Hạn hán khiến hàng nghìn hecta lúa có nguy cơ mất trắng

18/07/2013 10:14
Tấn Tài
(GDVN) -Hạn hán kéo dài làm cho ruộng đồng khô cháy, sông hồ, giếng nước cạn kiệt đã và đang đẩy người dân ở Quảng Ngãi vào cảnh khốn khó chưa từng thấy.

Lúa khô héo phải cắt cho bò ăn

Thời tiết diễn biến bất thường, khắc nghiệt. Hạn hán kéo dài làm cho ruộng đồng khô cháy, nhiễm mặn, sông hồ, giếng nước cạn kiệt đã và đang đẩy người dân vào cảnh khốn khó chưa từng thấy.

Những cánh đồng ở xã Bình Thanh Đông đang trong tình trạng thiếu nước trầm trọng. Ruộng lúa đang trong giai đoạn làm đòng, tuy nhiên trong ruộng lúa đều khô trắng. Nắng hạn lúa đang dần khô héo nên anh Nguyễn Mạnh Quý (43 tuổi), đành phải cắt cho bò ăn.

"Đám lúa đây cắt bỏ cho bò ăn cũng tiết vì bao nhiêu tiền phân thuốc đầu tư vào đó. Nhưng biết làm sao không cắt đi thì nó cũng khô cháy hết vì nó đang làm đòng mà thiếu nước nên lên không nỗi" anh Quý buồn bã cho biết.

Anh Quý đang cắt lúa khô cháy để cho bò ăn
Anh Quý đang cắt lúa khô cháy để cho bò ăn

Theo anh Quý, vụ này gia đình anh gieo sạ được 6 sạo lúa, một sào bị khô héo đã cắt cho bò ăn còn 5 sào kia cũng đang thiếu nước mà ở dưới mươn cũng đã cạn hết. Những ngày gần đây, dân làng ở đây luôn túc trực ngày đêm để tranh giành tưới nước vào ruộng, ai cũng muốn tưới nước vào ruộng mình nên tranh giành nhau, có trường hợp dân làng tranh giành nước dẫn đến xô xác nhau chính quyền phải vào cuộc để giải hòa. "Thật không có cái sợ nào bằng cái sợ đói" anh Quý nói trong sự chua chát.

Đến đập An Hội, chúng tôi chứng kiến hàng chục người dân đang chầu chực để vét cạn những giọt nước cuối cùng của con đập này để tưới lên ruộng lúa của gia đình mình. Trong cái nắng gay gắt của ngày hè, các cô bác nông dân đang túc trực cùng hàng chục máy bơm nước để sẵn trên bờ chờ suốt, ai cũng mong sẻ được đến phiên bơm nước lên ruộng.

Đang vất vã để chạy nước lên ruộng lúa, chị Nguyễn Thị Sỹ 43 tuổi ở thôn An Hội cho biết, Vợ chồng tôi vất vã từ 4 giờ sáng đến giờ mới chạy nước lên được đám ruộng ở gần con đập này, còn 6 sào lúa ở cánh đồng trước nhà tôi đang trong giai đoạn trổ nhưng khô trắng hết, cái đà này chắc dân ở đây phải chết đói hết."

Được biết con đập An Hội này, dùng để tưới tiêu cho hơn 43 ha lúa thế nhưng trong tình cảnh hiện tại thì con đập này đang trơ đáy, chỉ còn những vũng nước cuối cùng đang được người dân vét cạn lên với hy vọng sẻ cứu được những thữa ruộng nhỏ của gia đình mình.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, con đập An Hội được Chính phủ Nhật Bản hổ trợ 4 tỷ để đầu tư xây dựng lại. Công trình đập này do Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi làm chủ đầu tư. Đến tháng 01/2013 thì hoàn thành, thế nhưng khi hoàn thành phía chủ đầu tư yêu cầu phải tháo nước để nghiệm thu những hạng mục nằm ở phía dưới thân đập. Khi tháo nước đập đến nay, trời liên tục nắng cũng vì thế mà hơn 43 ha lúa của dân chỉ biết trông chờ vào trời, không biết trời có thương dân vùng này không.

Chỉ nhờ trời mới may chống được hạn 

Chúng tôi đến UBND xã Bình Thanh Đông đúng lúc chính quyền xã đang họp bàn cách chống hạn cho hơn 180 ha lúa, trong đó có 80 ha lúa đang thiếu nước trầm trọng và chỉ biết trông chờ vào việc trời mưa để giải cơn khát nước.

Vì thế mà trong cuộc hộp lãnh đạo xã này luôn lắt đầu và câu nói luôn được lặp đi lặp lại là "Phải trông chờ vào trời mưa thì mới có thể cứu hạn được hơn 80 ha lúa đang thiếu nước."

Theo ông Lê Tấn Sơn Chủ tịch HTX nông nghiệp Bình Thanh Đông thì hiện tại toàn xã có 4 hồ chứa nước An Hội, Gia Hội, Diều Gà và đập Hố Lùng đều đã trơ đáy. Vì vậy, khoảng 80 ha lúa trên địa bàn xã có nguy cơ thiếu nước tưới.

