GS Ngô Đức Thịnh: Có sự “bất hợp lý và vô đạo lý” ở Làng cổ Đường Lâm

13/05/2013 13:58
Ngọc Quang
(GDVN) - Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam đặt câu hỏi: Vì sao 8 năm nay, di tích quốc gia lại không được quan tâm đúng mức? Vì sao những kế hoạch đề ra vẫn chỉ nằm trên giấy? Các cơ quan nhà nước hoàn toàn có thể làm được, vấn đề là họ có muốn làm hay không thôi.

"Bất hợp lý và vô đạo lý..."

GS.TS Ngô Đức Thịnh.
GS.TS Ngô Đức Thịnh.

Câu chuyện gần 100 gia đình ở Làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội) đồng loạt ký tên vào lá đơn xin được trả lại danh hiệu “Di tích lịch sử Quốc gia làng cổ Đường Lâm” cho nhà nước đang thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận cả nước suốt mấy ngày gần đây.

Trao đổi với Báo Giáo dục Việt Nam vào tối qua, GS Ngô Đức Thịnh - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam (nay là Viện nghiên cứu văn hóa Việt Nam) nhận định, đây là hệ quả tất yếu sẽ xảy ra không chỉ với làng cổ Đường Lâm mà với bất kỳ di tích nào khác, nếu không có sự quan tâm đúng mức của cơ quan quản lý, không dung hòa được quyền lợi giữa nhà nước – người dân – công ty du lịch.

“Tôi đang đi công tác xa nên chưa có điều kiện đến nghe trực tiếp tâm tư của bà con, nhưng thông qua báo chí thì tôi thấy nổi lên hai vấn đề chính: Thứ nhất, điều kiện sống tối thiểu của người dân ở Đường Lâm đang gặp khó khăn nhưng không được quan tâm giải quyết thỏa đáng. Thứ hai, số tiền thu được từ công tác du lịch được chia sẻ lại cho người dân quá ít và không minh bạch. Điều này không chỉ bất hợp lý mà còn vô đạo lý”, PGS Thịnh nói.

Năm 2005, Làng cổ Đường Lâm được công nhận là di tích quốc gia. Tuy nhiên, nỗi bức xúc của nhiều người dân cũng bắt đầu nảy sinh kể từ khi có danh hiệu này, bởi những gia đình có nhà cổ trong làng rất ít, đa phần còn lại không thuộc diện bảo tồn, nhưng 8 năm qua họ không được xây dựng nhà cửa, cũng không được hưởng bất cứ một khoản trợ cấp nào, trong khi đó dân số của các gia đình vẫn tăng lên đều đặn.

Chia sẻ với những khó khăn của các hộ gia đình ở đây, GS Thịnh bày tỏ: “Con cái lớn lên, dựng vợ gả chồng, tất cả đều chỉ loay hoay trên một nền diện tích cũ, bất cứ ai định cải tạo, hoặc cơi nới nhà đều bị chính quyền địa phương cưỡng chế phá dỡ, thậm chí chỉ xây nhà vệ sinh cũng rất khổ sở. Đời sống tối thiểu của mỗi con người còn chưa được đảm bảo thì làm sao yêu cầu họ chung sức gìn giữ phát triển di tích được? Nếu tôi ở vào hoàn cảnh ấy thì tôi cũng sẽ có phản ứng như những người dân ở đây thôi”.

Người dân muốn xây sửa để có cuộc sống tốt hơn, nhưng chính quyền thì yêu cầu giữ nguyên trạng.
Người dân muốn xây sửa để có cuộc sống tốt hơn, nhưng chính quyền thì yêu cầu giữ nguyên trạng.

Vấn đề quan trọng nhất mà nhiều nhà nghiên cứu đang đặt ra, mong muốn các cấp quản lý quan tâm, đó là: Vì sao 8 năm qua, di tích quốc gia lại không được quan tâm đúng mức? Vì sao những kế hoạch đề ra vẫn chỉ nằm trên giấy?


