"Hành động hiếu chiến đơn phương đã bóc trần màn kịch của Trung Quốc"

05/08/2012 18:20
T.H
(GDVN) - Cựu đại sứ Ấn Độ tại Iraq R S Kalha cho rằng, hiện vẫn còn chưa quá muộn để Trung Quốc nhận ra “sự điên rồ của họ”, rút khỏi các đảo không có người ở và tìm kiếm một giải pháp hòa bình phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).
Giương cao ngọn cờ chính nghĩa

Đăng tải tại Chinhphu.vn, Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Nguyễn Văn Thơ cho rằng, vấn đề tranh chấp Biển Đông là một tồn tại lịch sử khách quan, chúng ta không thể né tránh, mà phải đối diện và tìm phương cách để từng bước giải quyết vấn đề này.
Đại sứ khẳng định: Một mặt chúng ta luôn chú trọng xây dựng phát triển mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp với nước bạn Trung Quốc, song cũng kiên quyết bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ đất nước. Chúng ta có đầy đủ cơ sở pháp lý và lịch sử để khẳng định quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Đồng thời, chúng ta cũng luôn nhất quán là các tranh chấp trên Biển Đông phải được giải quyết thông qua thương lượng hòa bình, trên cơ sở hữu nghị, bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực, trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).


“Tôi hi vọng rằng những tiếng nói tiêu cực, không có lợi cho quan hệ hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc, kích động hận thù dân tộc trên một số báo và trang mạng của Trung Quốc không phải là tiếng nói chính thống của Đảng, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc”, Đại sứ Nguyễn Văn Thơ nói.

TOÀN CẢNH TRƯỜNG SA - HOÀNG SA NHÌN TỪ ĐẤT LIỀN
BẤM VÀO ĐÂY XEM CHÙM ẢNH: CÔNG BỐ NHỮNG HÌNH ẢNH "KHÔNG THỂ KÌM NỔI" VỀ TRƯỜNG SA
AI CHƯA ĐẾN TRƯỜNG SA CẦN XEM 31 TẤM HÌNH NÀY

Cũng theo Chinhphu.vn, Đại sứ Nguyễn Văn Thơ khẳng định Việt Nam luôn mong muốn hai bên có nhiều tiếng nói hữu nghị hơn, tích cực hơn, góp phần giải quyết những tranh chấp, bất đồng bằng thương lượng hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế, góp phần đưa quan hệ hai nước phát triển ổn định và lành mạnh.
Theo Đại sứ, “trong lúc này, chúng ta lại cần phải giương cao hơn nữa ngọn cờ chính nghĩa, hòa bình và hợp tác, vì đây là xu hướng lớn của khu vực và thế giới mà không ai có thể đi ngược lại xu hướng đó. Việc này chúng ta phải kiên trì, cái gì đúng phải bảo vệ đến cùng. Bằng những bài viết khách quan, trung thực, có lý có tình, báo chí cũng là một kênh thông tin rất quan trọng để bảo vệ cái đúng, bảo vệ lẽ phải”.

Còn chưa quá muộn để Trung Quốc làm lại
Báo Công an nhân dân trích dẫn, cựu đại sứ Ấn Độ tại Iraq R S Kalha cho rằng, hiện vẫn còn chưa quá muộn để Trung Quốc nhận ra “sự điên rồ của họ”, rút khỏi các đảo không có người ở và tìm kiếm một giải pháp hòa bình phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).

