Hầu hết hệ động thực vật ở Hải Nam có nguồn gốc từ Việt Nam

27/04/2016 09:28
Hồng Thủy
(GDVN) - Hải Nam đã tách khỏi lục địa Việt Nam và dịch chuyển về phía Đông Nam sau giai đoạn Mesozoi cho đến khi cố định ở vị trí hiện tại.

South China Morning Post ngày 26/4 đưa tin, một nghiên cứu gần đây ở Trung Quốc cho thấy, hầu hết hệ động thực vật trên đảo Hải Nam, Trung Quốc có nguồn gốc từ Việt Nam chứ không phải Quảng Đông, một tỉnh thuộc Trung Quốc đại lục gần hòn đảo này nhất.

Đảo Hải Nam, Trung Quốc trên bản đồ Google Maps, ảnh minh họa.
Đảo Hải Nam, Trung Quốc trên bản đồ Google Maps, ảnh minh họa.

Một nhóm nghiên cứu do Zhu Hua, Giáo sư làm việc tại Vườn Bách thảo Xishuangbanna, Côn Minh, Vân Nam đã tham gia dự án nghiên cứu, so sánh hệ động thực vật ở Hải Nam với những gì được tìm thấy xung quanh khu vực khác.

Ông Zhu Hua kết luận: "Hệ thực vật của Hải Nam có những điểm tương đồng rất gần với Việt Nam. Nếu chúng ta nhìn vào các chi thực vật chia sẻ giữa các khu vực với nhau, chúng ta có thể thấy rằng 110 chi thực vật được chia sẻ giữa Việt Nam và Hải Nam, trong khi chỉ có 7 chi thực vật được chia sẻ giữa Quảng Đông và Hải Nam. Hệ thực vật tại đảo Hải Nam có liên quan chặt chẽ đến Việt Nam".

Kết luận này được công bố trên tạp chí PLoS ONE bản điện tử. Hiện tượng tương tự cũng được tìm thấy trong hệ động vật. Các loài động vật có vú hiện hữu ở Hải Nam có tương đồng, liên hệ rất cao với Việt Nam, trong khi có rất ít liên hệ với Quảng Đông, Trung Quốc.

Trong số 41 loài động vật có vú tại Hải Nam, 30 loài có thể được tìm thấy tại Việt Nam. Nghiên cứu của nhóm Zhu Hua cho rằng, Hải Nam có mối liên kết vật lý với Việt Nam trong thời đại cách đây 66 đến 252 triệu năm.

Theo nghiên cứu này, Hải Nam đã tách khỏi lục địa Việt Nam và dịch chuyển về phía Đông Nam sau giai đoạn Mesozoi cho đến khi cố định ở vị trí hiện tại. Sự chia tách này được kích hoạt bởi hoạt động núi lửa ở vịnh Bắc Bộ.

Nhưng có thể Hải Nam không gắn hoàn toàn với đất liền Việt Nam, mũi đông bắc của hòn đảo này có thể kết nối với khu vực Quảng Tây hiện nay vào thời điểm đó, các nhà nghiên cứu này nhận định.

Hồng Thủy