Hải quân Đài Loan sắp biên chế tàu tuần tra Đà Giang đầu tiên

22/12/2014 08:00
Việt Dũng
(GDVN) - Ngoài ra, Tổng thống Mỹ vừa ký dự luật bán 4 tàu hộ vệ lớp Perry cho Đài Loan, bị Trung Quốc phản đối, phản ánh quan hệ phức tạp ba bên Mỹ-Trung-Đài.

Hải quân Đài Loan sắp biên chế tàu tuần tra Đà Giang đầu tiên

Các tờ báo điện tử Trung Quốc, Đài Loan ngày 19 tháng 12 đưa tin, tàu tuần tra tên lửa tàng hình Đà Giang đầu tiên do Đài Loan tự chế tạo sẽ tổ chức lễ bàn giao vào ngày 23 tháng 12 năm 2014, sau khi trải qua nhiều lần thử nghiệm sẽ chính thức bàn giao cho hải quân.

Tàu hộ vệ hạng nhẹ tàng hình lớp Đà Giang, Đài Loan
Tàu hộ vệ hạng nhẹ tàng hình lớp Đà Giang, Đài Loan

Tàu Đà Giang là chiếc tàu tuần tra tên lửa tàng hình tự chế đầu tiên, áp dụng thiết kế "tàu song thể", đặc điểm là tốc độ nhanh, ngoại hình tàng hình. Hải quân Đài Loan vừa mới công bố hình ảnh ra biển chạy thử của tàu Đà Giang.

Sau khi hoàn thành chế tạo tàu Đà Giang, tháng 3 năm 2014 lần đầu tiên tàu hoàn chỉnh xuất hiện, vào khoảng tháng 10 bắt đầu tiến hành nhiều lần chạy thử ở trạng thái tĩnh và động tại nhà máy đóng tàu Long Đức. Hải quân Đài Loan có kế hoạch tổ chức lễ bàn giao vào ngày 23 tháng 12, do Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan Nghiêm Minh chủ trì.

Tàu Đà Giang hiện vẫn đỗ ở cảng thương mại, sau khi hoàn thành lễ bàn giao, sẽ được treo cờ hải quân chính thức và chuyển giao cho hải quân. Quan chức hải quân cho biết, sau khi tàu tuần tra Đà Giang chuyển giao cho hải quân, sẽ bắt đầu huấn luyện nhân viên làm quen với vũ khí trang bị, để thực sự có thể tác chiến thì phải mất một khoảng thời gian.

Tàu tuần tra Đà Giang dài 60,4 m, rộng 14 m, tốc độ cao nhất đạt 38 hải lý/giờ, khả năng chạy liên tục 2.000 hải lý, vận chuyển 41 nhân viên, tuy lượng giãn nước chỉ 500 tấn, nhưng có thể trang bị các tên lửa như Hùng Phong-2, Hùng Phong-3, sẽ đóng vai trò "sát thủ" tấn công tàu địch, tận dụng đặc điểm tốc độ nhanh và tàng hình, nhanh chóng tiếp cận mục tiêu và bắn tên lửa tấn công.

Thân tàu Đà Giang áp dụng thiết kế tàng hình với hình dáng bất quy tắc, có thể giúp cho sóng radar phân tán hoặc yếu đi, làm cho kẻ thù nhầm cho là tàu cỡ nhỏ.

Tàu hộ vệ hạng nhẹ tàng hình lớp Đà Giang, Đài Loan
Tàu hộ vệ hạng nhẹ tàng hình lớp Đà Giang, Đài Loan

Tổng thống Mỹ ký dự luật bán 4 tàu hộ vệ lớp Perry cho Đài Loan

Liên quan đến Hải quân Đài Loan, được biết, Tổng thống Mỹ ngày 19 tháng 12 đã ký kết “Dự luật chuyển giao tàu chiến” số 1683, chính thức đồng ý bán 4 tàu hộ vệ lớp Perry cho Đài Loan.

Đối với vấn đề này, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Đài Loan La Thiệu Hòa cho biết, Mỹ bán 4 tàu hộ vệ lớp Perry cho Đài Loan đã thể hiện cam kết đối với an ninh của Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan). Đối với vấn đề này, Quân đội Đài Loan đã hoàn thành thủ tục pháp lý, năm 2015 sẽ bố trí ngân sách, sau đó sẽ xử lý theo quy định bán vũ khí.

