Học giả Trung Quốc thừa nhận tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc thua xa Mỹ

25/11/2013 07:35
Việt Dũng
(GDVN) - Mỹ đứng ở "nhà" cũng có thể tấn công toàn cầu, có có căn cứ trên toàn cầu, trình độ hạt nhân trên biển của Mỹ đạt 10 điểm thì Trung Quốc đạt 3 điểm.
Tàu ngầm hạt nhân Hạm đội Nam Hải tiến hành tập trận (ảnh tư liệu)
Tàu ngầm hạt nhân Hạm đội Nam Hải tiến hành tập trận (ảnh tư liệu)

Tờ "Thời báo Hoàn Cầu" Trung Quốc ngày 22 tháng 11 đưa tin, ngoài nhấn mạnh "mối đe dọa Trung Quốc", Ủy ban đánh giá kinh tế và an ninh Mỹ-Trung còn kêu gọi Mỹ gia tăng đầu tư để tăng cường triển khai ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Hãng AP ngày 21 cho biết, ủy ban này đưa ra báo cáo kiến nghị Quốc hội Mỹ ủng hộ cho đóng tàu, tăng cường hiện diện hải quân ở châu Á-Thái Bình Dương, ủng hộ mục tiêu triển khai 60% tàu chiến ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương vào năm 2020 của Bộ Quốc phòng Mỹ.

Hiện nay, 50% tàu chiến Mỹ tuần tra ở châu Á-Thái Bình Dương. Hãng thông tấn "United Press International" dẫn báo cáo còn cho rằng, Hải quân Mỹ cần tăng cường ít nhất 60 tàu chiến ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Ủy viên ủy ban này Larry Wortzel nói tại phiên điều trần của Hạ viện cho rằng, mục tiêu hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc chính là hạn chế tự do hành động của Mỹ ở toàn bộ khu vực Tây Thái Bình Dương.

Tên lửa đạn đạo JL-2 trang bị cho tàu ngầm Trung Quốc
Tên lửa đạn đạo JL-2 trang bị cho tàu ngầm Trung Quốc

Đối với quan điểm của Ủy ban đánh giá kinh tế và an ninh Mỹ-Trung, ngày 21 tháng 11, các chuyên gia quân sự Trung Quốc trả lời phỏng vấn "Thời báo Hoàn Cầu" đều cho biết không đồng ý (với báo cáo).

Nguyên lãnh đạo "cơ quan trang bị" của Hải quân Trung Quốc Trịnh Minh cho rằng, một số người Mỹ sở dĩ nói tàu ngầm hạt nhân và tên lửa Cự Lang-2 (JL-2) Trung Quốc năm nay hình thành năng lực tác chiến sơ bộ, là do gần đây Trung Quốc bắt đầu tiến hành tuyên truyền về tàu ngầm hạt nhân, một số thông tin được công khai cho dư luận. Nhưng, trên thực tế, có năng lực tác chiến hoàn toàn không phải một ngày là có được.

Tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc tiến hành đe dọa hạt nhân trên biển đối với lãnh thổ Mỹ - quan điểm này là "thổi phồng mối đe dọa sức mạnh quân sự Trung Quốc", động cơ là một số chính khách Mỹ muốn tăng cường đầu tư cho công nghiệp quân sự, duy trì ưu thế trước Trung Quốc.

Tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Ohio của Hải quân Mỹ
Tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Ohio của Hải quân Mỹ

Học giả Trương Triệu Trung, Đại học Quốc phòng Trung Quốc nói với tờ "Thời báo Hoàn Cầu" rằng: "Một số người Mỹ thực ra dựa vào thổi phồng mối đe dọa Trung Quốc để thực hiện mục đích chính trị, thông qua tuyên truyền mối đe dọa Trung Quốc để tránh Quốc hội thông qua phương án cắt giảm chi tiêu quân sự, mặt khác cũng là để các nước láng giềng Trung Quốc tiến hành cảnh giác, đề phòng, thúc đẩy các đồng minh châu Á-Thái Bình Dương đi theo Mỹ tiến hành gây sức ép với Trung Quốc".

Trương Triệu Trung còn cho rằng, tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc lạc hậu nhiều so với Mỹ cả về số lượng mang theo đạn dược và số lượng đầu đạn hạt nhân, trong đó có đầu đạn phân tách tác chiến độc lập. Tầm phóng tên lửa của tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc cũng ngắn hơn Mỹ, Mỹ có thể tiến hành tấn công toàn cầu khi đứng chân trên lãnh thổ của họ, nhưng Trung Quốc thì không thể, hơn nữa Hải quân Mỹ có căn cứ quân sự trên toàn thế giới, "nếu trình độ hạt nhân trên biển của Mỹ đạt 10 điểm thì Trung Quốc đạt 3 điểm".

Giếng phóng tên lửa hành trình của tàu ngầm lớp Ohio Mỹ
Giếng phóng tên lửa hành trình của tàu ngầm lớp Ohio Mỹ
Việt Dũng