Nên học tập cách làm ở Hội An

GS Ngô Đức Thịnh cho rằng: “Với chuyện xảy ra ở Làng cổ Đường Lâm, các nhà quản lý có thể học hỏi

GS Trần Lâm Biền: “Chuyện xảy ra ở Làng cổ Đường Lâm cũng chẳng khác gì người ta sinh ra một đứa con nhưng không có trách nhiệm với nó. Đẻ nó ra rồi thì mặc kệ, không có trách nhiệm đến nơi đến trốn, thế nên người dân họ không chịu đựng nổi nữa và muốn trả lại di tích cũng là dễ hiểu”.

cách làm của di tích Hội An (Quảng Nam). Phải nói rằng, họ đã làm rất tốt và người dân tự nguyện tham gia bảo tồn di tích. Cũng có thể học tập cách làm của nhiều di tích ở Trung Quốc, họ đã làm tốt điều này. Công tác giãn dân là việc hết sức cần thiết và phải được quan tâm, thực hiện càng sớm càng tốt với người dân ở Đường Lâm. Chúng ta thấy rằng ban đầu người dân cũng hào hứng lắm đấy chứ, họ rất vui vẻ, nhưng rồi từng năm trôi qua, cuộc sống của họ bị gò bó quá mức nên họ bức xúc cũng là điều dễ hiểu. Nếu mấy năm trước, công tác giãn dân làm xong rồi thì bây giờ làm gì còn những chuyện buồn như thế này nữa. Tôi không thể hiểu nổi vì sao 8 năm trời mà các cơ quan chức năng không xử lý xong được việc này. Các cơ quan nhà nước hoàn toàn có thể làm được, vấn đề là họ có muốn làm hay không thôi”. Ngoài ra, GS Ngô Đức Thịnh cũng đề cập tới chuyện phân chia lợi ích từ khoản tiền thu được qua công tác du lịch. “Những công ty du lịch đưa khách về đây họ phải có lợi nhuận, người dân tham gia công tác bảo tồn cũng phải được chia sẻ xứng đáng, còn cơ quan nhà nước chỉ nên đóng vai trò là đơn vị tổ chức chứ không nên thu tiền ấy rồi phân chia một cách không rõ ràng, không minh bạch. Rõ ràng, chúng ta thấy rằng, có bảo tồn được di tích hay không là do người dân, chứ không thể gượng ép.

Trước những thông tin cho rằng, việc chính người dân ở Đường Lâm phản ứng như vừa qua sẽ bất lợi khi Việt Nam trình với Unessco công nhận làng cổ Đường Lâm là di sản phi vật thể của thế giới, PGS Thịnh nhận định: “Rõ ràng đây là một bất lợi với Việt Nam.

Một trong những tiêu chí để được công nhận danh hiệu này là người dân, cộng đồng tại đó phải tự nguyện tham gia, vì chính họ là người bảo tồn chứ không phải ai khác. Theo tôi, trước khih nghĩ tới những gì cao đẹp hơn, thì hãy đảm bảo cho người dân có một cuộc sống tối thiểu đã, họ đã chịu đựng khổ sở gần chục năm nay rồi”.

Ông Phạm Hùng Sơn, Trưởng Ban quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm:

“Trong quá trình thực hiện công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích đang có những vấn đề bất cập nảy sinh vì Làng cổ Đường Lâm đang là một di tích sống, có 1.500 hộ dân và 6.000 người dân đang sinh sống với đầy đủ cuộc sống thường nhật hàng ngày. Không thể áp dụng làng cổ - một di tích sống như 1 cái đình, chùa hay thành cổ để bắt người dân giữ nguyên trạng. Chúng tôi đã kiến nghị với Cục Di sản, Sở VHTT&DL để có những văn bản dưới luật giúp người dân có cuộc sống sống được trong di tích” -

Ngọc Quang