Học giả Mỹ: Cuba đổi đường lấy dịch vụ đại tu vũ khí với Triều Tiên

18/07/2013 19:47
Nguyễn Hường (nguồn Reuters)
(GDVN) - Tình hình tài chính eo hẹp có thể đã thúc đẩy Cuba tiến hành thỏa thuận với Triều Tiên đổi đường lấy việc sửa chữa các thiết bị quân sự cho mình, ông Klepak nói thêm.
Vụ bắt giữ tàu chở hàng Triều Tiên mang thiết bị tên lửa lỗi thời cần sửa chữa của Cuba là dấu hiệu cho thấy sự khó khăn đang diễn ra tại Havana hơn là một mối đe dọa quân sự nguy hiểm, Reuters ngày 18/7 dẫn lời các nhà phân tích cho hay.
Vũ khí Cuba được phát hiện trong tàu chở hàng của Triều Tiên.
Vũ khí Cuba được phát hiện trong tàu chở hàng của Triều Tiên.

Mặc dù Cuba có thể vi phạm lệnh cấm của LHQ về thương mại quân sự với Triều Tiên, tuy nhiên, nó được dự báo sẽ không gây ra phản ứng mạnh vì chúng không liên quan tới mối quan tâm quốc tế đặc biệt về phổ biến vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng.
"Dựa trên những gì chúng ta biết, tác động quân sự có vẻ là không đáng kể. Những thứ này không liên hệ tới mối quan tâm đặc biệt của cộng đồng quốc tế về Triều Tiên là vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo", Philip Peters, chuyên gia về Cuba tại Trung tâm Nghiên cứu Cuba trụ sở tại Virginia nói.
Hơn 2 container chở thiết bị quân sự Cuba trên tàu Triều Tiên bị giữ lại ở Panama được xác định gồm 2 pin tên lửa phòng không, 9 tên lửa tháo rời, 2 máy bay MiG-21, 15 động cơ MiG. Tất cả số vũ khí này đều được Liên Xô chế tạo vào giữa thế kỷ trước.
Quân đội Cuba sử dụng vũ khí và trang thiết bị cũ kỹ, trong khi Lầu Năm Góc từ lâu lại xem hòn đảo này là một mối đe dọa quân sự, Hal Klepak, giáo sư Lịch sử và Chiến lược tại Đại học Quân sự Hoàng gia Canada và là tác giả của một cuốn sách về quân đội Cuba, nhận định.
Ông Klepak cho biết, ngoài các vũ khí lỗi thời, học thuyết quân sự của Cuba được thiết kế để ngăn chặn bất kỳ một cuộc tấn công và khả năng phòng thủ cũng đang rất cần được nâng cấp.

Vụ bắt giữ đã làm lộ ra một loạt khó khăn về quân sự mà Cuba đang phải đối mặt.
Vụ bắt giữ đã làm lộ ra một loạt khó khăn về quân sự mà Cuba đang phải đối mặt.

"Cuba không có thứ gì như Lầu Năm Góc đã nhiều lần mô tả trong các bản phân tích của mình, trong đó nói rằng họ tạo ra một mối đe dọa cho Mỹ và các nước láng giềng khác. Nhưng Cuba sẽ không thể thuyết phục được các kẻ thù rằng chinh phục họ không phải là dễ dàng nếu chỉ vì hệ thống phòng không đã lỗi thời thời", ông nói thêm.
Trong báo cáo năm 1998, Lầu Năm Góc kết luận rằng sự sụp đổ của khối Xô Viết năm 1991 đã gây xói mòn nghiêm trọng đến kích thước và sức mạnh của quân đội Cuba. Báo cáo cho biết, quân đội Cuba không còn phối hợp hiệu quả do thiết bị đã lỗi thời và lực lượng không quân chỉ còn chưa đầy 20 chiếc MiG có thể hoạt động.
"Cuba không có đủ khả năng để mua bất thứ gì mới hơn và không có cơ sở sửa chữa của riêng mình cho nhu cầu đó. Vì vậy, để không phải bỏ đi toàn bộ một chiếc máy bay, họ phải sửa chữa và tái chế chúng", ông Klepak tiết lộ thêm về tình hình khó khăn hiện tại của quân đội Cuba.
Tình hình tài chính eo hẹp có thể đã thúc đẩy Cuba tiến hành thỏa thuận với Triều Tiên đổi đường lấy việc sửa chữa các thiết bị quân sự cho mình, ông Klepak nói thêm.
Nga và Trung Quốc đã được loại trừ khỏi giả thuyết này vì nếu muốn sửa chữa hoặc hiện đại hóa chúng, Cuba sẽ phải trả tiền mặt cho họ.
Việc giấu các thiết bị quân sự cần sửa chữa trong các tàu chở hàng Triều Tiên là một hành vi vi phạm nghị quyết của LHQ và dễ bị phát hiện, nhưng Cuba đã chấp nhận  điều đó, các nhà phân tích nói thêm.
Mặc dù đã vi phạm Nghị quyết của LHQ, nhưng chính quyền Obama vẫn tỏ ra thận trọng trong phản ứng trước vụ bắt giữ vũ khí ở Panama. Tuy nhiên, các thành viên người Mỹ gốc Cuba trong Quốc hội Mỹ đã kêu gọi hành động cứng rắn hơn từ chính quyền Obama. Nhà phân tích Peters gọi hành động của Cuba là một sai lầm chính trị và cho rằng "Cuba xứng đáng bị chỉ trích vì vi phạm nghị quyết của Liên Hợp Quốc, nhưng đó cũng là một bước nhảy vọt dài để sau đó người ta tiếp tục phát giác ra rằng những cảnh báo về mối đe dọa lớn phát ra từ Cuba thực chất không tồn tại". "Quân đội Cuba chưa bao giờ là một mối đe dọa tấn công vào Mỹ và trong 20 năm qua nó chỉ là một con hổ giấy", ông Peter nói thêm.
Nguyễn Hường (nguồn Reuters)