Hoa Đông: Trung Quốc chĩa mũi nhọn tấn công vào kinh tế Nhật

17/09/2012 19:00
Anh Vũ (Nguồn Mainichi)
(GDVN) - Truyền thông nhà nước Trung Quốc đã kêu gọi người dân "có chừng mực", trái ngược với ngôn ngữ hiếu chiến của họ trong tuần trước. "Sự biểu hiện của tình cảm yêu nước không nên dẫn đến cái giá của việc phá vỡ trật tự xã hội trong nước" - Tân Hoa Xã viết trong bài bình luận.
Người Trung Quốc đang làm ảnh hưởng tới nền kinh tế Nhật Bản xung quanh những cuộc tranh cãi với các đảo tranh chấp, gây ra các cuộc biểu tình giận dữ và kêu gọi tẩy chay hàng hóa của các doanh nghiệp Nhật Bản.

Những người biểu tình phản đối Nhật tại Uy Hải, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc.
Những người biểu tình phản đối Nhật tại Uy Hải, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc.

Các doanh nghiệp Nhật Bản trở thành mục tiêu tấn công

Cuộc biểu tình nhỏ lẻ ở Trung Quốc trong tuần qua đã ngày càng lớn hơn và biến thành bạo lực, lan rộng đến ít nhất hai chục thành phố cuối tuần qua. Những người biểu tình đã đốt một nhà máy Panasonic và đại lý Toyota tại cảng Thanh Đảo, cướp phá cửa hàng Heiwado tại thành phố Trường Sa thủ phủ tỉnh Hồ Nam và tấn công các siêu thị Nhật Bản ở nhiều thành phố khác.

Gần thành phố Quảng Châu, người biểu tình đã xông vào vào một khách sạn bên cạnh Lãnh sự quán Nhật Bản và phá hoại một nhà hàng Nhật Bản.
Trong khi kêu gọi người biểu tình không dùng tới bạo lực, chính phủ Trung Quốc cũng khuyến khích việc sử dụng các áp lực kinh tế trong cuộc tranh chấp chủ quyền với nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Tuần trước, Cục Quản lý Du lịch Quốc gia Trung Quốc đã lệnh cho các công ty du lịch để hủy các tour du lịch đến Nhật Bản trong kỳ nghỉ kéo dài nhân ngày Quốc khánh vào đầu tháng 10 và hứa sẽ bù đắp chi phí cho các doanh nghiệp, một luật sư giấu tên và cũng là người soạn thảo quyết định trên tiết lộ.

Dân Trung Quốc gây náo loạn bên ngoài một nhà hàng Nhật Bản.
Dân Trung Quốc gây náo loạn bên ngoài một nhà hàng Nhật Bản.

Thêm vào đó, nhiều phương tiện truyền thông nhà nước cũng vào hùa với nhóm người Trung Quốc biểu tình kêu gọi tẩy chay hàng hóa Nhật Bản. Một tờ báo khu vực đã đưa ra một danh sách các thương hiệu nổi tiếng của Nhật Bản cùng với lời kêu gọi tẩy chay. Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc tạm dừng quảng cáo cho các sản phẩm của Nhật Bản trên hai kênh chính vào cuối tuần qua.
Chủ tịch và Giám đốc điều hành Công ty cổ phần ô tô Nissan - Carlos Ghosn nói với các phóng viên Hồng Kông hồi tuần trước rằng, mặc dù cho đến nay tranh chấp biển đảo không có tác động rõ rệt vào doanh số bán hàng ở Trung Quốc, nhưng điều đó có thể xảy ra nếu tình hình "nghiêm trọng hơn." Theo số liệu của chính phủ Trung Quốc, nhập khẩu từ Nhật Bản đã giảm 6% trong năm nay so với 8 tháng đầu năm ngoái.
Một người quản lý của một cửa hàng máy tính xách tay Sony ở Thượng Hải cho hay có khá ít người vào mua sắm trong cửa hàng của mình. "Chúng tôi đã bán được hơn 100 sản phẩm vào tháng trước, trong khi trong 13 ngày tháng 9, chúng tôi bán được không quá 10 chiếc" - quản lý Yan Long nói - "Chúng ta đều biết các sản phẩm này được làm ra ở Trung Quốc, nhưng mang thương hiệu Nhật Bản."

Hạm đội Hoa Đông của Trung Quốc tập trận bắn đạn thật trên biển Hoa Đông giữa lúc căng thẳng dâng cao.
Hạm đội Hoa Đông của Trung Quốc tập trận bắn đạn thật trên biển Hoa Đông giữa lúc căng thẳng dâng cao.

Tại một cửa hàng điện tử Guomei ở Bắc Kinh với các ti vi màn hình phẳng, máy ảnh,... nhiều người tiêu dùng dường như không chung quan điểm với nhau. "Chúng ta nên cấm các sản phẩm của họ" - một cựu chiến binh 70 tuổi nói sau khi rời cửa hàng.

Tuy nhiên, cũng có những người đã ca ngợi sản phẩm của Nhật Bản. "Chất lượng của chúng khá tốt và tôi vẫn sẽ mua" - một nhân viên ngân hàng 20 tuổi Dư Kim Sinh cho biết khi mua một chiếc máy ảnh.
Bên cạnh đó, trong năm 2010, Trung Quốc tạm ngừng xuất khẩu sang Nhật Bản kim loại đất hiếm được sử dụng trong công nghệ sản xuất cao sau khi Nhật Bản bắt giữ một thuyền trưởng tàu đánh cá trong vụ tàu đánh cá va chạm với hai tàu tuần tra Nhật Bản ngoài khơi các hòn đảo.

Hai bên vẫn cần có nhau

Tuy nhiên, Nhật Bản là một nhà đầu tư lớn, các doanh nghiệp cung cấp công ăn việc làm từ việc sản xuất và các dịch vụ. Một cuộc chiến tẩy chay có thể sẽ làm tổn thương nền kinh tế Trung Quốc tại một thời điểm sự tăng trưởng đang chậm lại và lãnh đạo Trung Quốc đang lo lắng về tình trạng bất ổn dân sự.

Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda và người đồng cấp Ôn Gia Bảo trong cuộc gặp tại Bắc Kinh.
Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda và người đồng cấp Ôn Gia Bảo trong cuộc gặp tại Bắc Kinh.

Sarah McDowall, một nhà phân tích về khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cho biết Trung Quốc cũng có thể đe dọa Nhật Bản với các biện pháp trừng phạt như đã làm với Mỹ trong năm 2010 hoặc hủy bỏ các đoàn thương gia, nhưng điều này sẽ không xảy ra bởi nó có thể gây ảnh hưởng bất lợi cho quan hệ thương mại. "Họ cần nhau" - bà nói.
Hôm 16/9, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã kêu gọi người dân "có chừng mực", trái ngược với ngôn ngữ hiếu chiến của họ trong tuần trước. "Sự biểu hiện của tình cảm yêu nước không nên dẫn đến cái giá của việc phá vỡ trật tự xã hội trong nước" - Tân Hoa Xã viết trong bài bình luận.
Việc kiểm duyệt thông tin trên mạng xã hội ở Trung Quốc như Sina Weibo cũng được thực hiện. Người dùng không thể tìm các từ khóa như "biểu tình chống Nhật" và các video của các cuộc biểu tình từng được đưa lên cũng nhanh chóng biến mất.
Anh Vũ (Nguồn Mainichi)