Quan chức Hải quân Đài Loan chỉ ra, 2 “tàu nóng” (Mỹ đang sử dụng, chưa niêm phong) trong giai đoạn 1 dự kiến có thể bàn giao vào năm 2016 hoặc năm 2017. Năm 2015, Hải quân Đài Loan sẽ cử cán bộ đến Mỹ tiếp nhận tàu, những tàu lớp Perry này sẽ thay thế tàu lớp Nox cũ của Đài Loan.

Quan chức Hải quân Đài Loan cho rằng, lợi ích của chuyển giao “tàu nóng” ở chỗ, tất cả trang bị đều vẫn đang sử dụng, có thể tiết kiệm không ít chi phí bảo dưỡng, sữa chữa so với “tàu lạnh” (đã nghỉ hưu, đã niêm phong).

Theo quan chức này, chi phí mua tàu lớp Perry thấp hơn nhiều giá cả tàu chiến mới chế tạo, tương đối có lời. Quân đội Đài Loan chủ yếu hy vọng nhân được thân tàu, phối hợp với ra sức tự chủ quốc phòng hiện nay, trong tương lai, radar và tên lửa trên tàu đều có thể sử dụng trang bị do Đài Loan tự chế tạo.

Tàu hộ vệ tên lửa lớp Perry
Tàu hộ vệ tên lửa lớp Perry

4 tàu hộ vệ lớp Perry Mỹ bán cho Đài Loan gồm USS Taylor, USS Carr, USS Gary và USS Elrod đều đã phục vụ gần 30 năm.

Nhưng, quan chức Hải quân Đài Loan chỉ ra, so với tàu lớp Nox “tuổi cao” đã phục vụ khoảng 50 năm hiện có của Hải quân Đài Loan, tàu lớp Perry còn chưa đến 30 năm. Quan chức Bộ Quốc phòng Đài Loan nói, 4 tàu chiến này “trẻ hơn khoảng 20 tuổi”, “còn đang ở giai đoạn dùng tốt”.

Bài viết cho rằng, giá tàu cũ chỉ bằng khoảng 1/6 tàu mới, huống hồ không có sự hỗ trợ của Mỹ thì Đài Loan cũng khó mà độc lập chế tạo tàu chiến.

Theo trung tướng hải quân nghỉ hưu Lan Ninh Lợi, một tàu chiến có thể sử dụng 40 năm trở lên, trong toàn bộ thời gian phục vụ của tàu, hệ thống vũ khí ít nhất có 3 cơ hội thay thế, cho nên thân tàu cũ lắp hệ thống vũ khí mới tuyệt đối là sự lựa chọn có thể chấp nhận được, chỉ cần chi ngân sách cho hệ thống vũ khí mới, đối mặt với mối đe dọa mới cũng không thành vấn đề.

Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ Ed Royce cho rằng, hành động này của Tổng thống Mỹ Obama sẽ cải thiện an ninh biển của Đài Loan, thúc đẩy quan hệ quan trọng Mỹ-Đài.

Đối với việc Tổng thống Mỹ phê duyệt dự luật bán 4 tàu hộ vệ lớp Perry cho Đài Loan, Trung Quốc đã tiến hành phản đối mạnh mẽ. Ngày 19 tháng 12, phát ngôn viên ngoại giao Trung Quốc tên là Tần Cương đã lên tiếng cho rằng, vấn đề Đài Loan là một trong những “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc, đồng thời nó vẫn là vấn đề quan trọng và nhạy cảm nhất trong quan hệ Trung-Mỹ.

Tàu hộ vệ tên lửa lớp Perry
Tàu hộ vệ tên lửa lớp Perry

Theo Tần Cương, Trung Quốc cực lực phản đối Chính phủ Mỹ bán 4 tàu hộ vệ tên lửa lớp Perry cho Đài Loan. Lập trường của Trung Quốc về vấn đề này là kiên quyết, rõ ràng và nhất quán.

Tần Cương coi việc Mỹ bán 4 tàu hộ vệ lớp Perry cho Đài Loan là “can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Trung Quốc”, “gây thiệt hại cho lợi ích chủ quyền và an ninh” của Trung Quốc, “đi ngược lại xu hướng phát triển hòa bình quan hệ hai bờ”. Cho biết, Trung Quốc “bất mãn” và “phản đối mạnh mẽ”.

Việt Dũng