IISS: Trung Quốc có thể đuổi kịp Mỹ về chi tiêu quốc phòng 20 năm nữa

06/02/2014 07:45
Nguyễn Hường
(GDVN) - Chi tiêu quân sự của Trung Quốc có thể ngang với Mỹ vào những năm 2030, IISS dự đoán.
Sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc đang buộc các nước láng giềng tăng chi tiêu quân sự, nhưng sẽ cần một thập kỷ nữa Trung Quốc mới có thể trở thành đối thủ siêu cường quân sự của Mỹ, các chuyên gia từ Viện Quốc tế Nghiên cứu Chiến lược (IISS) cho biết.
Chi tiêu quân sự của Trung Quốc có thể ngang với Mỹ vào những năm 2030, IISS dự đoán trong một báo cáo kết quả nghiên cứu hàng năm về khả năng quân sự toàn cầu và kinh tế quốc phòng.

Tuy nhiên, khả năng, trình độ chuyên môn và khả năng triển khai sức mạnh của Trung Quốc sẽ phải mất nhiều năm nữa mới bắt kịp Mỹ, các chuyên gia IISS có trụ sở tại London (Anh) cho biết.

Chi tiêu quân sự của Trung Quốc có thể ngang với Mỹ vào những năm 2030, IISS dự đoán.
Chi tiêu quân sự của Trung Quốc có thể ngang với Mỹ vào những năm 2030, IISS dự đoán.
Chi tiêu quốc phòng châu Á trong năm 2013 tăng cao hơn so với năm 2010 11,6%, IISS cho biết. Tăng chi tiêu quốc phòng lớn nhất trong năm qua là ở Đông Á, nơi Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc chiếm hơn một nửa.
Ngân sách quốc phòng của Trung Quốc hiện nhiều gấp 3 lần so với Ấn Độ và nhiều hơn Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Việt Nam cộng lại.
"Chi tiêu quốc phòng (của Trung Quốc) đã thúc đẩy sự tăng mua sắm quân sự trong một khu vực nóng về xung đột trong yêu sách lãnh thổ có tiềm năng kéo dài", Tổng giám đốc IISS John Chipman nhận định.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong nền kinh tế toàn cầu và tiềm năng leo thang xung đột và sự cố bất ngờ đã biến nó thành trung tâm của các mối quan tâm.  
Giri Rajendran, nhà nghiên cứu quốc phòng, kinh tế, nói rằng giả sử Trung Quốc có thể duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế hiện nay thì ngân sách quốc phòng của Bắc Kinh có thể đuổi kịp Mỹ trong "giữa đến cuối những năm 2030".  Nhưng Trung Quốc sẽ mất thêm 20-30 năm nữa mới cân bằng được quân sự với Mỹ.
Mỹ đến nay vẫn là quốc gia có chi tiêu quốc phòng lớn nhất thế giới, với kinh phí 600,4 tỷ USD, trong khi Trung Quốc là 112,2 tỷ USD và Nga 68,2 tỷ USD. Theo IISS, chi tiêu quốc phòng của các quốc gia châu Á hiện nay chủ yếu là để mua sắm thiết bị quân sự tiên tiến của phương Tây và Nga.
Christian Le Miere, chuyên gia về hàng hải của IISS cho rằng tranh chấp lãnh thổ, đặc biệt là tranh chấp lãnh hải, chắc chắn sẽ thúc đẩy hoạt động mua sắm quốc phòng ngày càng cạnh tranh ở châu Á như một lối thoát cho những căng thẳng được tạo ra bởi sự nổi lên của Trung Quốc. 
Mỹ vẫn là cường quốc quân sự ưu việt trên thế giới - là nước duy nhất có thể triển khai lực lượng đáng kể trên toàn cầu. Mỹ sẽ còn chiếm ưu thế này trong ít nhất là một thập kỷ nữa. 
Ông cho rằng cách tiếp cận của Trung Quốc đối với các tranh chấp lãnh hải của mình mang tính "quản lý tranh chấp hơn là giải quyết tranh chấp".
IISS cho biết căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản đã tăng lên đáng kể và họ cần tham vấn quân sự để giảm nguy cơ xảy ra đụng độ hay một cuộc khủng hoảng chiến lược.
Chuyên gia chiến tranh đất Ben Barry của IISS cho rằng sự gia tăng sức mạnh quân sự của Trung Quốc "không nên được xem là hoàn toàn tiêu cực" khi ông nhấn mạnh tới sự đóng góp của họ trong các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc và đã tham gia vào sứ mệnh chống cướp biển quốc tế ở Ấn Độ Dương.
Nguyễn Hường