Trước đó, ngày 2/8, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin thông báo, tàu cá Trung Quốc đã giăng dây thừng tại khu vực ra vào bãi cạn đang có tranh chấp Scarborough/Hoàng Nham để ngăn tàu cá nước khác vào đây.
Tờ Philippine Daily Inquirer dẫn lời Bộ trưởng Voltaire Gazmin cho biết, lực lượng tuần duyên Philippines đã báo cáo với ông về việc tàu cá Trung Quốc để lại một dây thừng dài có phao giữ xung quanh các khu vực ra vào Scarborough/Hoàng Nham. Bộ trưởng Voltaire Gazmin thông báo, lực lượng tuần duyên chưa quyết định tháo bỏ dây thừng nói trên và đã điều máy bay đến khu vực này để giám sát tình hình.
Cũng trong ngày 2/8, Thư ký thông tin văn phòng Tổng thống Philippines, ông Ricky Carandang cho biết, thiếu Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông, bất kỳ quốc gia tuyên bố chủ quyền nào tại vùng này đều không thể thăm dò tài nguyên ở những khu vực tranh chấp. Theo ông Ricky Carandang, các chuyên gia pháp lý và ngoại giao có thể tìm ra cách để khai thác chung, nhưng sẽ thất bại nếu thiếu Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông.
Tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin diễn ra đúng thời điểm giới truyền thông đưa tin: nhiều báo và hãng tin lớn của Trung Quốc như Thời báo Hoàn Cầu, Tân Hoa xã, China News, Sina… vừa đồng loạt chỉ trích những quốc gia hữu quan trong tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.
Trong khi đó, dư luận và giới chuyên môn bày tỏ mối quan tâm tới bài viết của cựu Đại sứ Ấn Độ tại Iraq K S Kalha khi cho rằng, chính sách lấn chiếm Biển Đông của Trung Quốc là lợi bất cập hại. Theo cựu đại sứ R S Kalha, có thể bị sa vào một cuộc tranh chấp nội bộ sau vụ cách chức Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai, nên ban lãnh đạo Trung Quốc hiện không muốn bị cho là nhu nhược.
Ngoài ra, Bắc Kinh cũng muốn gửi một thông điệp tới tất cả các nước khác đang có tranh chấp tại Biển Đông rằng, trong khi muốn có một giải pháp ngoại giao, Trung Quốc sẽ sử dụng vũ lực để bảo vệ vị thế của mình ở vùng biển này. Nhưng hành động này khó thực hiện bởi Trung Quốc sẽ vô cùng khó khăn để duy trì an ninh cho đơn vị đồn trú tại cái gọi là “thành phố Tam Sa”. Ngoài ra, hành động lấn át của Trung Quốc ở Biển Đông sẽ khiến cho các nước hữu quan xích lại gần nhau hơn và đoàn kết để chống lại những đòi hỏi chủ quyền quá đáng và phi lý của Bắc Kinh.
Cựu đại sứ R S Kalha cho rằng, hiện vẫn còn chưa quá muộn để Trung Quốc nhận ra “sự điên rồ của họ”, rút khỏi các đảo không có người ở và tìm kiếm một giải pháp hòa bình phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).
Trên trang mạng của Viện phân tích và nghiên cứu quốc phòng, chuyên gia Abanti Bhattacharya thuộc Đại học Delhi (Ấn Độ) cũng vạch rõ chiêu bài đa phương và đơn phương của Trung Quốc trên Biển Đông. Theo ông Abanti Bhattacharya, trở ngại lớn nhất để giải quyết tranh chấp trên Biển Đông là việc Bắc Kinh kiên quyết bác bỏ bất cứ giải pháp đa phương nào với các bên cùng tuyên bố chủ quyền.
Trong khi luôn khẳng định, đa phương là trọng tâm trong chính sách ngoại giao của mình thì Trung Quốc lại hành động ngược lại và vi phạm chủ quyền của nước khác. Điển hình là việc thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa" và quyết định đưa quân đội đến đồn trú ở đây. Theo ông Abanti Bhattacharya, đa phương hóa chỉ là công cụ chiến lược được Trung Quốc sử dụng khi cần phản đối chính sách của Mỹ và giúp Bắc Kinh cải thiện hình ảnh đầy đe dọa trong mắt các nước ASEAN. Nhưng các hành động hiếu chiến đơn phương gần đây đã bóc trần màn kịch đa phương của Bắc Kinh.
Dư luận cũng đang chú ý tới việc hãng ABS-CBN News dẫn lời ông Robert Scher, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ hôm 1/8 khi cho biết, Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ cân nhắc việc bổ sung máy bay ném bom và tàu ngầm tấn công đến khu vực Thái Bình Dương, để đối phó với những thách thức an ninh ngày càng tăng ở khu vực này.
Giới chuyên môn đều cho rằng, Trung Quốc đang quyết tâm hiện thực chiến lược độc bá Biển Đông để vừa khai thác dầu khí, vừa kiểm soát tuyến đường biển quan trọng tại khu vực này. Điều này được chuyên gia Stephanie Kleine - Ahlbrandt thuộc Tổ chức khủng hoảng quốc tế (ICG) chỉ rõ. Theo đó, việc Trung Quốc mở rộng hoạt động khai thác dầu khí trên Biển Đông là bước thứ ba trong chiến lược độc bá Biển Đông.

