Từ vụ nhà ca sĩ Mỹ Linh, phủ Thành Chương:

"Hơn 200 công trình ở huyện Sóc Sơn xây không phép trên đất rừng"

08/05/2013 08:27
XUÂN LONG - LÂM HOÀI/Tuoitre
Ngoài phủ Thành Chương và nhà ca sĩ Mỹ Linh, chiều 7-5 ông Nguyễn Văn Nguyệt - chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn (Hà Nội) - xác nhận với Tuổi Trẻ ở Sóc Sơn hiện có hơn 200 công trình khác cũng xây không có phép trên đất rừng.

Điều đáng nói là hàng loạt vi phạm trong quản lý đất rừng, buông lỏng quản lý để chuyển nhượng đất rừng ồ ạt tại Sóc Sơn đã được Thanh tra Chính phủ kết luận từ năm 2006 nhưng việc khắc phục đến nay vẫn rất ì ạch.

Nhà anh trai ca sĩ Mỹ Linh cũng xây không phép tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội - Ảnh: Lâm Hoài
Nhà anh trai ca sĩ Mỹ Linh cũng xây không phép tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội - Ảnh: Lâm Hoài

“Huyện và xã không cấp giấy phép nào”

Trong số 29 quận huyện của Hà Nội, Sóc Sơn là huyện được thiên nhiên ban tặng diện tích đất rừng lên tới vài nghìn hecta. Tuy nhiên, giữa việc giữ rừng, bảo vệ rừng, suốt giai đoạn từ những năm 1990-2005, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, trên danh nghĩa là chuyển nhượng cây cối hay liên doanh, liên kết để sản xuất nhưng thực chất là mua bán rừng. Tại Sóc Sơn đã có gần 370 hộ gia đình chuyển nhượng đất rừng.

Người nhận chuyển nhượng sau đó phần lớn đã chuyển đổi mục đích thành vườn và xây dựng công trình, kết hợp xây dựng thành khuôn viên bao quanh, làm nhà kiên cố, nhà sàn. Thanh tra Chính phủ cũng kết luận người nhận chuyển nhượng phần lớn là người ở TP Hà Nội với mục đích để làm trang trại, nhà hàng, nhà nghỉ cuối tuần. Việc mua bán, chuyển nhượng giữa các hộ dân thường chỉ bằng sổ lâm bạ, viết giấy chuyển nhượng xin xác nhận của xã, sau đó đã được cấp giấy chứng nhận thành đất ở có sổ đỏ.

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, gần như cánh rừng nào ở Sóc Sơn cũng có công trình xây dựng không phép. Tại phủ Thành Chương, một công trình có quy mô diện tích hơn 8.000m2­, hiện vẫn đang có những hạng mục, công trình tiếp tục được xây dựng, tu sửa, chỉnh trang. Về việc Sở Tài nguyên - môi trường kết luận công trình phủ Thành Chương xây không phép, trao đổi với phóng viên, ông Thành Chương chỉ đáp ngắn gọn: “Nếu nói xây không phép cũng đúng”. Ông cũng nói không bận tâm lắm và từ chối trả lời chi tiết.

Theo ông Tạ Văn Đạo - phó chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn, việc xây dựng không phép trên đất rừng được hình thành suốt thời gian dài, gần như những công trình xây dựng không phép như phủ Thành Chương đã tồn tại từ lâu.

Trình bày với Thanh tra Sở Tài nguyên - môi trường Hà Nội, gia đình ca sĩ Mỹ Linh và một số hộ gia đình khác cho rằng đã được huyện cấp phép cho xây dựng. Về việc này, ông Đạo khẳng định: “Họ nói huyện cấp phép cho xây dựng là không đúng. Cả huyện và các xã đều không cấp giấy phép nào”.

Ông Trần Anh Dũng, chánh Thanh tra Sở Tài nguyên - môi trường Hà Nội, khẳng định: “Dù một số hộ dân nói có được huyện cấp phép cho xây, họ không xuất trình giấy phép nhưng qua nghiệp vụ và qua các kênh quản lý, chúng tôi có đủ cơ sở khẳng định không công trình nào có giấy phép”.

Cũng theo ông Đạo, việc xử lý các công trình xây dựng không phép trên đất rừng vượt ngoài thẩm quyền của huyện.

