Giải pháp quản lý sau cai nghiện ma túy

13/11/2013 09:36
LÂM HOÀNG
(GDVN) - Ông Phạm Công Tấn, Trưởng Phòng Lao động thương binh xã hội huyện Hóc Môn (TP.HCM) cho biết: Tính đến nay, huyện đã tiếp nhận 212 trường hợp quản lý sau cai nghiện tại nơi cư trú thuộc các xã - thị trấn trên địa bàn huyện.
Trong quá trình quản lý, số biến động giảm là 101 người, gồm: tử vong 11 người, đưa vào cơ sở chữa bệnh 45 người, xử lý hình sự 07 người, chuyển nơi cư trú không báo cáo 18 người và đưa ra khỏi danh sách quản lý theo quy định 20 người; số thực tế hiện đang quản lý sau cai nghiện tại các xã - thị trấn 111 người.
           
Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội được UBND huyện Hóc môn phân công Thường trực Hội đồng Tư vấn đưa người vào cơ sở chữa bệnh huyện, đã tổ chức họp xét và tham mưu UBND huyện ra quyết định đưa 290 đối tượng nghiện ma túy vào cơ sở chữa bệnh (từ năm 2009 đến 2012 là 440 trường hợp), áp dụng biện pháp quản lý sau cai nghiện đối với 212 đối tượng, giải quyết về phép 06 đối tượng; ban hành công văn đề nghị quản lý giáo dục theo quy định tại Nghị định 163/CP 05 đối tượng; chuyển học viên sang trường, trung tâm khác 23 đối tượng; miễn chấp hành quyết định 03 đối tượng; tạm đình chỉ quyết định cho cơ quan tố tụng hình sự, công an di lý 03 đối tượng.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thường xuyên hướng dẫn nghiệp vụ, tập huấn chuyên môn cho cán bộ các xã – thị trấn (nhất là kỹ năng tư vấn tâm lý – xã hội, tư vấn hướng nghiệp), tổ chức họp giao ban hàng tháng, hàng quý, năm, có sơ kết rút kinh nghiệm thực tiễn; nâng cao chất lượng công tác quản lý, giúp đỡ người sau cai nghiện như: hỗ trợ vốn, dạy nghề, giới thiệu việc làm cho người sau cai nghiện, nhằm khống chế tỷ lệ tái nghiện dưới 30%.
           
Công an huyện tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt, tập trung đấu tranh, trấn áp tội phạm về ma túy, nhất là các đối tượng, đường dây vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy; đấu tranh có trọng tâm, trọng điểm đối với những tụ điểm mua bán trái phép chất ma túy tồn tại trong thời gian dài như khu vực Bến xe An Sương - ấp Đông Lân, xã Bà Điểm; Ấp 2, Ấp 4 – xã Xuân Thới Thượng; không để phát sinh tụ điểm phức tạp mới về ma túy; chỉ đạo Công an các xã –thị trấn định kỳ hoặc đột xuất tổ chức xét nghiệm chất ma túy đối với người sau cai nghiện, tập trung tất cả đối tượng tái nghiện vào cơ sở chữa bệnh, đưa cai nghiện tập trung hoặc cai nghiện tại gia đình, cộng đồng đối với người nghiện mới (theo chủ trương chung đa dạng hóa các hình thức cai nghiện).
         
Chủ tịch UBND các xã – thị trấn thực hiện các thẩm quyền theo quy định pháp luật, cụ thể: chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác quản lý sau cai nghiện; phân công cán bộ chuyên trách, cán sự xã hội hướng dẫn người sau cai nghiện cách ly môi trường ma túy, phòng tránh tái nghiện. Tổ chức, quản lý, giám sát hoạt động của Tổ Cán sự xã hội tình nguyện; huy động cộng đồng dân cư quản lý, giúp đỡ người sau cai nghiện, khuyến khích động viên người sau cai nghiện tham gia các câu lạc bộ, đội nhóm, hoạt động xã hội.

Chỉ đạo Trạm Y tế phối hợp Khoa Tham vấn hỗ trợ cộng đồng – Trung tâm Y tế dự phòng tuyên truyền, quản lý, tổ chức chăm sóc, tư vấn, điều trị hỗ trợ cho người sau cai nghiện nhiễm HIV/AIDS. Tổ chức họp kiểm điểm, nhận xét quá trình phấn đấu rèn luyện của người sau cai nghiện theo quy định.
           
Tham mưu UBND thành phố có văn bản chỉ đạo cho huyện Hóc Môn thực hiện cơ chế đặc thù như các Quận 8, Quận 10 và Quận 12, cụ thể: khi phát hiện đối tượng đến khu vực đang chuyển hóa địa bàn phức tạp về ma túy, có biểu hiện nghi vấn, nếu thực hiện xét nghiệm tìm chất ma túy cho kết quả dương tính (không cần bắt quả tang đang sử dụng ma túy); đồng thời, nếu xác minh không có nơi cư trú nhất định, thì đưa ngay vào lưu trú tạm thời tại Trung tâm Tiếp nhận đối tượng xã hội Bình Triệu; sau đó, xác minh, xử lý tiếp theo quy định.

Nếu thực hiện theo cơ chế đặc thù này, huyện sẽ tập trung được tất cả các đối tượng từ nơi khác đến địa bàn huyện Hóc Môn mua ma túy để sử dụng, góp phần xóa được tụ điểm mua bán, sử dụng ma túy nhỏ lẻ tồn tại thời gian dài trên địa bàn huyện (khu vực vòng xoay An Sương – xã Bà Điểm); phối hợp các Sở ngành liên quan hướng dẫn công tác quản lý sau cai nghiện về: quy chế quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện tại nơi cư trú; bố trí kinh phí, mức chi và thủ tục chi kinh phí trong công tác quản lý sau cai nghiện. Xây dựng chế độ, chính sách ưu đãi cụ thể đối với cán bộ làm công tác quản lý sau cai nghiện tại nơi cư trú, tạo điều kiện thu hút đội ngũ này gắn bó với công tác về lâu về dài.
 
LÂM HOÀNG