Còn ông Trương Văn Hiền Chủ tịch xã thì cho biết, "Để cứu lúa, xã đã chỉ đạo bà con đào ao, nạo vét kênh mương, hồ đập... và dùng máy để đưa nước về tưới, nhưng lượng nước có được chẳng là bao. Xã cũng ký với Trạm bơm nước Thạch Nham để tưới thêm cho 30 ha lúa vốn dùng nước hồ An Hội, nhưng lượng nước về cũng yếu. Cánh đồng dùng nước hồ An Hội đó ở triền cao hơn nước thạch nhan nên việc đưa nước thạch nhan vào là rất khó. Mặt khác, ở đó khoan nguồn nước ngầm cũng không có nên chỉ biết trông chờ vào trời mưa"

Anh Thường đang chạy những giọt nước cuối cùng ở đập An Hội với hi vọng cứu được lúa
Anh Thường đang chạy những giọt nước cuối cùng ở đập An Hội với hi vọng cứu được lúa

Ông Hiền cho biết thêm, "Tình hình chống hạn năm nay, của địa phương đang rất khó, chúng tôi phải rán. Rán đến đâu được đến đó, nếu rán mãi không được thì phải buông xuôi thôi" Ông Hiền nói trong sự bất lực.

Và như vậy, tình hình chống hạn của bà con nông dân ở xã Bình Thanh Đông đang gặp rất nhiều khó khăn. Bà con nông dân ở đây đang trông chờ vào trời không biết trời có thấu nỗi lòng của những người dân mà rủ lòng thương cho mưa xuống cứu mùa vụ cho nông dân bớt khổ.

Hạn chưa từng thấy

Miền Trung nói chung và Quảng Ngãi nói riêng đã trải qua 3 tháng liền không có mưa lớn, “may mắn” mới có ít cơn mưa nhỏ. Hạn hán, mặn xâm nhập, ruộng đồng khô khốc chưa từng thấy. Các con sông, suối, ao hồ, đập phần lớn đều cạn kiệt nguồn nước.

Theo thống kê của huyện Bình Sơn, toàn huyện đã có 1.458/4.387,7 ha lúa bị hạn, nặng nhất là xã Bình Thanh Đông 85 ha, Bình Khương 47 ha, Bình Chương 18 ha, đã có trên 10 ha lúa bị khô cháy do thiếu nước.

Các hồ chứa nước hầu hết đã trơ đáy.
Các hồ chứa nước hầu hết đã trơ đáy.

Nếu thời tiết tiếp tục nắng nóng kéo dài, không có mưa, diện tích có khả năng bị hạn của toàn huyện Bình Sơn sẽ lên đến 3.901 ha, trong đó cây lúa 2.728 ha, cây màu 1.172 ha và nhiều diện tích cây trồng sẽ chết khô. Nguồn nước của các hồ chứa trên địa bàn huyện đã xuống rất thấp. Trong tổng số 52 hồ đập, hiện có 4 hồ khô cạn hoàn toàn, 7 hồ đã đến mực nước chết, các hồ còn lại chỉ còn từ 10-20 % dung tích thiết kế.

 Trong 18 công trình hồ chứa nước do Công ty Khai thác Công trình Thủy lợi Quảng Ngãi quản lý hiện chỉ có các hồ ở khu vực miền núi và Thạch Nham có lưu lượng nước đảm bảo nhờ thời gian qua trên địa bàn các huyện miền núi của tỉnh có mưa giông lớn.

Riêng 2 hồ chứa nước Hóc Dọc (Bình Nguyên) và Đá Bàn (Bình Tân) đã cạn kiệt hoàn toàn. Các hồ Hố Quýt (Tịnh Thọ), Mạch Điểu (Đức Phú), Cây Sanh (Phổ Châu) chỉ còn từ 11-16% dung tích thiết kế.

Sở NN& PTNT dự báo toàn tỉnh Quảng Ngãi sẽ có trên 26.000 ha bị hạn, trong đó có trên 17.000ha lúa và 9.200ha cây trồng khác. Trên 43.000 người thiếu nước sinh hoạt và trên 38.800 con vật nuôi thiếu nước uống.

Mặc dù ngay từ đầu vụ, ngành nông nghiệp đã khuyến cáo bà con nông dân thực hiện chuyển đổi  2.500 ha lúa ở những vùng không chủ động được tưới, cuối kênh sang trồng cây rau màu để tiết kiệm nguồn nước tưới. Thế nhưng nhiều hộ vẫn “cố đấm ăn xôi” gieo sạ lúa vì chủ quan, hy vọng sẽ có mưa như những năm trước. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến diện tích lúa bị mất trắng do thiếu nước tăng nhanh, gây tổn thất nặng nề cho bà con nông dân.

Theo Trung tâm khí tượng thủy tượng và thủy văn tỉnh Quảng Ngãi thì thời tiết tình hình nắng nóng sẽ kéo dài khoảng hơn một tháng nữa, nếu có mưa chỉ là những cơn mưa giông làm giảm bớt nắng nóng. Những cơm mưa giông nếu có chỉ diễn ra ở những khu vực miền núi như Trà Bồng, Tây Trà...
                                                  

Tấn Tài