Hào phóng nâng hạn mức đất

Theo Thanh tra Sở Tài nguyên - môi trường Hà Nội, mặc dù huyện Sóc Sơn đã thực hiện được cơ bản các nội dung kết luận của Thanh tra Chính phủ năm 2006, tuy nhiên việc hiệu chỉnh “sổ đỏ” cấp sai hạn mức đất ở cho người dân vẫn thực hiện rất chậm. Ông Trần Anh Dũng cho biết theo báo cáo của UBND huyện Sóc Sơn, trước đây huyện đã cấp “sổ đỏ” cho 229 hộ gia đình, cá nhân trên diện tích của Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và phát triển nông lâm nghiệp Sóc Sơn được giao quản lý phát triển rừng phòng hộ.

Đáng lưu ý, Thanh tra Sở Tài nguyên - môi trường Hà Nội cho biết theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, trong giai đoạn 1990-2005, huyện Sóc Sơn đã cấp “sổ đỏ” sai hạn mức cho 123 trường hợp. Cụ thể, hạn mức đất ở tại Hà Nội được quy định là 400m2, tuy nhiên huyện Sóc Sơn đã cấp “sổ đỏ” cho 123 hộ với hạn mức đất ở lên tới 600m2, tức là “tặng thêm” cho mỗi hộ 200m2 đất ở.

Thanh tra Chính phủ cũng kết luận khi thực hiện cấp “sổ đỏ” thuộc khu vực lâm trường, cán bộ chuyên môn và chính quyền xã, huyện còn cấp cho một số trường hợp thuộc đất do Nhà nước giao cho lâm trường quản lý chưa được UBND TP phê duyệt đất ở là không đúng với quy định của pháp luật.

Ngoài ra, quá trình triển khai quy hoạch chi tiết của TP về rừng phòng hộ, đặc dụng Sóc Sơn, chính quyền địa phương không chấp hành để quản lý theo hướng giữ nguyên hiện trạng mà tiếp tục cấp “sổ đỏ” đất ở và vườn liền kề, chính quyền xã vẫn xác nhận việc mua bán chuyển nhượng, đồng thời không có biện pháp ngăn chặn sớm việc xây dựng trái phép trên đất rừng đã quy hoạch.

Theo ông Dũng, trong số 123 “sổ đỏ” được Thanh tra Chính phủ yêu cầu UBND huyện Sóc Sơn hiệu chỉnh lại cho đúng hạn mức đất ở, đến nay huyện Sóc Sơn mới hiệu chỉnh được 32 trường hợp, vẫn còn 97 trường hợp chưa hiệu chỉnh.

Kiên quyết xử lý

“Việc sử dụng đất tại khu vực đất rừng do Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và phát triển nông lâm nghiệp Sóc Sơn quản lý, trong đó có khu vực phủ Thành Chương và nhà ca sĩ Mỹ Linh, là sai” - phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Hà Nội Nguyễn Hữu Nghĩa khẳng định như vậy tại cuộc họp thông tin báo chí về quản lý đất đai trên địa bàn Hà Nội (do Thành ủy Hà Nội tổ chức) chiều 7-5. Ông Nghĩa nhấn mạnh: “Quan điểm của cơ quan tài nguyên - môi trường là vi phạm thì phải xử lý, bất kể đối tượng đó là ai cũng phải bình đẳng trước pháp luật”.

Trả lời Tuổi Trẻ về việc trước đây Thanh tra Chính phủ đã có kết luận về việc phá rừng, mua bán đất lâm nghiệp trái phép tại địa bàn huyện Sóc Sơn đã chỉ ra hàng loạt hộ mua, sử dụng đất sai quy định, trong đó có phủ Thành Chương và nhiều hộ khác, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có ý kiến chỉ đạo phải xử lý nghiêm theo quy định nhưng tại sao cho đến nay việc này vẫn tồn tại, ông Nghĩa cho rằng đó không phải trách nhiệm của Sở Tài nguyên - môi trường. “Hà Nội trước đây giao việc quản lý đất rừng cho Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn chứ không phải Sở Tài nguyên - môi trường. Việc triển khai thực hiện kết luận này thế nào thì trách nhiệm chỉ đạo thuộc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn chứ Sở Tài nguyên - môi trường chỉ được giao kiểm tra đối với việc sử dụng đất” - ông Nghĩa nói.

XUÂN LONG - LÂM HOÀI/Tuoitre