Âm mưu lâu dài
Báo Thanh niên đăng tải bài viết về lực lượng tàu tuần tra có trang bị vũ khí được Trung Quốc triển khai phục vụ mưu đồ chiếm đoạt biển Đông. Báo này trích dẫn từ tạp chí Jane’s Defence Weekly, Trung Quốc đang ngày càng tăng cường khả năng hoạt động xa bờ cho “hạm đội trắng”. Điển hình như lực lượng tàu hải quan vốn dĩ hoạt động gần bờ nay cũng đang được bổ sung các tàu tầm xa. Sau khi tàu ngư chính, hải giám và hải tuần “bành trướng” trên biển Đông, lực lượng hải quan được cho là sẽ sớm ra khơi, núp bóng dưới chiêu bài “tuần tra ở vùng biển chủ quyền”. Xa hơn, Bắc Kinh có thể sáp nhập các nhóm tàu trên nằm dưới quyền quản lý của một cơ quan mới. Gần đây, thiếu tướng La Viện, Phó tổng thư ký Hội Khoa học quân sự Trung Quốc, tuyên bố Bắc Kinh có thể sớm thành lập Bộ Đại dương phụ trách kiểm soát hoạt động tại các vùng biển.
Theo đó, bộ này được lập ra trên cơ sở thống nhất 9 đơn vị hiện dưới quyền các cơ quan khác nhau như Bộ Nông nghiệp và Bộ Công an. Asahi Shimbun từng dẫn lời tướng La nói bên lề Hội nghị Chính hiệp Trung Quốc hồi tháng 3 rằng: “Liên kết nhiều cơ quan để tạo ảnh hưởng mạnh hơn và có nhiều tàu lớn hơn”. Giới quan sát nhận định cơ quan mới sẽ đóng vai trò then chốt trong việc “bảo hộ” những hoạt động đánh bắt, khai thác nguồn lợi trên biển tại những khu vực Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền. Tất nhiên, biển Đông nằm trong số các khu vực này.
Vì thế, bài phân tích trên Jane’s Defence Weekly nhận định vụ căng thẳng giữa Trung Quốc với Philippines quanh bãi cạn Scarborough gần đây là cách để Bắc Kinh kiểm nghiệm khả năng ứng phó của “hạm đội trắng”. Theo đó, khi các tàu cá hay tàu dân sự của Trung Quốc “gặp khó”, Bắc Kinh sẽ sẵn sàng leo thang căng thẳng bằng cách từng bước điều động tàu được vũ trang từ thấp đến cao của “hạm đội trắng”. Bằng cách này, Trung Quốc có thể tránh tiếng là không “quân sự hóa” dù sức mạnh đe dọa chẳng kém gì việc triển khai tàu chiến. Về lâu dài, “hạm đội trắng” có thể thay thế hải quân thực hiện mưu đồ của Bắc Kinh trong việc bành trướng ở các vùng biển.
T.H