải Dương) cũng cho rằng, trừ những vụ án phức tạp như án tham nhũng hoặc các vụ án mà bị can kêu oan nhiều lần thì mới nên ghi âm, ghi hình. 

Còn một khi cán bộ điều tra đã chủ động bức cung hay dùng nhục hình thì không dại gì người ta ghi hình cả”, ông Quân nhận định.

Tăng gánh nặng ngân sách, tốn kém chưa cần thiết

Dưới góc độ kinh tế, Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Thị Thúy Thiệp (Học viện Chính trị) cho rằng, nếu bắt buộc phải ghi âm, ghi hình toàn bộ trong thời điểm này thì vô cùng tốn kém. 

Bởi theo báo cáo, ngân sách bây giờ thì hạn hẹp, hàng năm, cơ quan điều tra của Ngành Công an thụ lý khoảng gần 100.000 vụ án hình sự với khoảng 160.000 bị can. 

Chi phí để trang bị đầy đủ thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác ghi hình, ghi âm các cuộc hỏi cung với số lượng bị can như trên là không hề nhỏ. 

Ghi âm, ghi hình tránh “ép cung, nhục hình” cũng chỉ là hình thức  ảnh 2

Tại tòa, bị can, bị cáo có quyền hỏi lại kiểm sát viên

(GDVN) - “Anh buộc tội tôi thì tôi phải có quyền hỏi lại về những điều ấy, như thế thì mới đảm bảo công bằng”


Con số dự tính có thể lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng, đó là chưa kể máy móc dự phòng và các chi phí khác cho việc xây dựng kho bảo quản, sửa chữa, biên chế quản lý máy ghi âm, ghi hình, băng đĩa. 

Bên cạnh đó là nhiều khó khăn khác liên quan tới cơ sở hạ tầng như có nhiều cơ quan điều tra có trụ sở tại vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, đây là những nơi thậm chí còn chưa có điện sáng chứ chưa nói tới việc lắp đặt và vận hành thiết bị ghi âm, ghi hình phục vụ việc hỏi cung bị can. 

Nếu việc triển khai quy định bắt buộc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can không được tiến hành đồng bộ trên phạm vi cả nước sẽ gây ra sự bất bình đẳng giữa các khu vực, thậm chí một số nơi phải dừng hoạt động hỏi cung nếu chưa được trang bị các phương tiện phù hợp liên quan tới công tác này
”, Bà Thiệp nhấn mạnh.

Không giải quyết tận gốc vấn đề


Luật sư Trương Anh Tú, Trưởng Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú cho rằng, việc áp dụng thiết bị kỹ thuật vào hoạt động hỏi cung bị can có thể góp phần tích cực trong phòng, chống oan, sai, tuy nhiên vấn đề cốt lõi chính là tinh thần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, ý thức chấp hành pháp luật của đội ngũ điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán. 

Đội ngũ thực thi pháp luật này cần phải thường xuyên được giáo dục về chuyên môn cũng như chính trị tư tưởng để đáp ứng được những đòi hỏi từ công việc. 

Ông Tú cũng cho rằng, bên cạnh đó, công tác thanh tra, nhất là thanh tra trong khởi tố, bắt, giam, giữ, truy tố, xét xử phải được tiến hành thường xuyên, chú trọng phát hiện sớm sai phạm, tập trung phối hợp xác minh các dấu hiệu oan, sai để có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục kịp thời, không để kéo dài, gây hậu quả xấu.

Trong quá trình thanh tra nếu phát hiện trường hợp vi phạm cần có biện pháp xử lý thích đáng để nêu gương.

Ghi âm, ghi hình tránh “ép cung, nhục hình” cũng chỉ là hình thức  ảnh 3

Không thể lấy thành tích bù cho oan sai

(GDVN) - Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Khá đặt câu hỏi: "Thủ trưởng cơ quan điều tra thiếu trách nhiệm dẫn đến oan sai thì xử lý như thế nào?".

Đồng tình với quan điểm trên, Luật sư Trần Văn Đức, Giám đốc Công ty Luật Trường Sa, Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, quy định bắt buộc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can là cần thiết nhưng vẫn khó khả thi trong điều kiện thực tế cơ sở hạ tầng tại Việt Nam. 

Nếu nội dung dự thảo này được Quốc hội thông qua để thành luật thì phải được áp dụng một cách phổ biến trên phạm vi cả nước để đảm bảo tính công bằng và tính thượng tôn của pháp luật. 

Tuy nhiên, do chi phí đầu tư cho việc lắp đặt các thiết bị ghi âm, ghi hình khá lớn và không thể áp dụng luôn cho tất cả các khu vực trên phạm vi cả nước nên có thể nhận định rằng quy định này vẫn chưa thực sự cần thiết tại thời điểm hiện tại.

Chỉ tính riêng trong năm 2014, Ngành Công an đã tiến hành khởi tố mới 73.606 vụ án với 110.924 bị can. Cộng thêm với đó là số lượng các vụ án vẫn đang trong tiến trình giải quyết từ các năm trước đó thì số lượng lượt hỏi cung bị can mỗi năm là rất vô cùng lớn. 

Để có thể ghi âm, ghi hình đầy đủ các hoạt động này sẽ tiêu tốn một lượng Ngân sách khổng lồ của Nhà nước trong bối cảnh Ngân sách cần tập trung đầu tư cho xây dựng hạ tầng, giáo dục, quốc phòng…

Nguyễn Thanh (tổng hợp)