Học giả Đài Loan: Nhật có thể thực hiện tự vệ tập thể ở Biển Đông

06/07/2014 15:30
Hồng Thủy
(GDVN) - Các quốc gia có quan hệ mật thiết với Nhật Bản một khi yêu cầu Tokyo giúp đỡ trong trường hợp chiến tranh với Trung Quốc, Nhật Bản có thể can thiệp bằng vũ lực
Ông Dương Vĩnh Minh.
Ông Dương Vĩnh Minh.

Tờ Liberty Times ngày 6/7 dẫn lời ông Dương Vĩnh Minh, cựu Cục phó Cục An ninh quốc gia Đài Loan bình luận, động thái Nhật Bản "cởi trói" cho quyền tự vệ tập thể là để thoát khỏi mối uy hiếp từ Trung Quốc, nhưng Đài Loan chẳng được lợi lộc gì từ điều này. Một khi Bắc Kinh tấn công Đài Bắc sẽ biến thành cuộc đối đầu Trung - Mỹ ở Đông Á.

Dương Vĩnh Minh cho rằng Trung Quốc đang thực hiện ý đồ bành trướng ở Biển Đông và Hoa Đông, trong tương lai nếu Hiệp ước đảm bảo an ninh Mỹ - Nhật tiến triển thêm một bước, Nhật Bản rất có khả năng sẽ thực hiện quyền tự vệ tập thể ở Biển Đông. Những đối tác kinh tế hoặc các quốc gia có quan hệ mật thiết với Nhật Bản một khi yêu cầu Tokyo giúp đỡ trong trường hợp chiến tranh với Trung Quốc, Nhật Bản có thể can thiệp bằng vũ lực.

Hà Tư Thận, Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản nhấn mạnh bối cảnh của việc Nhật Bản "cởi trói" cho quyền tự vệ tập thể. Năm 1996 Mỹ và Nhật Bản soạn thảo lại hiệp ước đảm bảo an ninh, đến năm 1997 hai nước ký kết bản ghi nhớ phương châm phòng thủ chung. Tuy nhiên động thái này vẫn chưa đi đến đâu vì 2 bên vẫn còn ý kiến khác nhau xung quanh định nghĩa các điều khoản đảm bảo an ninh Mỹ - Nhật, mà vấn đề quan trọng đặt ra là Nhật Bản chưa chịu "giải phóng" quyền tự vệ tập thể.

Ông Minh cho rằng, Nhật Bản vì đề phòng và ngăn chặn Trung Quốc (bành trướng), sau này đã nỗ lực cùng với Mỹ xây dựng cơ chế đảm bảo an ninh Mỹ - Nhật với tác dụng răn đe lớn hơn.

Động thái này cũng nhằm đáp ứng trục chiến lược của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương, tăng cường khả năng tấn công cho Mỹ ở khu vực trong bối cảnh nước này phải thắt chặt hầu bao quốc phòng.

Dương Vĩnh Minh nhận định, 5 năm qua do các nhân tố chính trị, đầu tư của Nhật Bản vào Trung Quốc đã giảm hẳn, trong khi đó đầu tư của Nhật vào các nước Đông Nam Á như Việt Nam, Indonesia, Malaysia và Myanmar lại tăng nhiều lần. Các quốc gia này đã trở thành đối tác kinh tế của Nhật Bản.

Trong tương lai một khi nổ ra xung đột quân sự ở Biển Đông, Dương Vĩnh Minh cho rằng Nhật Bản có thể thực hiện quyền tự vệ tập thể để hỗ trợ các đối tác kinh tế quan trọng của mình ở Đông Nam Á.

Hồng Thủy